Dân Việt - Được coi là nơi tôn nghiêm và linh thiêng của cộng đồng người Chăm, Thánh đường không chỉ là nơi đồng bào tìm đến làm lễ cầu nguyện, mà còn ẩn chứa cả những tinh hoa kiến trúc của cộng đồng.
Nền văn minh cũng như văn hóa của cộng đồng đó, được tạo dựng bởi những con người đang sinh sống nơi đây.
Thoạt nhìn, những tòa Thánh đường của người Chăm luôn mang đến cho chúng ta cảm giác choáng ngợp vì vẻ lộng lẫy và những họa tiết khá lạ mắt nhưng cũng không kém phần tinh tế.
Với gam màu chủ đạo là xanh và trắng, những tòa Thánh đường tuy không xây kiểu cao tầng nhưng luôn có một tháp, thường là hình tròn củ hành ở giữa, cao lớn. Còn lại, Thánh đường được thiết kế theo dạng một tòa nhà rộng, có những dãy hành lang dài hun hút, thẳng tắp. Bên trên dọc theo hành lang là những bức tường được trang trí các họa tiết cùng với những dòng chữ Chăm.
Thánh đường đồng bào Chăm ở An Giang đều có biểu tượng mặt trời và vầng trăng khuyết, cửa và nóc hình vòm, màu chủ đạo là xanh và trắng. (Ảnh minh hoạ - Nguồn: Depplus)
Ở đó, rất nhiều cửa sổ được thiết kế song song và đều nhau, tạo cảm giác về sự khoáng đãng cùng với vẻ hào phóng của tâm hồn người Chăm. Vì là nơi thường xuyên tập trung đông người đến cầu nguyện nên Thánh đường cũng có khá nhiều cửa ra vào cùng các cây cột chắc chắn ở bên trong. Những chiếc cột theo dạng trụ tròn này được thiết kế to nhưng cân đối, đều đặn nên tạo cho người ta cảm giác thoáng đãng.
Một đặc điểm nữa là cửa chính của Thánh đường luôn hướng về phía Nam và thường không nằm cùng với cổng ra vào. Nghĩa là, nếu đi từ ngoài cổng vào, cửa chính của Thánh đường lại nằm bên tay trái, tay phải là một hồ nước rộng được thiết kế dành cho cộng đồng trong tháng ăn chay Rammadan.
Bên trong, Thánh đường người Chăm lại được thiết kế khá đơn giản với một nơi thờ Thánh Alla duy nhất cùng một cuốn Kinh thánh để ở chính giữa. Bên phải cuốn Kinh thánh là một cánh cửa có bục ngồi để dành riêng cho những người đến sám tội với Thánh. Có thể nói, bên trong Thánh đường là một không gian mở rộng khiến cho con người có cảm giác về sự hài hòa giữa đất trời.
Ngoài những nét chung, Thánh đường của người Chăm cũng có nhiều nét riêng, đặc trưng cho từng vùng miền nhất định. Ví dụ như màu sắc của những Thánh đường người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận cũng có khác một chút so với Thánh đường người Chăm vùng An Giang, mặc dù chúng đều có nguồn gốc từ đạo Hồi giáo ở phương Tây du nhập vào nước ta từ nhiều thế kỷ trước.
Đoàn Xá - Nguồn Dân Việt
|