Năm 1010, trung tâm Hà Nội cổ được nhà Vua Lý Thái Tổ đánh giá trong "Chiếu dời đô" là "ở giữa khu vực trời và đất, có thế rồng cuộn hổ ngồi". Với sẵn một vùng kinh tế – cư dân – nơi "hội họp của bốn phương", kinh kỳ Thăng Long chính thức được hình thành, với tổng thể "Tam trùng thành quách" là quy hoạch kiến thiết của đô thị cổ Hà Nội.
|
Trung tâm thương mại của Thăng Long, lấy cửa Đông, sông Tô, sông Hồng làm giới hạn, là vùng sầm uất nhất Kinh thành, ở đây tập trung nhiều phố phường, chợ bến, kết hợp với khu vực buôn bán, các phường thủ công ngày càng phát triển.
Trải qua quá trình lịch sử, các thành tố đơn lẻ của phố cổ Hà Nội có bị thay đổi, các niên đại xây dựng không sớm, nhưng không thể phủ nhận giá trị lịch sử và quá trình hình thành, phát triển nghìn năm văn hiến. Về tổng thể khu vực này vẫn bảo lưu được cơ cấu không gian đô thị của một khu phố cổ, vẫn giữ được chức năng xã hội với vai trò là một trung tâm thương mại, các tuyến phố, hệ thống chợ, các công trình di tích kiến trúc, tôn giáo, tín ngưỡng, các nhà ở có giá trị kiến trúc, phương thức tổ chức không gian sống, sinh hoạt, các lễ hội truyền thống, nếp sống, thanh lịch của người Hà Nội hàng ngày diễn ra trong không gian khu phố cổ Hà Nội.
Trên cơ sở khoa học và thực tiễn, khu phố cổ Hà Nội đã được xếp hạng là "Di tích lịch sử khu phố cổ Hà Nội".
Giá trị văn hoá của phố cổ Hà Nội
Nói đến lịch sử hình thành, quá trình phát triển "Thăng Long- Hà Nội" không thể không nói đến khu phố cổ Hà Nội. Ngày nay, không chỉ nhân dân Việt Nam mà cả bạn bè quốc tế cũng quan tâm đến khu phố cổ Hà Nội, coi đó là một di sản văn hoá, một đặc trưng của thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Khu phố cổ Hà Nội – khu 36 phố phường là một nhân tố quan trọng, một phần để nhận diện bản sắc văn hoá đô thị Hà Nội.
Khu 36 phố phường xưa cùng với Hoàng thành làm nên kinh kỳ Thăng Long nổi tiếng là "ngàn năm văn hiến" "Thứ nhất kinh kỳ thứ nhì phố Hiến", với các hoạt động, đời sống sôi động, đây không chỉ là một trung tâm kinh tế mà còn là một trung tâm văn hoá đa dạng đó là các giá trị văn hoá phi vật thể như lễ hội truyền thống trong các di tích lịch sử, văn hoá, ứng xử nếp sống thanh lịch của người Hà Nội xưa cùng với sự hiện diện của văn hoá nghề thủ công truyền thống còn ghi dấu lại bằng các tên phố, các di tích tổ nghề, bằng các hoạt động buôn bán, sản xuất hiện hữu còn thể hiện trên phố.
Giá trị kiến trúc của khu phố cổ Hà Nội
Tổng thể khu phố cổ Hà Nội là một quần thể kiến trúc với khối không gian nhỏ bé, hình thức kiến trúc mặt đứng, tuyến phố, ngôi nhà đặc biệt là các lớp mái ngói "lô xô" với các hoạ tiết trang trí truyền thống của Việt Nam, tạo nên một tổng thể cảnh quan kiến trúc đặc trưng của đô thị cổ tiêu biểu với kiến trúc truyền thống của người Việt đồng bằng Bắc Bộ, cái nôi của văn hoá dân tộc Việt. Đây cũng là đặc trưng cho một đô thị cổ Châu Á.
