“Tổ ấm” trên sông
Cách trung tâm phố cổ Hội An 1,5km, bên bờ đầm Cẩm Hà, thuộc phường Thanh Hà (Hội An), là căn chòi nhỏ đơn sơ mái lợp tranh, núp dưới rặng tre ngà của đôi vợ chồng già. Phía dưới bờ sông là hai chiếc ghe nhỏ đã cũ kỹ được buộc cẩn thận vào chiếc cọc tre. Từ xa chúng tôi đã thấy thấp thoáng bóng dáng ông bà còm cõi đi ra đi vào, đang tất bật chuẩn bị cho bữa ăn trưa đạm bạc.
Gặp gỡ ông bà trong “túp lều lý tưởng” đúng nghĩa với tình yêu đích thực “một túp lều tranh, hai trái tim vàng”, bên chén trà nóng, câu chuyện về tình yêu của hai ông bà càng thêm mặn nồng và đằm thắm.
Năm nay, ông đã 73 tuổi và bà đã 68 tuổi, song, nụ cười vẫn luôn nở trên môi họ. Ông Pháp bảo rằng hai vợ chồng ông đã chọn cái nghiệp mưu sinh sông nước này từ khi kết duyên với nhau, đến nay cũng đã hơn 50 năm. Đi qua những mùa nắng gắt, những cơn bão, những trận lụt ngút ngàn đồng bãi, ghe của họ đã dọc ngang tất cả những nhánh sông, những mặt đầm ở vùng đất Hội An này.
Khó khăn vất vả không ít nhưng họ vẫn tần tảo từng ngày nuôi 3 con nên người. Đến giờ, tuổi tuy đã cao, hai ông bà vẫn sớm tối coi đầm nước, cá tôm như niềm vui của tuổi già. Giờ con cái có nhà cao cửa rộng, làm ăn khá giả. Đứa nào cũng muốn đưa ông bà về an dưỡng tuổi già. Nhưng hai ông bà bàn ra tính vào rồi vẫn chọn cuộc sống nơi bờ sông Hoài làm niềm vui, hạnh phúc.
Hạnh phúc của ông bà là vậy, không cần nhà cao cửa rộng, không màng tiền bạc phú quý. "Miết rồi chừ quen các anh à. Vợ chồng tui mấy chục năm qua coi gió sông cỏ đầm, coi mùi tôm cá như một phần cuộc sống của mình. Dẫu cuộc sống, thời tiết, lòng người nhiều thay đổi, xoay vần, nhưng hình như sống với sông nước, tụi tui cảm thấy vui hơn, yên bình hơn. Con cái tuy bảo vợ chồng tui về nhà ở cho khỏe, chứ ở ngoài ni lỡ gió độc, nước lớn, tuổi già... Nhưng về thì thấy lòng bất an lắm!".
“Hành trình” mưu sinh miền sông nước
Đến bây giờ tuổi đã cao, sức đã yếu, ông bà vẫn ngày ngày lênh đênh trên dòng nước với hai chiếc ghe nhỏ. Đã 3 năm nay ông bà rất ít về nhà ở khu dân cư mới Thanh Hà. Chỉ những ngày tết, giỗ, chạp hay những lúc ốm đau nặng, ông bà mới rời nơi đây.
Cuộc sống dù có khó khăn vất vả thế nào đi chăng nữa ông bà vẫn có gắng vượt qua “thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn”, đêm ngày vẫn chống chọi với cuộc sống mà ông bà đã lựa chọn cho mình. Thường khoảng 3-4 giờ sáng, ông bà cùng thức dậy, xuống ghe và bắt đầu thả lưới. Làm lụng trong sương, nói chuyện trong sương, mỗi ngày là một niềm vui, niềm hy vọng của hai vợ chồng. 5 giờ, cá được gỡ lưới và cho vào thau, 6 giờ bà Xuyến đã có mặt tại chợ, bày những con cá của mình đánh được ra bán.
