Cách Đồng Văn (Hà Giang) chừng 10 km, chợ Ma Lé cuốn hút tôi vì sự giản dị của phiên chợ vùng cao chưa bị khách du lịch xâm lấn.
Những món đồ giản dị trong sạp hàng.
Chiều thứ sáu, những nồi thắng cố dành cho phiên chợ hàng tuần đã được bắc lên giàn bếp sôi lục bục. Trong khí lạnh của vùng núi cao mà được nhâm nhi thắng cố với bát rượu ngô thì còn gì thú bằng. Các thanh niên trong bản đêm nay đã tụ tập từ sớm, khề khà bên bát rượu, vui với câu chuyện làm quà. Nhóm chúng tôi trên đường trở về từ Lũng Cú ghé tạm ăn lót dạ dọc đường.
Trời đã tối sầm sập sau lưng, chỉ còn hằn một vệt đỏ ói thẫm màu và không khí lạnh đã len lỏi. Anh chàng dân tộc Mông thân thiện mời cả nhóm nếm thử món thắng cố vừa làm xong, hơi nồng mùi ngựa. Ánh lửa bập bùng trên giàn bếp ấm áp, chúng tôi choàng thêm áo trước khi lên đường và hẹn gặp lại anh vào phiên chợ sáng hôm sau.
Rượu ngô, thắng cố là những món không thể không nếm thử trong các phiên chợ Hà Giang.
Chợ phiên Ma Lé tuần nào cũng họp vào sáng thứ bảy, từ lúc mặt trời chưa tỉnh giấc cho đến khi cao đến ngọn sào. Cư dân từ các bản làng từ núi cao nô nức xuống chợ. Họ đi bộ từ sớm, xúng xính váy áo, tranh thủ ngày chợ mua thứ nọ thứ kia mang về. Lũ trẻ được đến chợ thỏa thích nô đùa. Có đứa túm tụm lại với đám bạn, đứa trông hàng cùng mẹ, đứa còn ẵm ngửa cũng được địu đến chợ. Tiếng hò hét nô đùa náo động cả khu chợ.
Chợ Ma Lé họp trên một khu đất rộng nhìn xuống những ruộng ngô, xung quanh đủ những rặng đá tai mèo lỉa chỉa. Không được biết nhiều như chợ Đồng Văn cách đó không xa, Ma Lé vẫn giữ được những nét giản dị vốn có của một khu chợ quê. Những người đến đất Hà Giang không có thời gian ở lại chơi với chợ Đồng Văn mỗi sáng chủ nhật thường ghé lại Ma Lé. Các chàng trai uống rượu ngô quanh những chiếc bàn thấp chân, múc rượu và uống bằng bát. Các cô gái tíu tít bên bạn bè khoe chiếc áo hay cái khăn mới. Lũ trẻ nở nụ cười bẽn lẽn trước ống kính chụp hình.
Người dân tộc Dáy, Lô Lô, Chải hay Pu Péo mang đủ những sắc màu rực rỡ nhất xuống chợ. Dù là dân tộc nào, trên tay họ vẫn có chung một chiếc suốt làm sợi đay.
Những sạp hàng bán đủ thứ thiết yếu, từ gói gia vị cho đến gói mì tôm, đồ ăn vặt cho đám trẻ. Món ăn sáng có thắng cố, mì tôm với sốt vang và sắn đựng trong những chiếc gùi. Những quả óc chó hay gừng tươi được bán nhiều. Tại góc chợ, một cụ già đang khâu giày trên chiếc đe, ở góc khác một sạp hàng may với chị thợ đang luôn tay cắt váy cho khách. Nhưng hấp dẫn nhất với đám khách hiếu kỳ chính là những sạp bán khăn thổ cẩm và váy. Với giá 15.000 đồng cho một chiếc khăn sặc sỡ, chúng tôi ai cũng mua vài chiếc về làm quà.
Chợ đến gần trưa bắt đầu vãn. Những chiếc gùi đã đựng đầy mặt hàng thiết yếu, con ngựa thồ đủng đỉnh ra về, theo sau thế nào cũng là một ông chồng đã say sưa khật khưỡng và bà vợ lặng lẽ địu con.
Cùng mẹ xuống chợ.
Phiên chợ Ma Lé đơn giản và bình dị như chính cuộc sống của những bà con dân tộc vùng cao nơi địa đầu tổ quốc này. Trong vài năm trở lại, khi cực bắc Lũng Cú trở thành điểm đến được yêu thích của giới trẻ, chợ phiên Ma Lé được nhiều người biết đến hơn và trở thành điểm dừng chân thú vị trên hành trình khám phá.