Giá trị di sản của tổng thể kiến trúc đó là ý tưởng khởi nguyên của việc xây dựng Kinh thành Thăng Long cùng với Hoàng thành, khu phố cổ Hà Nội giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành cơ cấu đô thị đặc thù của Kinh đô Thăng Long xưa và thủ đô Hà Nội ngày nay.
Dù trải qua nhiều biến cố lịch sử, những thành tố đơn lẻ của phố cổ bị thay đổi, mang dấu ấn của kiến trúc cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX nhưng về tổng thể vẫn bảo lưu được cơ cấu không gian đô thị của một khu phố cổ truyền thống. Đồng thời với sự phát triển qua quá trình lịch sử "khu 36 phố phường" Hà Nội là đặc trưng của một quần thể kiến trúc truyền thống Việt Nam, với hình thái kiến trúc mà phản ánh vào nó là các dạng kiến thức kiến trúc của các thời kỳ lịch sử của thủ đô Hà Nội. Đặc điểm dân gian thể hiện rất rõ trong cách tổ chức khu phố trên cơ sở đơn vị, phường nghề với phương thức sản xuất, tổ chức xã hội và các thiết kế văn hoá, tín ngưỡng, cách thức xây dựng có nguồn gốc từ nông thôn. Phố xuất hiện sau phường do nhu cầu trao đổi thương nghiệp tăng dần. Phố là một bộ phận của phường đồng thời phố là thành phần liên kết các phường khác nhau trong mối quan hệ tương hỗ và tạo nên một mạng lưới đường - đó là cấu trúc đô thị.
Tổng thể khu phố cổ Hà Nội là một khu phố thị dân gian, là trung tâm sinh hoạt cộng đồng quan trọng của thủ đô Hà Nội. Đặc điểm dân gian thể hiện trong cách tổ chức xây dựng phường, phố và công trình kiến trúc, trong đó có sự hoà trộn đồng thời của những yếu tố, chức năng kinh tế, xã hội, văn hoá, tín ngưỡng, tạo nên những giá trị riêng biệt, độc đáo của một cấu trúc hình thái không gian đô thị sống động. Đó là dạng cấu trúc đô thị truyền thống Việt Nam điển hình, được hình thành trên cơ sở mô hình kết hợp chức năng vốn là một đặc trưng cơ bản của phương thức sản xuất phương đông trong quá khứ. Kiến trúc truyền thống phố cổ Hà Nội là sự kế thừa và phát triển tinh hoa văn hoá nhà ở dân gian truyền thống đồng bằng Bắc Bộ, nền văn hoá sông Hồng, văn minh lúa nước, phù hợp với điều kiện đô thị truyền thống Việt Nam, hình thành từ trong lịch sử và cách thức xây dựng có nguồn gốc từ nông thôn.
Trải qua nhiều biến cố lịch sử, khu phố cổ Hà Nội luôn có sức sống riêng để tồn tại, thích nghi và phát triển, vừa bảo lưu được những nét riêng độc đáo, đó là mạng lưới đường phố, ngõ nhỏ có hình thái tự nhiên, cách phân chia bố cục mặt đứng kiến trúc đường phố tạo nên vẻ đẹp hài hoà của không gian kiến trúc với những đặc tính động luôn thay đổi khá bất ngờ, độc đáo. Phố cổ Hà Nội là một giá trị di sản vô cùng quý báu cần được bảo tồn và phát huy trong đời sống đô thị hiện đại, là tấm gương phản chiếu lịch sử, kiến trúc và đời sống đô thị Hà Nội qua các thời kỳ.
Phố cổ Hà Nội luôn gắn liền với cuộc sống, vận động phát triển của kinh đô Thăng Long xưa, Hà Nội ngày nay, đã trở thành khái niệm, ấn tượng sâu sắc về giá trị văn hoá không chỉ riêng với người Hà Nội mà còn đối với bạn bè trong và ngoài nước đã một lần tới thăm phố cổ.
(36phophuong.vn)