(Toquoc) - Chiến tranh đã lùi xa, nhưng đâu đó trên dải đất hình chữ S, nỗi đau vẫn còn hiển hiện. Những nhân chứng sống về một thời hoa lửa vẫn đang từng ngày vượt qua nỗi đau thể xác, tinh thần. Cảm ơn họ, những người anh hùng!
Trung tâm điều dưỡng thương binh Kim Bảng (Hà Nam) trở thành "mái nhà" chung của 108 thương bệnh binh đến từ 30 tỉnh thành phía Bắc, từ Quảng Ngãi trở ra. Họ may mắn trở về từ chiến trường nhưng lại mang trên mình những vết thương sọ não, khiến hoạt động trí não sa sút.
Hiện ở Trung tâm có 30% thương bệnh binh (TBB) ổn định về bệnh tật, 70% còn lại sa sút về trí tuệ, thờ ơ lạnh nhạt, nóng giận vô cớ, không nhớ gì kể cả về chính bản thân họ,..
Mọi sinh hoạt cá nhân của họ đều do y tá, hộ lý phục vụ.
Bác Nguyễn Tấn Khải 58 tuổi là bệnh binh nặng, quê ở Thanh Liêm, Hà Nam, đi chiến trường năm 1972, bị thương năm 1974. Năm 1982, bác được đưa vào Trung tâm 1982. Trong ảnh: Bác Khải đang "vất vả" với bữa ăn trưa.
Mỗi TBB được hưởng chế độ ăn 1.810.000 đồng/tháng.
TBB được điều trị ở 3 khoa theo tính chất bệnh lý, hàng ngày được các bác sỹ thăm khám, theo dõi, điều trị. Trong ảnh là bác Lê Văn Tân, quê Nam Đinh, bệnh binh nặng 81%.
Hầu hết các TBB có thể tự ăn. Một số ít không thể tự ăn sẽ có y tá, hộ lý chăm sóc.
Sau mỗi bữa ăn các TBB sẽ được phát thuốc để uống ngay tại chỗ. Trước kia có những trường hợp y tá phát thuốc nhưng không uống, ảnh hưởng đến sức khỏe. "Việc chăm sóc họ luôn đòi hỏi sự tận tụy ân cần", anh Thành, một Y sĩ làm việc ở Trung tâm chia sẻ.
Tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Kim Bảng cũng có những gia đình sinh sống. Trong ảnh là gia đình ông Nguyễn Xuân Ngọc, 63 tuổi. Không ai biết rõ ông tham gia chiến đấu tại chiến trường nào, chỉ biết ông đã có giấy báo tử năm 1977 nhưng sau đó lại trở về và không còn nhớ gì. 20 sống ở Trung tâm, ông được mai mối với một hộ lý. Bé gái Nguyễn Thị Hồng Nga, 9 tuổi, là cái kết đẹp của cuộc hôn nhân đẹp như cổ tích. "Ngày trước ông thường xé quần áo, sau khi có con, tính khí cũng như nhận thức có phần thay đổi hẳn", bà Hợi vợ ông tâm sự.
Ở khoa Kích Động-khoa nặng nhất của Trung tâm, các TBB luôn được chăm sóc tận tình. Phần lớn họ là những thương binh hạng 1/4, bị loạn thần sau chấn thương do bom mìn chiến tranh, tuổi đời trung bình 50-60 trở lên, hầu hết không có vợ con. Thậm chí có người không thể nhớ được họ tên, nơi sinh ra và vì sao lại có mặt tại đây. Những nhân chứng sống về một thời hoa lửa vẫn đang từng ngày vượt qua nỗi đau thể xác, tinh thần. Cảm ơn họ, những người anh hùng!
Ngọc Thành
Theo Báo điện tử Tổ quốc
|