“Không gian văn hóa đình làng - Vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị di sản” là chủ đề hội thảo do Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 10/12 ở Hà Nội.
|
Đình làng là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống, nơi các hoạt động văn hóa cộng đồng được tổ chức... Ảnh: Huy Phương |
Gần 20 tham luận tại hội thảo đề cập các vấn đề như: Vai trò của đình làng trong đời sống văn hóa người Việt Nam; Nghệ thuật, kiến trúc và điêu khắc đình làng; Đình làng và mối quan hệ tín ngưỡng với đền, chùa trong đời sống tín ngưỡng người Việt Nam.
Đình làng không những có giá trị về mặt kiến trúc, điêu khắc dân gian thuần Việt, mà còn là kho tàng về di sản văn hóa Việt, chứa đựng hồn cốt, văn hóa của cả dân tộc như diễn xướng, lễ hội, huyền thoại, thần tích, truyền thuyết về các vị thành hoàng làng, anh hùng chống giặc ngoại xâm, vị tổ nghề... Đình làng còn là trung tâm tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa của làng xã, quy tụ và gắn kết mọi thành phần trong cộng đồng. Các ý kiến tại hội thảo đề xuất để bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị di sản đình làng ngoài việc tích cực tu bổ, tôn tạo còn phải lưu giữ, tái hiện không gian văn hóa đình làng. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Thanh Mai, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, góp ý: Di sản đình làng cần được cộng đồng nỗ lực bảo tồn. Lấy đình làng làm đối tượng để tổ chức triển lãm, tọa đàm, hội thảo. Lễ hội truyền thống là nơi biểu hiện rõ nét không gian văn hóa đình làng Việt Nam. Các địa phương cần quan tâm hơn nữa bảo tồn và phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán của làng xã thông qua các lễ hội.”
Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam đang thực hiện “Dự án nghiên cứu, sưu tầm, quảng bá và phát huy các giá trị đặc sắc của di sản văn hóa đình làng vùng châu thổ Bắc Bộ giai đoạn 2012 - 2013”. Dự án mang lại hiệu quả cao, cụ thể làm được phim tài liệu, tư liệu về đình làng, phim 3D kiến trúc đình làng, tái hiện các lễ hội truyền thống hay các tổ chức các chuyến đi nghiên cứu, khảo sát đình làng./.
Theo VOV5
|