(PetroTimes) - Hơn 6h sáng, giờ làm lễ đã đến, mọi người xếp hàng trước bàn thờ Bác. Chị Hồng Nhật được ban tổ chức giao cho điều khiển lễ truy điệu. Chị Hồng Nhật đứng yên nhìn mọi người và khi thấy mọi người đã sẵn sàng thì bỗng dưng hai chân chị run bần bật tưởng chừng đứng không vững, nhưng rồi nỗi khổ đau, sự đè nén vì lòng thương Bác như thổi bùng thêm sức mạnh cho chị. Hít một hơi dài căng lồng ngực, chị hô: "Nghiêm! Chào cờ chào".
>>Khám Chí Hòa - Những chuyện đằng sau cửa ngục
>> Khám Chí Hòa - 'Nhất nhật tại tù…!'
>>Sự thật về một viên cai ngục ở khám Chí Hoà
>>Vụ xử bắn 'em trai tổng thống' ở khám Chí Hòa
>>Khám Chí Hòa: 'Cuộc mặc cả triệu đô' trước giờ hành quyết 'em trai tổng thống'
>>Xử bắn 'ông cố vấn' ở khám Chí Hòa
>>Khám Chí Hòa trong ký ức của nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa
>> Khám Chí Hòa - những cuộc 'cân não' đằng sau cửa ngục...
>> Lễ truy điệu đặc biệt ở khám Chí Hoà
>> Vì sao khám Chí Hòa không giam tù nữ?
|
Các chị đang hát bài "Hãy nhớ lấy lời tôi" của nhạc sĩ Vũ Thành tại đài tưởng niệm liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi ở nhà giam Chí Hoà. |
|
|
Tiếng hát Quốc ca đồng loạt cất cao vang động cả toàn khu "lò bát quái". Sau đó chị Năm Bắc đại diện ban Tổ chức và ban lãnh đạo phòng đọc điếu văn: "Thưa chị em thân mến! Hôm nay cùng với cả nước, toàn thể chị em chúng ta tại nhà giam Chí Hòa vô cùng đau đớn vĩnh biệt Bác Hồ vô cùng kính yêu. Bác là vị lãnh tụ vô vàn kính yêu. Bác là vị lãnh tụ vô cùng vĩ đại của Đảng và Nhà nước ta. Là vị Cha Già của cả dân tộc Việt Nam. Tổn thất này vô cùng lớn lao khiến cho mỗi chúng ta đau buốt con tim, không ngăn giọt lệ. Bác đi, thế là chúng con ở miền Nam không còn được mong gặp Người ngày miền Nam độc lập thống nhất...".
Tiếp theo bài điếu văn đã nêu lại lịch sử hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Rồi trong điếu văn có đoạn viết: "Bác của chúng ta là tượng trưng cho dân tộc Việt Nam thống nhất. Chúng con mãi mãi ghi nhớ tấm lòng thiết tha của Bác đối với miền Nam. “Miền Nam ở trong trái tim tôi”.
“Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Bác còn là hiện thân của đạo đức Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư, của tác phong khiêm tốn giản dị. Bác đã ra đi nhưng Người còn để lại muôn vàn tình thương yêu đối với đồng bào, đồng chí là hình ảnh mẫu mực của người Cộng sản Việt Nam... Bác sống mãi trong lòng nhân dân miền Nam trong câu ca dao: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Cụ Hồ”.
Hôm nay chúng ta vô cùng đau xót hướng về Bác trong lúc cả nước còn đang tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chưa thực hiện được lòng mong ước thiết tha của Người. Nhân dân miền Nam đi trước về sau còn đang sống trong cảnh đau thương tang tóc dưới chế độ Mỹ - ngụy.
Cả miền Nam còn hơn 200.000 tù chính trị đang bị địch giết dần mòn trong cuộc sống khổ cực, và bị đày đọa, tra tấn dã man. Nhưng chúng ta quyết không sợ. Biến đau thương thành hành động cách mạng, chống địch đàn áp khủng bố, đày đọa cuộc sống tù nhân. Chúng ta phải sống, phải chiến đấu noi gương Bác Hồ vĩ đại, cho đến một ngày mai "Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà".
Trong giờ phút đau thương này, chị em trong nhà lao Chí Hòa chúng ta nguyện đoàn kết, thương yêu nhau hơn bao giờ hết. Chúng con xin hứa với Bác sẽ giữ mãi trong tim mình lời thề chung thủy sắt son với Đảng, với Cách mạng dù bị địch tra tấn dã man cũng kiên quyết không đầu hàng, kiên quyết chiến đấu đến giọt máu cuối cùng vì sự nghiệp thắng lợi của cách mạng.
Chúng con xin hứa với Bác nguyện ra sức học tập và làm theo gương, theo những lời dạy vàng ngọc của Bác, quyết tâm phấn đấu, rèn luyện đạo đức, tác phong để xứng đáng là những chiến sĩ kiên cường đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân độc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội, để xứng đáng là phụ nữ Việt Nam: "Anh hùng bất khuất, trung hậu đảm đang", xứng đáng là con cháu của Bác Hồ vĩ đại".
|
Lễ truy điệu Bác Hồ ở phòng OB4 khám Chí Hoà. |
Sau bài điếu văn của chị Năm Bắc đọc là bắt đầu phát tang và mặc niệm. Má Tám Dễ là người lớn tuổi nhất trong phòng đi chít khăn tang cho từng người. Chít khăn tang xong thì phút mặc niệm bắt đầu. Chị Hồng Nhật là người được giao hát bài Hồn tử sĩ. Chị hát mà nước mắt cứ chảy ròng ròng... Dứt bài hát, chị em ôm lấy nhau thành một khối và khóc òa lên.
Sau lễ truy điệu, chị em bàn bạc với nhau đưa ra chương trình hành động làm sao cho xứng đáng với Bác trong những ngày này. Chị em đã làm rất nhiều việc như viết bích báo, làm thơ, kể chuyện về Bác... miễn sao là bày tỏ được tấm lòng của mình đối với Bác. Chuyện được chị em kể nhiều nhất là về tình cảm của Bác với đồng bào miền Nam, với các cháu thiếu niên nhi đồng.
Chị Nguyễn Thị Sàn, tức chị Chín Xà đã làm một bài thơ với tiêu đề "Bác Hồ bất diệt" trong đó có đoạn như sau:
"Nhớ thương Bác, quyết noi gương Bác
Làm đúng theo lời dạy của Người
Hy sinh phấn đấu trọn đời
Trước sau như một, vẹn lời thủy chung.
Dù sống cảnh lao lung, xiềng xích
Dù kẻ thù bưng bít gắt gao
Dù cho đổ giọt máu đào
Bảy ngày giữ trọn mái đầu tang Cha...
Bác Hồ ơi lệ huyết chan hòa
Hướng về miền Bắc thiết tha
Hướng về miền Bắc nhớ cha muôn đời".
Trong hai ngày đầu, chị em tổ chức lễ truy điệu và sinh hoạt tưởng nhớ Bác Hồ rầm rộ. Bọn địch rất lúng túng và không biết cách đối phó thế nào, chúng biết rất rõ rằng nếu như chúng đụng vào bàn thờ Bác lúc này thì sẽ làm "nổ tung thùng thuốc súng" đang được chị em chất chứa trong lòng bởi lòng thương Bác và nỗi căm thù lũ giặc tàn ác...
(Còn tiếp)
Nguyễn Như Phong