Xuyên qua con đường sương trắng giăng tầng tầng lớp lớp, tôi tìm đến nhà ông Tế ở xóm Vườn Đào 1, thị trấn Nông Trường Mộc Châu (huyện Mộc Châu, Sơn La). Có khách lạ, ông hồ hởi bắt tay từng người rồi kéo chúng tôi vào phòng. Trà nóng được rót ra, khách và chủ bắt đầu câu chuyện.
Ông Tế quê gốc ở đất lúa Quỳnh Phụ, Thái Bình. Ngày ấy, kinh tế khó khăn, nhà lại đông anh em, cuộc sống chỉ trông vào cây lúa nên nhà ông thiếu thốn đủ bề. Năm 1979, tập trung phát triển các nông, lâm trường ở các tỉnh phía Bắc, Nhà nước đã kêu gọi thanh niên miền xuôi lên miền núi để cống hiến sức trẻ của mình. Hưởng ứng lời kêu gọi ấy, ông Tế đã khăn gói lên đường. Khi ấy, ông mới bước sang tuổi 20.
Ngày ấy, lên đây cùng ông có cả mấy trăm người, chủ yếu là thanh niên Hà Tây (cũ), Thái Bình chỉ có vài người. “Nói thật, khi ấy lên đây tôi chỉ có một ý nghĩ là đi tìm cuộc sống mới tốt đẹp hơn, chứ không hề nghĩ sẽ ở lại đất này” - ông Tế thật thà nói.
Mộc Châu độ đó vắng vẻ, quạnh hiu. Những ngày gió bấc, căng mắt cũng chẳng thấy một bóng người. Cứ sau giờ làm việc ở nông trường, ông lại về nhà ngồi bó gối nhìn sương giăng mịt mùng. Buồn, nhớ nhà đến nẫu ruột nẫu gan. Nỗi buồn tẻ, quạnh hiu ấy, cộng với thời tiết khắc nghiệt nên nhiều người đã bỏ về. Cán bộ nông trường dùng đủ mọi cách để giữ chân người, thế nhưng những cuộc chia tay vẫn cứ đều đặn diễn ra.
Trọn vẹn tin yêu
Trai quê lúa vốn dĩ cần cù, thêm nữa, để trốn nỗi nhớ nhà, ông vùi đầu vào công việc. Thấy ông cần mẫn, chăm chỉ, nông trường đã cử ông đi học lớp chăn nuôi ở Sông Bôi (Hòa Bình), khóa học kéo dài 3 năm. Sau khóa học ấy, trở lại nông trường, ông được phân làm Trại trưởng Trại Vườn Đào với 30 công nhân, nuôi bò trên diện tích 62ha. Nghề nuôi bò sữa như chăm con mọn, ai cũng như ai, đầu tắt mặt tối, lấm lem bùn đất cả ngày. Thêm nữa, khi ấy chưa chia tách, Nông trường Mộc Châu có hai lĩnh vực sản xuất là nuôi bò lấy sữa và trồng chè. Công nghệ chăn nuôi lạc hậu, cách quản lý theo kiểu “báo cáo sổ sách” nên “nghề bò sữa” lép vế hoàn toàn so với “nghề chè”. Do vậy, khi đó trại trưởng hay công nhân cũng đều giống nhau ở sự khổ, ở sự thiếu thốn, ở những bữa cơm ăn chỉ thấy vàng rặt những ngô…
Gắn bó mãi thì đất lạ hóa quen. Và rồi, sự quen thân ấy biến thành tình yêu, thành nỗi nhớ da diết, cồn cào lúc nào chẳng hay. Một lần có việc, ông Tế xin phép đơn vị về thăm quê. Trở về với quê lúa sau nhiều năm xa cách, được vài ngày, ông lại thấy nhớ rừng nhớ núi, nhớ đàn bò, nhớ những chiều sương xuống đến ra ngẩn vào ngơ. Khi ấy, ông Tế biết rằng một phần trái tim mình đã dành cho xứ mù sương ấy rồi.
