Làng Mai Động (nay là phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội) vốn nổi tiếng với lễ hội vật truyền thống đặc sắc. Về Mai Động một ngày mùa xuân, nghe tiếng trống hội sân đình vang lên rộn rã, người người nô nức đi xem đấu vật, mới thấy hết ý nghĩa và sức hấp dẫn của môn thể thao truyền thống này.
Ngày xuân, sới vật Mai Động luôn tạo ra không khí hào hứng, sôi nổi, tiếng cổ vũ reo hò của người dân hòa cùng tiếng trống thúc giòn giã. Trên sân đình, hai đô vật cường tráng, mình trần, chít khăn xanh, khăn đỏ đang khua chân, múa tay để rình miếng nhau, chỉ đợi đối phương sơ hở là lao vào vật ngửa đối thủ. Xung quanh sới vật, người già, trẻ em, thanh niên trai tráng cũng hồi hộp dõi theo diễn biến trận đấu và không quên vỗ tay tán thưởng những miếng vật hay, độc đáo. Có nhiều khán giả không chen chân được cũng chẳng chịu ra về mà đứng từ xa nghe tường thuật các keo vật qua tiếng loa phóng thanh.
Các đô nhí tranh giải Lèo (Ảnh minh họa: Lại Thìn) |
Ông Triệu Văn Đính, người làng Mai Động, hầu như năm nào cũng góp mặt tại sới vật sân đình cho biết: “Tôi là người đánh trống ở sới vật này đã 12 năm. Dân làng cứ nghe tiếng trống là kéo đến đông lắm, không có chỗ mà len vào. Cả những người không phải ở làng Mai Động cũng đến xem. Các đô thuộc quốc gia còn về đây để dự hội vật. Hội vật từ ngày tôi bé cho đến bây giờ vẫn theo truyền thống chứ không có gì đổi khác. Năm nào làng cũng mở hội vật, ngay cả thời chống Mỹ”.
Hội vật làng Mai Động có truyền thống từ lâu đời. Hết lớp này đến lớp khác lớn lên đều được cha ông dạy cho những miếng vật “gia truyền” như vỉa lộn cối, bò đĩa, sườn cặp cổ... Mỗi khi xuân về, các đô vật làng Mai Động lại đem những tinh hoa vật truyền thống của làng mình đi khắp các sới vật miền Bắc thi đấu.
|
Cựu đô vật Nguyễn Văn Phúc năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng chưa năm nào bỏ lỡ những sới vật đầu xuân nhớ lại: “Ngày ấy, các cụ trong làng bảo các em có muốn vật, giữ lấy truyền thống của làng thì tập trung lại.Tức thì thanh niên có sức khỏe phải đến hai chục người tham gia. Thanh niên đi trong làng đi đấu vật đầu xuân sang tận Đông Anh, Yên Sở, Bắc Ninh, thậm chí xuống cả Nam Định, Thanh Hóa. Hồi đấy vật đầu xuân phần thưởng được cái xoong, đồng bánh dày, quả cau, tấm mía”.
Dẫu phần thưởng cho người chiến thắng chẳng đáng là bao nhưng người dân Mai Động vẫn say mê với môn thể thao ông cha để lại. Tinh thần thượng võ và truyền thống như ngấm vào máu của những người dân nơi đây.
|
Tương truyền, vật Mai Động có từ thời danh tướng Nguyễn Tam Trinh đến đây sinh cơ lập nghiệp. Ông dạy dân trong vùng đấu vật và mở các sới vật để người dân rèn luyện sức khỏe. Cũng dựa vào những sới vật đó, ông chiêu mộ những thanh niên trai tráng khỏe mạnh rồi xin hội quân đánh giặc với Hai Bà Trưng. Ông được dân làng Mai Động dựng đình thờ làm Thành Hoàng làng.
Hàng năm mỗi lần Tết đến, nhân dân ở đây lại tổ chức Hội Vật vào những ngày mồng 4, 5 và 6 để tưởng nhớ đến vị tổ vật. Anh Nguyễn Xuân Trường, 23 tuổi, đã tham gia đấu vật được 7 năm cho biết, rèn luyện môn thể thao truyền thống này giúp anh có một cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai và trên hết là lòng dũng cảm, ý chí quyết thắng và tinh thần thượng võ.
Hội vật làng Mai Động từ lâu đã có sức hấp dẫn đặc biệt và vẫn được gìn giữ đến ngày hôm nay. Dù cuộc sống đã nhiều đổi thay, nhưng những lớp thanh niên trẻ như anh Trường và cả các em thiếu nhi trong làng vẫn say mê với tiếng trống thúc và những miếng vật trên sới vật sân đình. Một mùa xuân nữa lại đến, người dân Mai Động dẫu đi xa về gần vẫn luôn nhớ về sới vật truyền thống của vùng đất bên bờ Kim Ngưu./.
Ngọc Ngà, Đào Yến/VOV Trung tâm Tin