(HNHN) Đi chợ Hàng Lược không chỉ để chơi Tết mà còn như một thú vui tao nhã của người Hà Hội, bởi chỉ họp duy nhất một lần mỗi năm.
Hà Nội không thiếu nơi mua hoa ngày Tết nhưng với nhiều người, chợ Hàng Lược luôn có chỗ đứng riêng, gợi không khí cổ truyền. Hình thành từ những năm đầu thế kỷ 20, đây được coi là chợ hoa lâu đời nhất Hà Nội.
Thời nhà Lê, Hàng Lược nguyên là đất thôn Phủ Từ và thôn Vĩnh Trù, tổng Hậu Túc (sau đổi là tổng Đồng Xuân) huyện Thọ Xương cũ, chuyên làm lược chải đầu. Đến năm 1912, Hàng Lược trở thành chợ hoa xuân nức tiếng Thăng Long với vô vàn chủng loại, từ đào Quảng Bá, Nhật Tân, cúc Ngọc Hà đến các loại hoa mới ở vườn Bách Thảo.
Phố Hàng Lược ngày nay thuộc phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, dài 264 m, nối từ phố Hàng Cót đến phố Chả Cá. Hơn 100 năm kể từ phiên họp đầu tiên, chỉ trừ Tết Đinh Hợi 1947 Hà Nội đang là chiến trường, còn lại không năm nào Hàng Lược không có chợ hoa.
Phố Hàng Lược đông đúc mỗi dịp Tết đến.
Chợ bắt đầu họp từ 23 tháng Chạp đến ngày 30 Tết. Vào thời gian này, đào, quất và các loại hoa xuân từ khắp nơi tụ họp về, khiến phố nhỏ vốn đã đông đúc, nay lại càng sầm uất hơn vào những ngày giáp Tết. Gọi là chợ hoa Hàng Lược nhưng khi tới phiên, chợ còn kéo dài từ Hàng Chai tới cả Hàng Mã, Hàng Đồng, chỗ nào cũng ngập tràn hoa tươi và cây cảnh.
Không giống như chợ Quảng Bá, hoa thường chất thành từng đống lớn, đống nhỏ, ở chợ Hàng Lược hoa dường như được chọn lựa kỹ càng hơn rồi mới đem ra bày bán trên kệ thành từng khu riêng biệt. Nhiều nhất ở đây là các loại hoa truyền thống như đào, quất, cúc, lay ơn, thược dược, violet, thủy tiên, hải đường… Trong đó đào được nhiều người từ nơi xa lặn lội đến tìm mua.
Có lẽ vì nằm giữa khu phố cổ nên đào rừng bán ở đây rất hiếm, chủ yếu là đào cành, đào thế có hoa đỏ và nhiều cánh. Chừng ấy là đủ để người mua hoa mắt, lưỡng lự trước sắc đỏ ngập tràn. Nhiều người đi lượn nhiều vòng ở các chợ hoa quanh Hà Nội đều phải tìm về Hàng Lược để mua được cành đào như ý.
Hàng Lược là địa chỉ mua đào yêu thích của nhiều người Hà Nội.
Không chỉ có vậy, sắc vàng hoa cúc cùng màu hồng cam của lay ơn giữa khu phố cổ cũng có sức hút người ta đến lạ. Đông đúc là thế nhưng dòng người nườm nượp đổ về chợ không hề chen lấn, xô đẩy mà cứ thong dong thả bộ. Người đi chơi chợ vừa dạo vừa ngắm, thỉnh thoảng lại xuýt xoa rồi sà vào một hàng hoa bên đường, nếu ưng thì hỏi mua và trả giá.
Đối với người Hà Nội, ngắm phố hoa Hàng Lược vào mỗi dịp xuân về như một thú tao nhã trước kỳ ngày nghỉ Tết. Có khi cả tuần họp chợ ngày nào cũng đi ngắm để đến hôm 30 mới chọn được cành hoa. Người bán cũng không vì thế mà tỏ ra khó chịu, niềm nở chào mời và vui vẻ tặng nhau một lời chúc mừng năm mới.
Cành đào theo chân mang Tết đến gia đình.
Ngoài hoa tươi, người ta có thể tìm thấy ở đây những lẵng hoa lụa đủ loại đủ màu. Tuy không phải là đặc sản trong ngày Tết nhưng hoa lụa, hoa giấy ở Hàng Lược cũng rất đắt hàng. Giữa những quầy hoa rực rỡ sắc màu là gian hàng bày bán nhiều loại hoa quả độc như bưởi hồ lô, phật thủ... cùng các đồ trang trí, phong bao lì xì.
Ở chợ hoa Hàng Lược ngày nay, xen lẫn vẻ hiện đại là nét hoài cổ mà hiếm nơi nào có được. Không ít các thế hệ người Hà Nội đã tìm thấy một phần ký ức của mình khi dạo chơi ở chợ hoa. Có thể Tết năm nay, bạn sẽ lại đến chợ hoa Quảng Bá hay chợ ở gần nhà chỉ để mua một cành hoa, cành đào chơi Tết, nhưng hãy bớt chút thời gian ghé chợ Hàng Lược để hiểu thêm những giá trị, vẻ đẹp của văn hóa đất kinh kỳ.
(Theo VNE)
|