ảnh minh họa
Cây đa 13 gốc tại quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng được coi là cây đa cổ thụ khổng lồ trổ nhiều gốc nhất Việt Nam hiện nay. Tương truyền rằng, cây đa 13 gốc có miếu thờ đức Thổ Vượng, có công giúp dân làng khai phá đất đai, lập và giữ làng. Cây đa 13 gốc hiện là điểm đến du lịch tâm linh nổi tiếng, độc đáo của du khách bốn phương. Ảnh: haiphonginfo.vn
Tại xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang có cây dã hương nổi tiếng được ước lượng đã phải hơn 1.000 tuổi rồi. Gốc cây to đến 8 người ôm, vòng đo điểm to nhất của thân cây là 11m, chỗ nhỏ nhất là 8,3m. Nhiều người cho rằng, nhờ có mùi hương của cây dã hương mà cư dân ở đây có một sức khỏe tốt, ít bị các các bệnh dịch truyền nhiễm.
Cây sống thọ nhất Việt Nam hiện nay thuộc về cây táu ở Phú Thọ 2.200 năm (có thông tin nói là 2.100 năm) có từ thời An Dương Vương ở TP Việt Trì (tỉnh Phú Thọ). Ngay từ khi được vinh danh là Cây Di sản Việt Nam, Hội BVTN-MT trung ương và địa phương đã vận động, hướng dẫn nhân dân cùng chăm sóc cây theo khoa học. Nhờ tháo dỡ kịp thời những khối đât đá bị chèn ép quanh thân, mở rộng không gian sống, bón phân, loại bỏ nấm mốc và những cây ký sinh, cắt tỉa những cành bị sâu bệnh….nên mùa Xuân này “cụ” Táu hơn 2.000 tuổi đã có nhiều cành nảy lộc xum xuê.
Cây đa Tân Trào là một trong những điểm tham quan của Khu di tích lịch sử Tân Trào, thuộc huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Cây đa Tân Trào trước đây gồm 2 cây, được gọi là cây "đa ông" và cây "đa bà", mọc cách nhau khoảng 10m. Song cây "đa ông" bị bão thổi đổ, chỉ còn một nhánh nhỏ. Còn cây “đa bà” do tuổi cao cùng những biến động khắc nghiệt của thời tiết đã gần như chết khô, chỉ còn duy nhất một cành còn sống. Hiện nay cây đa Tân Trào đang hồi sinh trở lại do được chăm sóc khoa học, chu đáo hơn.