Vũ Duy Dương là một võ tướng có công phò nhà Lê diệt nhà Mạc, tuy nhiên ông bị mưu sát giữa đám hỗn quân. Sau khi bị mưu hại, tướng quân vẫn bám chắc trên lưng ngựa đến vùng đất Mường Đòn, thuộc xã Thành Mỹ, huyện Thạch Thành, (Thanh Hóa) thì ông anh dũng hy sinh.
Huyền tích vị tướng của dân tộc
Đến Mường Đòn, vì muốn tìm hiểu về Vị tướng quân cũng như giá trị văn hóa lịch sử của ngôi đền huyền bí này, chúng tôi đã tìm đến cụ Bùi Ngọc Liên (66 tuổi), cụ là “chủ tế” và cũng là người trông coi bảo vệ đền thờ.
Cụ Liên bảo, vào thời hậu Lê có một ông thầy địa lý nhìn lên trời rồi tâu lên nhà Mạc rằng: Ở phía Tây xứ Thanh đang có một vị tướng sắp thôn tính bờ cõi nhằm cai trị giang sơn nên phải diệt trừ. Vua nghe theo liền sai một võ tướng đi mưu sự rồi dặn: “Nếu thấy một vị tướng nào cưỡi con ngựa trắng, thân cao 3 thước thống lĩnh miền Tây xứ Thanh thì lập tức rút đao ra chém chết ngay tức khắc”.
Trong một trận giao tranh ác liệt cùng binh tướng nhà Mạc, do sơ ý nên tướng họ Vũ đã bị gian quân chém, đầu tướng quân chưa lìa khỏi cổ nhưng vẫn bám chặt mình ngựa. Đến vùng đất Mường Đòn thì người và ngựa kiệt sức anh dũng hy sinh, dân làng thấy vậy nên đã chôn cất và lập đền thờ cúng tế.
Từ khi danh tướng họ Vũ bị gian quân mưu hại, em gái là Vũ Thị Cao đóng giả làm người ăn xin đến vùng đất mà người anh mất dò la tin tức. Tiếc thay, khi người em vào đến vùng đất Mường Đòn thì biết tin anh trai đã hy sinh oanh liệt. Người em phẫn uất vì chưa hoàn thành được ý nguyện phò nhà Lê cùng anh nên đã rút dao tự sát.
Khi dân bản phát hiện người em tự sát cách mộ mà người anh chết một đoạn ngắn, cả Mường cho rằng đó là hai vợ chồng, nên đã lập hai đền thờ gọi tên là đền Đức Ông và đền Đức Bà. Về sau vua Lê Trang Tông biết tin, cảm phục ý chí của người em nên đã truy phong tước danh: “Quế Hoa Nương vô phu quân thường tòng huynh bình tặc”.
Nhiều năm trôi qua, các cụ cao niên trong dòng họ cử người lặn lội khắp đất Hòa Bình, Ninh Bình dò tìm tung tích gốc gác quê hương của hai anh em võ tướng. Năm 1993, cụ Trương Đức Khuyến (68 tuổi) đã tìm ra làng Phượng Trì, thuộc xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, (Ninh Bình) nay là gia đình ông Vũ Xuân Trạch (trưởng tộc) làm lễ nhận anh em và thắp nhang bái Tổ.
Ngày 22 tháng 7 năm 1986 Mường Đòn được Giám đốc sở văn hóa thông tin tỉnh ký quyết định công nhận đền làng là di tích lịch sử cấp tỉnh. Cứ vào đầu tháng Giêng (âm lịch) hàng năm, dân bản lại tổ chức lễ hội cổ truyền ở đình làng. Đến lễ hội du khách sẽ thấy được giá trị dân gian mang đậm nét văn hóa của người Mường ở miền Tây xứ Thanh.
Đậm đà bẳn sắc văn hóa trong lễ hội Mường Đòn
Lễ hội ở Mường Đòn luôn là điểm nhấn và đón nhận được sự đồng tình cổ vũ của người dân trong huyện. Theo tục lệ vào ngày 18 tháng giêng (âm lịch) hàng năm, dân bản Mường lại hòa mình cung tiếng cồng, tiếng chiêng ngân vang bình bong cả một xóm núi rộng lớn.
Ngoài khâu chuẩn bị lễ như: Cỗ bằng xôi nếp nương, mâm ngũ quả, rượu…, các gia đình còn làm một con cá chép nặng từ 3kg trở lên, hấp chín trước khi đặt cá lên mâm.
Theo lệ làng, trước giờ Hoàng đạo sáng ngày 18 sẽ tiến hành rước sắc phong “Bạch mã linh lang thượng thượng đẳng thần”, từ nhà ông chủ tế ra trung tâm của đình. Sau khi chủ tế đọc xong sắc phong sẽ đến phần rước kiệu gồm: kiệu Đức Ông và kiệu Đức Bà. Hai kiệu sẽ được khiêng từ đình làng lên đền thượng. Mâm cỗ lễ vật được xếp hai bên, thứ tự từ trên xuống dưới theo các nghạch, các chi và vai vế chức sắc trong làng.
Chị Quách Thị Lành 46 tuổi người làng Mường Đòn chia sẻ: “Năm nào cũng vậy nhà tôi phải ủ bằng được rượu nếp nương chuẩn bị cho hội làng. Năm nay làng hội to nên tôi đã ủ mười vò to rượu cần đợi đến đêm hội mới mở”.
Đêm đến, bên ánh lửa bập bùng sẽ là một bầu không khí nhộn nhịp ở sân đình, khách mời sẽ được uống rượu cần và hát đối đáp bằng tiếng Mường. Ngoài ra họ còn được xem những vở tuồng ngắn được các nghệ nhân trong bản tái dựng lại khí thế hào hùng của tướng Vũ Duy Dương phò vua năm xưa.
Ông Trương Viết Bảo, 63 tuổi, nghệ nhân đánh trống tuồng kể lại: Thời vua Lê Trang Tông (Niên hiệu Nguyên Hòa), khi tướng Vũ Duy Dương được cử lên trấn thủ xứ Mường, có đem theo đội tuồng từ đất Sơn Nam Hạ vào hát để mua vui cho binh sĩ và dân chúng. Từ đó, dân bản Mường ở đây rất yêu thích hình thức nghệ thuật này.
Sáng ngày 19 các tiết mục văn nghệ như hát đúm, hát ví vẫn còn tiếp diễn cùng với các trò chơi dân gian của người Mường thu hút người xem như: ném còn, đánh đu, thi gói và luộc bánh chưng, bắn nỏ…
Lễ hội Mường Đòn vẫn lưu giữ nguyên bản sắc vốn có, với không gian đình cổ rộng rãi, nằm trên một gò đồi cao, gợi lên những nét hoang sơ mộc mạc. Vì vậy lễ hội của dân bản nơi đây có ý nghĩa cực kỳ quan trong trong đời sống tâm linh của làng bản.
Trong cuốn sách “Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc” nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Trần Đức Phúc là tác giả cuốn sách đã từng nói: Đình làng hội tụ những giá trị văn hóa truyền thống trong sinh hoạt cộng đồng của người Việt – Mường cổ.