Mặc dù bình dân, tự phát nhưng hằng tháng ông vẫn đóng thuế, tuân thủ theo quy định của chính quyền xã. Khách nghỉ qua đêm có giấy tạm trú đóng dấu nhà nước. Vượt một chặng đường khấp khểnh đến đây phần lớn là những vị khách thích lạ kiểu, ưa những khoảng trời khác biệt, những khu vườn thực đấy mà như trong giấc ngủ… Một không gian như trôi bên ngoài cuộc sống ầm ào…
Sớm tinh sương, bên bếp củi lách tách, nồi rau cải luộc như thu hết hương thơm từ vườn cải ngoài kia, làm lữ khách bừng tỉnh bỏ lại nơi phản gỗ chăn êm cơn ngủ vùi đường xa. Một ngày mới ùa vào căn nhà. Chén rượu chúc nhau một ngày tốt đẹp, một ngày suôn sẻ. Ông Vàng A Gia kể nhiều về vùng đất này. Câu chuyện loang vào sương núi, nửa thực nửa như mơ.
Ngày trước nơi đây có nhiều người Thái, sau khi họ rút đi, người Mông tìm đến dựng bản. Địa danh Hang Kia lấy tên theo tiếng Thái có nghĩa là Hang của bầy dơi. Chuyện lấy đặc thù sông suối để đặt tên bản, tên xã như thế, ông Vàng A Gia nghe lại từ các cụ già trong bản. Bây giờ, mọi sự đang khác đi nhiều. Nghe nói mai này, Mai Châu sẽ tập trung đầu tư cho du lịch. Hang Kia, Pà Cò, Bản Lác, Bản Văn… sẽ có du lịch sinh thái-văn hóa trong tương lai, sẽ khác nhiều, không phải do người dân làm tự phát như bây giờ…
Ngoài thị trấn, nơi có nhiều bà con người Thái, các khung dệt thổ cẩm lại bắt đầu kẽo kẹt, các cô gái luyện lại các bài múa Thái, học thêm chút tiếng Anh bập bõm. Bản không còn im lìm. Bản ngóng gió lạ. Nhiều hộ gia đình dành khuôn viên nhà sàn cho nhà nghỉ hoặc quầy tạp phẩm, đồ lưu niệm. Nhiều người trở thành “ông bầu” của những đêm hội xòe được sắp đặt theo hầu bao của khách. Trào lưu người dân làm du lịch tự phát từ thị trấn ùa vào Pà Cò, Hang Kia…
Có chút rạn vỡ mơ hồ. Có vài niềm vui mới đến. Nhưng gì thì một ngày đã chính thức trôi qua. Hang Kia vẫn ngập sương. Bữa cơm sáng có rượu nồng kéo dài thay cho lời chia tay Hang Kia. Ông Vàng A Gia gợi một phong tục đẹp: “Uống một chén rượu không phải cho riêng mình mà để gửi gắm cho một người mà mình thương quý”. Vậy thì hà cớ gì không say, nhất là khi ngoài vườn mận kia, sương vẫn còn thẫm ướt, dù buổi trưa đã dần báo hiệu trên chiếc đồng hồ cũ lạc lõng nơi gian nhà đất thấp lè tè.
Lâu lắm rồi, ông Sùng A Tô mới lấy chiếc khèn ra khỏi vách bụi. Lau chùi, vẩy vào chút nước lạnh cho dễ thổi, như tưới cho cái cây héo tươi trở lại. Lâu rồi, không còn nhiều đứa trẻ bản Chà Đáy, Pà Cò thổi được thứ âm thanh vấn vít, mộc mạc mà thuở tóc còn xanh, ông Tô vẫn hay thổi. Ông thì thào trong tiếng gió rào bên ngoài bờ cây, dưới cái nắng mỏng tang bên thềm căn nhà đất. Câu chuyện lùi lại như cổ tích. Chẳng ai tả được tiếng khèn bằng chính câu dịch nghĩa lời khèn của những người Mông Pà Cò: “Khèn hỏi rằng cô gái yêu anh không, không yêu, anh về muốn chết…”.
Người Mông thường bảo rằng, đàn môi, khèn, sáo là tín hiệu của mùa hò hẹn. Để con gái thích thì phải luyện tiếng khèn, tiếng đàn môi sao cho thật quyến rũ, như hơi thở núi rừng, như tiếng suối trong trẻo và tiếng lòng tha thiết.
