Sau 1 tháng khai quật, chiều 30/6, Ban chỉ đạo thăm dò, khai quật khảo cổ di sản văn hóa dưới nước Quảng Ngãi tổ chức họp báo cáo sơ bộ về kết quả khai quật, trục vớt tàu cổ đắm ở vùng biển thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, Bình Sơn. Khu vực này mở cửa đón các đoàn chuyên gia, lãnh đạo các tỉnh miền Trung tham quan con tàu cổ 700 năm tuổi ở đáy biển Bình Châu mà như trên cạn.
TS Phạm Quốc Quân, nguyên giám đốc Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam cho biết, lần đầu tiên tham gia khai quật con tàu đắm còn khá nguyên vẹn, niên đại sớm nhất so với các con tàu cổ đắm ở vùng biển Việt Nam. Con tàu cổ còn nguyên vẹn cụm bánh lái, 13 khoang tàu có 12 vách ngăn. Cấu trúc con tàu khá vững chãi, độc đáo hiếm thấy trên thế giới.
Phần mũi tàu là phiến gỗ dày, đen nhánh còn nguyên khối sau 700 năm nằm dưới đáy biển. Theo TS Quân, con tàu cổ này được đóng bằng phương pháp thủ công, chủ yếu dùng rìu đẽo bằng tay, kết nối bằng đinh thép. Những kẽ hở của thân tàu được trét trám bằng bả vôi và mía đường, chất liệu hầu hết là cây cổ thụ, trong đó có gỗ thông già tuổi.
Khối gỗ phần mũi tàu dài hơn 4m, dày hơn 30cm còn nguyên vẹn.
TS Nguyễn Đình Chiến, phó giám đốc Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam cho biết, qua khai quật, các nhà khảo cổ đã phát hiện dấu tích rơm rạ bọc lót giữa những chồng gốm cổ chống va đập gây vỡ trong quá trình vận chuyển trên biển.
Các chuyên gia khẳng định, con tàu 700 tuổi này cháy trước khi chìm ở vùng biển Bình Châu. Các dấu tích cháy còn lưu lại rõ ràng ở khoang 4,5 và 6.
Kết quả khai quật có hàng nghìn hiện vật gốm sứ men nâu, men ngọc, sứ hoa lam, men trắng xanh, men màu, đồ đồng và viên ngọc quí (dạng hạt chuỗi trang sức) màu xanh lá cây.
Con tàu 700 tuổi chứa "kho cổ vật" được các nhà khảo cổ xác nhận là chở nhiều loại gốm sứ niên đại thế kỷ 13, 14 và sản xuất ở nhiều lò gốm khác nhau. Nổi bật là nhiều loại đĩa men ngọc kích cỡ lớn đến 34 cm có giá trị lớn.
Loại đĩa men ngọc màu xanh da táo trang trí nổi hình rồng mang đặc trưng nghệ thuật thế kỷ 13, độc bản quí hiếm phát hiện trên tàu 700 tuổi.
Đồ gốm men nâu, sứ hoa lam mang đặc trưng nghệ thuật thế kỷ 13 được khai quật từ con tàu cổ được trưng bày, giới thiệu ở Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi chiều nay. Cuộc khai quật khảo cổ học tàu đắm Bình Châu là cuộc khai quật con tàu cổ thứ 6 trong vùng biển Việt Nam và là hiện tượng mới chưa từng có trong khai quật khảo cổ học dưới nước. "Kết quả khai quật lần này góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu con đường tơ lụa ở biển Đông, lịch sử thương mại, kỹ thuật đóng tàu thuyền từ nhiều thế kỷ", TS Nguyễn Đăng Vũ, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và Du lịch Quảng Ngãi khẳng định.
Qua phân tích sơ bộ, các nhà khảo cổ thống kê có khoảng 19 loại tiền khác nhau có niên đại từ thế kỷ 13 trở về trước. Đây là loại tiền mặt tròn lỗ vuông bằng đồng phát hiện ở các khoang 4,5 và 6, nơi có dấu tích bị cháy trên con tàu cổ.
Trí Tín (vnexpress.net)