(Dân trí) - Ngày 2/3, đông đảo người dân ở khắp mọi nơi nô nức về Chùa Bà thuộc thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước (Bình Định) dự lễ hội Đô thị Nước Mặn – lễ hội mang đậm dấu ấn văn hóa của miền đất võ Bình Định.
Lễ hội Đô thị Nước Mặn được tổ chức hàng năm bắt đầu từ tối mùng 1 đến mùng 3 tháng 2 âm lịch, thu hút du khách ở khắp mọi nơi hội tụ về thành kính dâng hương lên Thiên Hậu thánh mẫu cùng ông Quan Thánh.
Độc đáo lễ hội Đô thị Nước Mặn tại Bình Định
Trong suốt 3 ngày đêm, lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao như hát tuồng cổ, biểu diễn võ thuật, múa lân, cùng các trò chơi dân gian thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương tham gia.
Cho đến ngày nay, lễ hội Nước Mặn trở thành một trong những lễ hội độc đáo mang đậm nét văn hóa truyền thống của người dân Bình Định để tưởng nhớ về các bậc tiền nhân từng tạo nên thương cảng Nước Mặn sầm uất năm xưa.
Theo sử sách ghi lại, cách đây hơn 400 năm trước, vào khoảng năm 1610 khu vực thôn An Hòa là cảng thị Nước Mặn nổi tiếng sầm uất. Người Hoa từ Quảng Đông, Phúc Kiến di cư sang mở phố buôn bán, vừa đánh dấu một cảng thị ở vùng đất biên viễn bước vào thời kỳ phồn thịnh, vừa thể hiện tinh thần dung hợp văn hóa Việt – Hoa.
Ngày nay, trải qua bao biến cố lịch sử tuy cảng thị đã suy tàn, biến dạng thành một vùng quê yên tĩnh như ngày nay. Tuy nhiên, chùa Bà vẫn còn, lễ hội Nước Mặn vẫn còn như một hoài niệm về một đô thị thương cảng đã từng là trung tâm thương mại, văn hóa một thời của Bình Định, là biểu tượng của tình giao hữu.
Chùa Bà là nơi thờ Thiên hậu thánh mẫu - một nhân vật huyền thoại, thường cứu vớt tàu thuyền gặp nạn. Vì vậy, để tưởng nhớ những bậc tiền nhân và cùng với sự tương đồng về văn hóa, tín ngưỡng, người dân ở đây đã dựng lên miếu thờ Thiên Hậu thánh mẫu cùng ông Quan Thánh để thờ cúng.
Hàng ngàn người dân nô nức về Chùa Bà dự lễ hội Đô thị Nước Mặn
Chùa Bà đông nghịt người dân, du khách đến thắp hương
Thành kính dâng nén hương lên Thiên hậu thánh mẫu
Người dân, du khách đến với lễ hội còn được xem nhiều trò chơi dân gian của Bình Định
Doãn Công
|