Khu 7 là cách gọi quen thuộc của đồng bào dân tộc Cơtu huyện miền núi Tây Giang(Quảng Nam) thuộc các xã: Ga Ri, Tr’Hy, A Xan và Ch’Om. Để khám phá được Khu 7, bạn phải vượt trên cung đường từ thị trấn Argồng (trung tâm huyện lỵ Tây Giang) lên giáp với nước bạn Lào khoảng chừng 65 km.
Càng lên cao đoạn đường vòng vèo, khúc khuỷu, một bên là thung lũng ngập mây mù trắng đục, một bên là vách núi dựng đứng như bức trường thành bạn sẽ bắt gặp một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Vào mùa này sẽ có những cơn mưadông đầu mùa, lên Khu 7 trong mùa mưa sẽ mang một cảm giác chìm đắm. Vẫn đi trong mây mù và mưa. Cảm giác chinh phục được Khu 7 dần dần hiện ra trong tầm mắt bạn.
Vào sáng tinh mơ, đứng trên đỉnh núi Chà Nốc xã Ch’Om một bức tranh toàn cảnh Khu 7 hiện ra như một ốc đảo bồng bềnh trong làn sương sớm khi mờ khi tỏ. Giữa những cánh rừng nguyên sơ là những nếp nhà sàn xinh xắn của người Cơtu ôm lấy những thửa ruộng bậc thang đan xen bên sườn núi… mà làm cho lòng người xao động hơn. Cảm giác đó tôi đã cảm nhận được trong nhiềuchuyến chạm lên Khu 7 này nhiều lần…
Khu 7 vẫn mù mịt cả núi rừng khi mây mù giăng kín. Khó mà diễn tả nỗi khát khao được khám phá về vùng đất hoang sơ kỳ vĩ giáp với nước bạn Lào này. Chính vì thế mà ước mơ được một lần đến với Khu 7, nơi định cư lâu đời của người Cơtu 4 xã vùng cao thuộc huyện Tây Giang cũng bao hàm cả ý nghĩa như thế, bởi lên Khu 7 mà đúng vào ngày có nắng là một dịp may, vì như thế cảnh sắc ở Khu 7 sẽ trải rộng ra thật tuyệt vời. Tha hồ mà chiêm ngưỡng, mà trải nghiệm cũng như ghi lại cho riêng mình những khoảnh khắc tuyệt diệu đó.
Với tôi, mỗi năm thế nào cũng vài ba lần được lên Khu 7 công tác, nhưng mỗi lần đều mang một cảm xúc riêng. Đến với vùng cao Khu 7 sẽ khám phá được thêm nhiều điều mới mẻ về mảnh đất và con người Cơtu hiền hòa và mến khách
Nguyễn Văn Sơn