Trung bình mỗi ngày hai ông bà thu nhập được khoảng 30 ngàn đồng. Với mức thu nhập đó chẳng nhằm nhò gì với cuộc sống của thành phố du lịch này. Nhưng không phải vì vậy mà ông ba phàn nàn nhau, hay kêu rên với ai về cuộc sống hiện tại của mình. Sau một lúc trò chuyện, cảm thấy thân quen, bà Xuyến bắt chuyện với chúng tôi rất say sưa. Bà nói: “Nhiều người thấy vợ chồng tui ở cả ngày lẫn đêm trong chòi, trên ghe với cái đầm Cẩm Hà ni thì bảo là điên, vì có mấy con cá, con tôm mà không kể tuổi già sức yếu...
Tui thường cười cho qua chuyện bởi ở đây tui và ổng (tức ông Pháp) thấy lòng thư thả hơn, được tự do hơn. Từ lúc nhà tui giải tỏa, về trong khu dân cư mới, khá xa chỗ ni, vợ chồng tui càng thấy quyến luyến những bờ tre, những mảng nước quen thuộc ở cái đầm ni. Tất nhiên, ai cũng muốn cuộc sống mình ổn định, khá giả. Nhưng mọi cái rồi cũng đến rồi đi. Chừ già rồi, sống vui vẻ cùng nhau với đầm nước được ngày mô hay ngày ấy...".
Về cuộc sống hiện tại, ông Pháp nói: “Chúng tôi lấy nhau, sinh con, làm được đồng nào cũng để dành nuôi con cái khôn lớn. Giờ kiếm ăn hằng ngày, được cái gì hay cái đó, sống qua ngày. Tuy thiếu thốn đủ thứ nhưng vui lắm. Thấy chúng tôi thế này, các con tôi cũng không ủng hộ. Chúng bảo, ba mẹ không chịu về ở với chúng nó, anh em làng xóm, người ta lời ra tiếng vào, hiểu lầm tưởng tụi con bỏ mặc ba mẹ không phụng dưỡng.
Đã nhiều lần anh em chúng nó kéo nhau ra tới đây, khuyên giải đủ thứ, mong sao tụi tui về ở chung cho nhà đông vui, để chúng làm tròn trách nhiệm. Nhưng tui nói rồi, mảnh đất nơi này gia đình tui đã ở bao đời, đi không nỡ… Tui bảo các con không việc gì phải lo, người ta nói kệ người ta. Các con sống thế nào, đối xử với ba mẹ ra sao thì ba mẹ biết. Người đời thị phi, nghe nhiều chi cho mệt. Miễn sao ba mẹ sống hạnh phúc là vui rồi”.
Bà Xuyến mỉm cười, rồi miệng bà móm mém nhai trầu, lâu lâu lại đưa hai ngón tay lên vuốt nước trầu chảy ra ở khóe miệng; ông Pháp rít điếu thuốc rê, nhả ra làn khói nhẹ trong tiết trời se lạnh của tháng 11. Lâu lắm rồi, trên những nẻo đường phiêu bạt, tôi mới thấy lại hình ảnh của người Việt xưa qua cách sống của hai vợ chồng ông lão. Túp lều nho nhỏ xinh xinh nằm nép mình bên bờ đầm đơn sơ chăn chiếu... nhưng ấm áp và hạnh phúc, hai chiếc ghe nhỏ nằm im lìm dưới bóng tre trưa... vẽ nên một bức tranh êm ả thanh bình.
Chia tay với "tổ ấm" của hai vợ chồng lão ngư Bùi Pháp, mãi chúng tôi vẫn không thoát khỏi sự ngạc nhiên về quan điểm hạnh phúc kỳ lạ của hai ông bà.
Thế mới biết hạnh phúc là khi con người ta có được những gì mà người ta muốn. Trong khi hiện nay, nhiều người sống trong cái xã hội phát triển, xô bồ và đầy tham vọng này xem hạnh phúc là kiếm được nhiều tiền... thì với vợ chồng ông Pháp, hạnh phúc thật đơn sơ như vậy...
Hà Kiều - Xuân Vân (Dòng Đời)