Như truyền tụng ở địa phương, một năm, trời làm hạn hán kéo dài ghê gớm, các làng trong vùng phải làm lễ tế và cầu đảo xin Thần, Phật cho bát nước mưa cứu dân, nhưng vẫn không được. Gia Cát là làng tế lễ cầu đảo sau cùng, và đêm hôm ấy trời cho cơn mưa lớn tắm mát khắp cả.
Người ta xôn xao, Gia Cát cầu sau mà thiêng vậy. Rồi người ta gọi Gia Cát là làng Cầu Sau. Dù tên Cầu Sau do dân gian đặt ra hay Hương Thịnh do triều đình chính thức ghi nhận, người đời vẫn hay gọi là làng Gia Cát, có lẽ do vùng quê này từ nhiều trăm năm nay đã nổi tiếng với giống trầu Gia Cát. Chả thế mà tại làng Gia Cát, trầu như một đặc sản nổi tiếng, đã vào ca dao cổ:
"Nước sông Cầu vừa trong vừa mát. Trầu Gia Cát thơm ngát hương quê…"
Các cụ cố lão vẫn truyền cho con cháu rằng, gia là nơi ở, cát là tốt lành, dân làng được sống trên thân đất tốt lành, phía Tây có dòng sông Cầu lơ thơ chảy, phía Đông có núi Y Sơn che chở. Làng nằm trên lưng kim quy, bốn chân rùa vàng là bốn cổng làng. Cổng làng xây dựng kiên cố từ lâu đời, trên nóc có chòi canh để tuần phiên canh gác. Bên trong cổng, có ba gian điếm thờ thổ thần, đêm đêm tuần phiên thường ngủ ở đây. Rùa vàng trong tư thế đang bò đi, đầu đã tới sát bờ sông. Để rùa vàng ở lại làng, người làng Gia Cát đã xây ngôi đình lớn chẹn trên đầu rùa.
Đình Gia Cát rất cổ kính, được lập dựng từ năm Mậu Thìn 1688, niên hiệu Chính Hòa thứ 9, đời Lê Hy Tông. Trong đình còn lưu giữ bức đại tự vua ban: Mỹ tục khả phong. Chùa làng Gia Cát là một ngôi cổ tự, toạ lạc gần đình. Nhiều bia đá đặt tại đình và chùa, văn bia còn ghi rõ niên biểu dựng đình, chùa, những sự kiện trọng đại của làng, cùng nhiều đồ tế khí, cổ vật còn lưu giữ tại đình, chùa, là những sử liệu quý giúp các nhà nghiên cứu hiểu được lịch sử cùng những mỹ tục của làng Gia Cát qua nhiều thế kỷ.
Sách Địa chí Hà Bắc (xuất bản năm 1982) dành nhiều trang chữ viết về làng trầu Gia Cát. Trầu được dân làng trồng thành bãi, bãi hẹp cũng dăm bảy sào, bãi rộng thì tới hàng chục mẫu, và trồng cả trên những chân ruộng cao. Các bãi trầu của Gia Cát chiếm hơn 30% diện tích đồng ruộng của làng. Mỗi sào trồng được chừng nghìn gốc trầu. Có câu ngạn ngữ “có trăm tre mới lăm le trồng một sào trầu”.
Trăm cây tre có thể cất một nếp nhà khang trang, rộng rãi. Để làm giàn trầu trên một sào, còn phải có thêm 200 cây nứa to cùng chục gánh giàng giàng (người địa phương gọi là guột), rất nhiều lạt pha từ tre đã qua gác bếp cho ăn bồ hóng chống mọt. Nhà trồng ít cũng dăm trăm gốc trầu; nhà trồng nhiều thì một nghìn, hai nghìn gốc. Để chống gió bão, các nhà trồng trầu liền kề nhau, dựa vào nhau, nên mới thành bãi trầu. Bãi nhỏ cũng có bảy, tám hộ; bãi lớn thì tới mấy chục hộ cùng trồng.