Ngày ấy, anh em công nhân nông trường ở nhà tập thể. Chẳng biết do vô tình hay muốn giữ chân người, nông trường phân cho chàng trai trẻ Phạm Văn Tế ở cùng một gian phòng với cô y tá xinh đẹp của đơn vị. Cô y tá ấy sinh ra ở đất này, bởi nhà xa, công việc lúc nào cũng ngút đầu nên ở lại luôn đơn vị. Căn phòng ngăn làm đôi, mỗi người một… “vương quốc”. “Nhà chung vách” nên sớm tối có nhau, và họ bén duyên nhau lúc nào chẳng hay. Một đám cưới đơn giản nhưng ấm áp tình người đã được đơn vị long trọng tổ chức. Khi ấy, trái tim ông Tế đã dành trọn cho quê hương mới này rồi.
Người đi đầu trong chăn nuôi bò sữa
Mấy chục năm lăn lộn với bò sữa, tuy là trại trưởng nhưng đời sống của gia đình ông Tế vẫn khó khăn, vất vả như bao hộ gia đình khác ở nông trường này. Loay hoay đủ cách nhưng bởi quản lý tập trung, nên nghề nuôi bò sữa rất ì ạch. Gánh nặng gia đình khiến ông nhiều đêm mất ngủ. Có lẽ nào mình phải bỏ nghề mà gần chục năm trời khó nhọc theo đuổi? Ông Tế kể lại: Nếu không có một sự kiện hệ trọng diễn ra vào thời gian ấy thì có lẽ, ông đã không chung thủy với nghề.
Ấy là năm 1988, ông vinh dự được kết nạp Đảng. Đứng trong hàng ngũ những người con ưu tú của nông trường, ông thấy mình lớn hơn, gánh trên vai trọng trách nặng hơn. Từ đó, ông rất chuyên tâm vào việc phát triển đàn bò sữa của gia đình và cộng đồng.
"Người có cuộc sống ấm no là người biết làm cho người khác no ấm, ông nghĩ vậy. Vì thế, trong xóm hễ gia đình nào gặp khó khăn là ông nhiệt tình giúp đỡ, cả về vốn, rồi kỹ thuật. Ông cho biết, giúp đỡ người khác là nhiệm vụ của… trái tim. “Bao năm chúng tôi vất vả với bò sữa rồi, nay mới được hưởng niềm vui thắng lợi. Niềm vui ấy không san sẻ cho mọi người thì đâu còn… vui nữa!” - ông Tế nói. |
Từ thực tiễn lao động, ông nhận thấy cần phải khoán bò đến từng hộ gia đình, để mỗi người có trách nhiệm hơn trong sản xuất. Ông trình bày mong muốn đó đến nông trường. Ý kiến, nguyện vọng của ông cũng là điều mà lãnh đạo nông trường ấp ủ bấy lâu. Tuy nhiên cơ chế chưa cho phép nên “chiếc chìa khóa vạn năng” đó vẫn chưa thể dùng.
Một thời gian sau, điều ông mong mỏi cũng đến. Năm 1991, chính sách chăn nuôi theo kiểu khoán hộ chính thức ra đời. Nó như một ngọn gió mới đánh tan mây mù giăng phủ suốt mấy chục năm qua.
Nhìn thấy “ánh sáng tương lai” từ cách làm này, ông Tế đã tích cực vận động mọi người hưởng ứng. Ông xung phong đi trước mở đường bằng việc xin nhận khoán những con bò vẫn cho lượng sữa thấp nhất, kém chất lượng nhất về nuôi. Như có phép lạ, vào tay ông những chú bò vốn bị… hắt hủi ngày nào đã có da có thịt, mỗi ngày một mũm mĩm, mượt mà. Được chăm sóc tốt, sản lượng sữa của đàn bò tăng nhanh một cách bất ngờ. Ngay vụ sữa đầu tiên, đàn bò của gia đình ông đã dẫn đầu các hộ nuôi ở Vườn Đào cả về sản lượng cũng như chất lượng sữa. Thấy ông làm được, nhiều hộ dân đã hồ hởi học theo.
Cơn gió mới khoán hộ đã lùi xa hơn 20 năm. Cũng từ độ ấy, so với các hộ chăn nuôi khác trong xóm, không năm nào đàn bò của gia đình ông không đứng đầu về sản lượng cũng như chất lượng sữa. Ông bảo, ông không thể… về nhì được. Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại bò, ông cho biết, đàn bò sữa của ông hiện đạt gần 120 con, sản lượng sữa mỗi năm khoảng 250 tấn, đem lại nguồn thu lên tới 3,6 tỷ đồng/năm.
Đức Linh - Nguồn Dân Việt