Dân Việt - Nhiều nhân chứng lịch sử trên chiến trường Điện Biên Phủ cung cấp thông tin, ngày 17.3.1954, hàng loạt lính Thái nghe tin bộ đội ta sắp tiến công, xôn xao xin giải tán đồn trở về quê hương làm ăn.
Tướng Đờ Cátxtơri chắc chắn biết không thể giữ lại Bản Kéo, lệnh cho toàn bộ binh lính rút về Mường Thanh. Tuy nhiên vừa ra khỏi đồn, binh lính không còn nghe lời chỉ huy, chạy vào những cánh rừng đang rền vang từng câu chữ: “Hỡi các bạn binh sĩ Thái, hãy bỏ hàng ngũ địch, quay về với kháng chiến, quay về với gia đình...”.
Địch dùng pháo bắn cản đường và cho xe tăng đuổi theo ngăn chặn. Quân ta ngay lập tức dùng pháo binh bắn yểm trợ cho những hàng binh trên chạy vào khu trú ẩn trong rừng, khiến xe tăng địch phải quay đầu, rút chạy về Mường Thanh.
Trở về sau cuộc chiến quyết định trên cứ điểm Him Lam, quân địch thương vong khá nhiều, trong đó có cả những tên là chỉ huy đồn địch, tham mưu cứ điểm. Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 Lê Trọng Tấn đề nghị nên “có một cử chỉ nhân đạo”, cho phép quân địch ở Mường Thanh được ra nhận xác đồng đội và thương binh.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp theo dõi diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ (Nguồn ảnh: Internet)
Đúng 9 giờ sáng, một chiếc xe Jeep phất phơ lá cờ chữ thập đỏ và một chiếc xe vận tải có mặt ở Him Lam để thu nhận các binh sĩ tử nạn và bị thương đưa về Mường Thanh. Đây là một sự kiện thể hiện sự nhân đạo của quân đội Việt Nam, có tác động lớn đến tinh thần binh lính địch ở Điện Biên Phủ.
Trước đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ban hành 5 điều kỷ luật chiến trường thi hành trong chiến dịch Đông Xuân và tiếp tục áp dụng tại Điện Biên Phủ trong đó xác định rõ chính sách tù binh, hàng binh là 1 trong 5 điều kỷ luật:
“Cán bộ và chiến sĩ người nào, đơn vị nào chấp hành đúng chính sách thương binh tử sĩ, chính sách chiến lợi phẩm, chính sách tù binh, hàng binh thì được khen thưởng. Người nào, đơn vị nào không chấp hành đúng chính sách thương binh tử sĩ, hủy hoại hoặc sử dụng bừa bãi chiến lợi phẩm, bắn giết hành hạ tù binh, thì bị trừng phạt.”
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, cùng với các đợt tiến công quân sự mạnh mẽ, công tác địch vận được đặc biệt chú trọng và tiến hành có hiệu quả, là “mũi vu hồi” quan trọng góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của chiến dịch.
Nguyễn Dũng (ghi) - Nguồn Dân Việt
|