Có biết bao điều huyền bí chưa thể giải thích ở quê hương Thanh Hóa gây tò mò cho du khách thập phương. Bên cạnh dòng suối cá thần ở Cẩm Thủy và cây ổi biết “cười” ở Thọ Xuân, động táng người ở huyện Quan Sơn cũng là điểm thu hút các du khách hiếu kỳ.
Ở huyện miền tây Thanh Hóa này, hàng trăm quan tài đã được phát hiện tại các hang như hang Phi, hang Cáng, hang Ké, hang Co Phày. Nhưng hang Lũng Mu hay hang Ma trên núi Pha Cáng thuộc bản Khằm, xã Hồi Xuân được xem là khu động táng phát hiện sớm và lớn nhất ở Việt Nam.
Đường vào hang Lũng Mu phải đi qua sông Luồng. Ảnh: tapchidulich
Từ thành phố Thanh Hóa, bạn chạy ngược về phía Tây theo quốc lộ 45 và 15A khoảng 150 km, sẽ đến thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa. Cách trung tâm thị trấn chỉ 3 km nhưng do nằm bên bờ sông Luông nên để đến được hang Ma, bạn phải thuê thuyền đi theo con đường vắt vẻo chạy men theo các sườn núi.
Do chỉ có một con đường độc đạo đi qua nên nhiều người ví nơi đây như "Ải Chi Lăng" của miền Tây Thanh Hóa. Trái ngược với khung cảnh nên thơ của dòng sông Luồng cùng những ngọn núi cao phủ một màu xanh mướt, hang Ma nằm cheo leo trên đỉnh núi với những vết nứt chạy ngoằn ngoèo. Để leo đến hang bạn phải bám vào vách đá tai mèo dựng đứng lần lên từng bước một.
Du khách phải leo lên những vách đá dựng đứng để vào được hang Ma. Ảnh: anninhthudo
Bạn sẽ có cảm giác lạnh gáy hay điện chạy dọc sống lưng khi chứng kiến ngay từ cửa hang là la liệt quan tài, mang hình dáng con thuyền độc mộc được làm bằng thân gỗ lớn. Mỗi chiếc được khoét hình người với hai đầu nhỏ thon dần, khúc giữa phình to, hai đầu khoét hai cái núm như chuôi vồ, có thể dùng để khiêng. Sau khi trấn tĩnh và quan sát, bạn sẽ thấy hang Ma khá rộng gồm ba hang nhỏ, gió thông qua hai cửa nên khô ráo, không khí thoáng đãng và có đủ ánh sáng.
Bên trong hang thứ nhất là hàng chục bộ quan tài cổ, một số đã bị thời gian hủy hoại, cũng có một số bị cạy bật ván thiên nhưng phần lớn còn tương đối nguyên vẹn. Hang thứ hai nhỏ hơn, muốn qua được phải chui qua lối nhỏ. Bên cạnh một số ít quan tài chứa vài mảnh xương và đồ gốm thời tiền sử, phần nhiều quan tài gỗ ở đây không có hài cốt và vật dụng chôn theo.
Hang thứ ba ở cuối cùng với nhiều cỗ quan tài còn nguyên vẹn nhất. Vào sâu trong hang, bạn còn bắt gặp các quan tài bằng gỗ của người xưa được "treo" trên các vách đá. Các quan tài trong hang đủ kích cỡ, cái lớn ài 2,8 m, rộng 0,48 m; cái nhỏ dài 1,4 m, rộng 0,28 m. Nhiều quan tài chỉ dài khoảng 1 m có lẽ dùng mai táng trẻ xấu số.
Quan tài trong hang mang dánh hình thuyền độc mộc. Ảnh: LH
Vì rất vất vả mới có thể lên được hang Ma nên bất cứ ai đến đây cũng băn khoăn, không hiểu bằng cách nào người xưa có thể đưa những cỗ quan tài bằng cả thân cây gỗ lớn lên hang núi dựng đứng cao hàng trăm mét, sau đó tiếp tục vận chuyển vào trong các ngóc ngách nhỏ hẹp trong hang.
Chỉ tính riêng khu vực thị trấn Quan Hóa có đến gần 10 hang động lớn nhỏ chứa đựng hàng trăm quan tài cổ. Điều này cho thấy vùng đất Quan Hóa đang lưu giữ trong mình một nền văn hóa cổ xưa còn ngủ yên trong hang đá. Đến đây, du khách không chỉ được tận mắt thấy những điều tưởng chừng chỉ có trong truyền thuyết hay các câu chuyện truyền tai bí ẩn, mà còn có dịp tham quan, khám phá tập tục của người cổ xưa.
Theo Vnexpress