Ngày Chủ nhật, nắng vàng đẹp rạng rỡ ủng hộ kế hoạch tiến về đất Cố đô Hoa Lư vào dịp nghỉ cuối năm. Chúng tôi lên đường trong niềm hân hoan, hứa hẹn một chuyến đi may mắn.
Lâu rồi mới có chuyến đi xa, hành trình về quê hương của những người thầy tâm huyết đã truyền cho tôi tình yêu, sự động viên, chia sẻ chân thành vào những trang văn, khiến tôi nóng lòng.
Một vùng non nước sơn thủy hữu tình.
Điểm đến đầu tiên là chùa Bái Đính, nằm ở cửa ngõ phía Tây Di tích Cố đô Hoa Lư, bên Quốc lộ 38B, thuộc xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, cách thành phố Hà Nội 95km.
Theo chân cô hướng dẫn viên xinh đẹp, tôi đi vãn cảnh chùa và dâng hương lên Đức Phật. Nơi đây là một quần thể chùa lớn, với thắng cảnh núi non hùng vĩ và rất nhiều kỉ lục kiến trúc Phật giáo được xác lập: Có diện tích lớn nhất Việt Nam; pho tượng Phật bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, nặng 100 tấn; hai quả chuông đồng nặng 36 tấn; chùa có nhiều tượng La hán nhất với 500 tượng đá cao trên 2 mét.
Chùa Bái Đính còn được tiếp nối bởi một không gian rộng lớn hơn nữa: Giếng Ngọc, hồ phóng sinh, hồ Đàm Thị, khu thờ Mẫu, khu thờ Tổ, khu tháp mộ sư, khu nhà tăng, thiền viện, khu nhà khách, bảo tháp 14 tầng và khu bảo tàng Phật giáo Việt Nam.
Trong tương lai không xa, du khách có thể cảm nhận hết được vẻ đẹp của quần thể di tích chùa đồ sộ nhất Việt Nam này. Du khách còn được trải nghiệm thú vị khi cuốc bộ hào hứng không biết mệt mỏi trên 80ha khu chùa, nếm thử món đặc sản dê núi Tam Điệp, cơm cháy Ninh Bình, rượu Kim Sơn làm cho chuyến đi thêm đậm đà, thích thú.
Bâng khuâng nhớ về lịch sử xây dựng bờ cõi của cha ông, lại nhớ tới Hoa Lư. Hơn một nghìn năm trước, Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long, để có Hà Nội văn hiến, trái tim của cả nước hôm nay. Ông là vị vua dựng xây đất nước trên nền tảng giáo lí nhà Phật, khai sáng một vùng đất hào hoa, linh thiêng bắt nguồn từ những chiêm nghiệm về Tràng An – Hoa Lư – Ninh Bình.
Nhà vua nhận thấy nơi đây đã hoàn thành vai trò lịch sử, để tính kế lâu dài cho con cháu muôn đời, cần thay đổi. Đất Thăng Long hội tụ những yếu tố quan trọng của một kinh đô. Ý vua cũng thuận lòng dân, để Hoa Lư – Ninh Bình trở thành cố đô được lưu danh vào sử sách muôn đời.
Xa xa, dòng sông Hoàng Long, gắn với tích rồng vàng hiện lên cứu chúa Đinh Bộ Lĩnh thuở còn nhỏ, vẫn hiền hòa uốn lượn với những lau lách gợi nên miền cổ tích tuyệt đẹp. Trong lau lách nghe đâu đây âm vang của trận giả năm xưa, của hùng khí vị trưởng sứ quân cầm quân ra trận thống nhất giang sơn, Đinh Bộ Lĩnh. Cố đô – kinh đô – Thủ đô Hà Nội, một gạch nối linh thiêng suốt chiều dài nghìn năm của đất nước. Để hôm nay con cháu có dịp hội tụ, tái tạo lại, làm nên điều đáng nhớ đến muôn đời.
Về với xã Trường Yên thăm cố đô Hoa Lư, không thể không đến khu du lịch sinh thái Tràng An để thưởng ngoạn sự hùng vĩ của núi non, thả hồn mơ mộng trước sông nước, hang động kì ảo cùng trời mây. Tất cả hoà nhập vào nhau, đem đến cho du khách một cảm giác nồng nàn, thi vị.
Dường như giang sơn cẩm tú, tất cả vẻ đẹp của trời đất đã dồn góp về đây. Một vùng sơn thủy hữu tình, ngay cả người khó tính nhất cũng phải yêu đến say lòng. Hành trình thưởng ngoạn hang động bằng thuyền đem đến niềm phấn khích và nhiều ấn tượng khó quên. Không những đẹp, thơ mộng, Tràng An còn bí ẩn với 31 hồ, đầm nước được nối thông bởi 48 hang động, mỗi hang mang một vẻ đặc trưng riêng biệt.
Chùa Bái Đính, Khu Du lịch Tràng An thực sự là những nơi lí tưởng để tâm tưởng, tìm sự an lành, thư thái. Tạm biệt chùa Bái Đính, rời Khu Du lịch Tràng An trong sự luyến tiếc và nhiều cảm xúc. Văng vẳng đâu đây âm vang bài thơ chữ Hán mà vua Lê Thánh Tông đề tặng trong một lần đến vãn cảnh chùa: “Đính Sơn danh tiếng thực cao xa/ Che chở kinh thành tự thuở xưa/ Nhân kiệt, địa linh nên vượng khí/ Núi thiêng cảnh đẹp vững sơn hà”.
Theo NCT - Nguồn Dân Việt
|