Trầu leo lên giàn, phía trên phải đậy những “con guột” để che nắng mùa hè, gió bấc và sương muối mùa đông. Quanh giàn trầu người ta rào kín đến mức chim sẻ không tìm được chỗ chui. Ruộng trầu tốt thì được tới ba vụ (ba năm). Vụ đầu là trầu tơ; vụ thứ hai gọi là trầu húi; vụ thứ ba là trầu trổi. Sau ba năm người thợ trầu phải cày xới lại đất mới trồng tiếp. Có câu “trầu đất lạ, mạ đất quen”. Làm nghề trầu thật lắm công lênh…
Từ xưa, trầu Gia Cát chủ yếu tiêu thụ ở chợ Chã, huyện Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên), ngay bên kia sông Cầu, cách làng Gia Cát chỉ một quãng đò ngang, một thôi đường ngắn. Do vậy, những phường buôn thường gọi là “trầu Chã”. Một thời rất dài, vào những ngày phiên là ngày năm, ngày mười trong tháng, chợ Chã tấp nập trên bến dưới thuyền, đưa các sản vật từ miền cao tỏa xuống nhiều vùng ở miền xuôi, trong đó có trầu quế Gia Cát.
Trầu có thể hái ít, rải rác trong nhiều tháng xuân, hè, nhưng vào mùa đông, nhất là cữ gần Tết là chính vụ, người Gia Cát tưng bừng vào mùa thu hái lá trầu, làng quê này trở nên thơm ngát, chợ Chã cũng ngát thơm và nhộn nhịp hơn.
Trầu được người ta xếp các lá úp thìa với nhau, rồi sắp thành từng cài, mỗi cài dài khoảng hai gang tay có hàng trăm lá. Bó cài, lá tốt, to, đẹp xếp ở ngoài, lá nhỏ bên trong. Trầu bán lẻ theo cài, còn gơ là đơn vị mua bán của phường buôn. Mỗi gơ gồm bốn cài. Têm trầu cánh phượng đòi hỏi sự khéo tay thế nào thì bó cài trầu cũng cần sự khéo tay như vậy. Trầu quế năm được giá, năm giá hạ.
Có câu: “Vàng có giá, lá vô ngần”. Những năm được giá, chỉ ba, bốn gơ trầu là mua được một đồng cân vàng. Những năm nghề trầu thịnh vượng, đời sống người dân làng Gia Cát khá giả hơn các làng trong vùng nhiều. Làm nên sự sung túc ở Gia Cát, chính là nhờ vào những bãi trầu quế. Mùa thu hái trầu, các bà, các mẹ, các chị đi hái trầu về, mùi trầu quế vương trên áo, trên tóc sực nức hương thơm.
Suốt mấy trăm năm trời, Gia Cát nổi tiếng thiên hạ là một làng quê ngát hương lá trầu; và, nổi tiếng cả về hình ảnh những cô gái làng răng đen rưng rức hạt na, môi trầu đỏ thắm.
Ngày nay, theo thời cuộc, người ta ít ăn trầu không. Làng Gia Cát không còn những bãi trầu bát ngát nữa, chỉ có những giàn trầu trong vườn nhà, vẫn giống trầu từ ngàn xưa truyền lại, “vo nhẹ một chút là thơm sực nức”- một nhà văn bạn tôi nói vậy.
Anh còn nói: “Dẫu làng đã được đặt tên là Hương Thịnh từ hơn năm trăm năm rồi, nhưng người trong vùng vẫn thích gọi là làng Gia Cát, chắc vì làng quê này đã sản sinh cho đời giống trầu Gia Cát nổi tiếng thiên hạ. Riêng chi tiết đó cũng đủ thấy, trầu Gia Cát đáng được ghi vào sử sách!”.
Theo Hồn Việt