Ngày ấy lâu rồi, Sùng A Tô là một chàng trai chơi đàn, thổi khèn điêu luyện, lúc dịu như tiếng gió thổi qua bờ cây, lúc nồng rực như ủ men rượu ngô, lúc thầm thì như lời tâm sự. Hơn mười tuổi, ông Tô bập bõm thổi khèn, tuổi đôi mươi uyển chuyển hơn nhờ nhiều đêm luyện từ một ông thầy người Mông… Điệu khèn hay phải thổi từ trong lòng. “Biết thổi khèn thì con gái thích lắm”. Ánh mắt già nửa nheo cười nửa nuối tiếc…
Ánh mắt đó tôi đã từng thấy trong đôi mắt nghệ sĩ Đức Minh, người mà bao năm trời nay mê mải say theo tiếng đàn môi. Dọc miền đất nước, đàn môi có trên 10 loại, thì hiện giờ ở nhà Minh lưu giữ được 5 loại. “Đặc trưng của đàn môi là chơi theo hình thức khẩu hình, phát ra âm thanh gần như giọng nói con người, vì thế mỗi dân tộc có ngôn ngữ đàn môi khác nhau, nhưng các vùng người Mông thì na ná giống nhau, khó phân biệt”.
Nếu chỉ nghe Minh thuyết giảng, nếu chỉ nhìn qua chiếc đàn bé xíu mà không được nghe âm thanh thì chẳng nghĩa lý gì. Đối với Minh, sự tò mò đầu tiên trước âm thanh đặc núi rừng chính là những bí ẩn của nó, giống hệt như sự tò mò của những vị khách xa với vườn cải thơm ở Hang Kia.
Mang theo sự tò mò và nỗi đam mê, Minh miên man qua nhiều vùng đất, gặp gỡ nhiều con người. Một ngày nọ là lão thợ rèn người Mông tốt bụng, người đã tỉ mỉ làm nên chiếc đàn môi bé xinh, dù không hề biết chơi đàn chút nào. Và chính chàng nghệ sĩ trẻ trong bữa rượu nơi thung sâu sương phủ đã dạy điệu đàn xứ sở cho lão thợ rèn người Mông.
Rồi một lần kia là buổi chiều trên đỉnh đèo lau gió, anh tấu lên điệu đàn cho vị trưởng bản nghe, để chính mình quên đi mọi sự. Để chính mình chợt hiểu rằng cái âm thanh đó chỉ duy nhất thuộc về những xứ sở sinh ra nó.
Minh đã chơi đàn theo cách cảm của một lữ khách người Kinh vẫn chưa hết bỡ ngỡ trước một vẻ đẹp mà theo anh phải được tả bằng những mỹ từ: “Đẹp, trong sáng, dịu dàng, thánh thót nhưng không kém phần dung dị”. Người nghệ sĩ đã men theo lời đàn, đỗ lại ở nhiều nơi để gửi gắm tình yêu và cả sự phẫn nộ trước những phai nhạt…
Giống như ở cái bản Chà Đáy-Pà Cò bé nhỏ này, nơi có căn nhà của ông Sùng A Tô. Bây giờ chẳng có ai thổi được khèn, chơi được đàn môi như ông ngày trước. Ngày đó trai gái thầm thì bằng tiếng đàn qua vách kín, giờ trai gái gặp nhau ngoài chợ, ngoài đường, tỏ tình cũng khác xưa, ồn ào, cởi mở hơn.
Những bộ quần áo Mông cũng ít có người mặc, may lắm chỉ còn lại những người phụ nữ quanh năm suốt tháng bên bếp lửa là còn biết rì rầm vài lời hát. Đàn môi thôi ở trên môi, khèn thì im trên vách. Có điều gì đang tuột dần khỏi bàn tay, tuột dần khỏi những ngày hội…
… Lâu lắm rồi, khi có khách xa, ông Sùng A Tô mới gỡ chiếc khèn xuống, mới nhờ đứa cháu lùng khắp bản mượn cho bằng được chiếc đàn môi bé xíu như cái bút học trò. Mấy người con dâu ông Tô vừa làm mấy món ăn ngày Tết vừa hát khẽ. Đứa cháu nội trong nôi, ngằn ngặt khóc gọi mẹ. Riêng ông Tô, bên chén rượu, vẫn như chìm vào những mùa đàn cũ.
Theo Hồn Việt (Nguồn Dân Việt)