- Cùng với những công trình kiến trúc cổ của chúng ta là sự xuất hiện của những công trình kiến trúc Pháp với những sắc thái riêng đã góp phần làm nên dấu ấn độc đáo của kiến trúc Hà Nội. Chưa có một nền nghệ thuật kiến trúc thế giới nào lại biểu hiện đầy đủ sống động như ở Hà Nội, kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Đoàn Gia vừa đi cùng tôi điểm một số công trình kiến trúc vừa trò chuyện. Gần 1.000 năm sau ngược dòng thời gian chiêm ngưỡng Hà Nội ngày ấy ta vẫn thấy đầy đủ các nét nghệ thuật kiến trúc thế giới và nét 4D của các công trình đó.
- 4D là độ nổi của các công trình?, tôi hỏi lại vì liên tưởng tới phim 4D.
- Không, KTS Gia cười làm giãn ra những nếp nhăn chán có tuổi của ông. Giới “sư” (kiến trúc sư) chúng tôi gọi vắn tắt nét đặc sắc, độc đáo, đa dạng, đặc biệt của các công trình đó. 4D là 4 chữ Đ đầu của các chữ ấy. Tôi yêu hay đúng hơn là “say” cái di sản khá đồ sộ này trong khối kiến trúc lớn lao đó.
Vào năm 1883, người Pháp đã tiến hành xây dựng thành phố Hà Nội mới, xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, trong đó có trụ sở Phủ toàn quyền Đông Dương, Nhà hát Lớn, Dinh thống sứ, Tòa án…Theo KTS Gia một số công trình này được thiết kế theo phong cách Tân cổ điển - phong cách hàn lâm thịnh hành cùng thời ở Pháp. Nguyên tắc bố cục dựa trên quy luật đối xứng nghiêm ngặt với sự chú ý nhấn mạnh diện trung tâm hay hai khối nhô ở hai bên và dựa trên các thức, chi tiết trang trí.
|
Trước Nhà hát Lớn ngày đầu. Ảnh tác giả cung cấp
|
Phủ toàn quyền Đông Dương do kiến trúc sư Ch. Lichtenfelder thiết kế và được xây dựng trong những năm 1901-1906 với quy mô hoành tráng, uy nghiêm và quyền lực. Từ năm 1945 rồi từ sau 1954 nơi đây trở thành Phủ Chủ tịch, nơi diễn ra các hoạt động lễ nghi, đối ngoại trọng đại của Việt Nam. Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh không sống trong Phủ mà chỉ tiếp khách tại đây và sống trong một nhà sàn bên cạnh hồ nước gần đó.
Nhà hát lớn Hà Nội khởi công năm 1901 và xây dựng mất 10 năm, theo đồ án thiết kế của các KTS Broger và Harioy. Ngoài những giá trị về mặt kiến trúc, Nhà hát Lớn Hà Nội có một giá trị rất lớn về mặt lịch sử, là một nhân chứng cách mạng của thủ đô Hà Nội, từng là nơi Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập nhóm họp và thông qua Hiến pháp năm 1946.
Từ đó đến nay Nhà hát Lớn Hà Nội luôn luôn là trung tâm của các cuộc họp, hội nghị, mít tinh quan trọng và các buổi biểu diễn mang tính nghệ thuật cao của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế.
Dinh thống sứ (Bắc bộ Phủ và nay là Nhà Khách Chính Phủ) trên đường Ngô Quyền là một công trình tiêu biểu của phong cách kiến trúc cổ điển Pháp. Nơi đây quần chúng đã đổ tới chiếm lĩnh hồi Cách mạng tháng 8. Gần đó là Phủ Thống Sứ (nay là Bộ Thương binh Xã hội) và khách sạn Metropole. Đây là những công trình xây dựng cùng thời tạo thành một quần thể kiến trúc đẹp mang dáng vẻ châu Âu.
Tòa án tối cao trên đường Lý Thường Kiệt, có khối tích uy nghi đồ sộ thể hiện rõ sức mạnh của quyền lực. Công trình được thực hiên theo thiết kế của KTS Vildieu, xây dựng cùng thời với nhà hát thành phố.
Cùng theo KTS Gia, ta dần chuyển sang thời kỳ từ năm 1920 đến năm 1954. Theo ông mối giao lưu về kiến trúc và văn hóa giữa hai nước Pháp và Việt Nam trở nên thường xuyên hơn, làm xuất hiện một phong cách kiến trúc mới – phong cách kết hợp. Đó là phong cách hướng về những đặc điểm văn hóa, kiến trúc và điều kiện thiên nhiên, khí hậu của địa phương trong sáng tác kiến trúc.
KTS E. Hebrard là một trong những người tiên phong trong xu hướng kiến trúc này. Bên cạnh đó là sự xuất hiện của một số công trình mang phong cách kiến trúc hiện đại do các KTS Pháp thiết kế, phần nào thể hiện sự hòa nhập của kiến trúc bản địa với thế giới.
|
Đại học Đông Dương. Ảnh tác giả cung cấp
|
Các công trình để lại dấu ấn của giai đoạn này là:
- Trường đại học Đông Dương: phảng phất dấu hiệu của sự tìm tòi một hình ảnh kiến trúc phương Đông. Công trình được xây dựng trong 4 năm (1923 – 1926), gây được ấn tượng tốt về loại kiến trúc phù hợp với đặc điểm khí hậu nhiệt đới.
- Bảo tàng Viễn Đông Bác Cổ, tác giả là KTS E. Hebrard, là một công trình văn hóa vào loại tiêu biểu nhẩt và là một công trình kiến trúc được đánh giá là có nhiều thành công trong xử lý không gian kiến trúc gây ấn tượng sâu sắc về một kiểu kiến trúc phù hợp với phương Đông. Công trình được xây dựng trong 4 năm (1928 – 1932).
- Nhà thờ Cửa Bắc, tác giả là KTS E. Hebrard, với tổ hợp không gian kiến trúc không nhấn mạnh sự đối xứng mà có sự biến hóa rất hài hòa với không gian xung quanh, nhiệt đới nhưng vẫn đảm bảo sự trang nghiêm và có phần tĩnh mịch, gây được ấn tượng về một sự siêu thoát.
Một số công trình độc đáo nữa là Viện Pasteur là Viện vệ sinh dịch tễ (1939), Câu lạc bộ Thủy quân (nay là Trụ sở Tổng cục TDTT) ở đường Trần Phú.
Cuối cùng là phong cách kiến trúc hiện đại xuất hiện ở Hà Nội trong những năm 1930. Đây là phong cách kiến trúc khai thác giá trị thẩm mỹ trên các nguyên tắc tổ hợp lập thể và thoát ly khỏi những nguyên tắc trang trí cầu kỳ, phức tạp dần tìm cách thích nghi với các điều kiện môi trường xã hội tự nhiên và bản địa, dẫn tới sự định hình rõ nét của một phong cách mới phù hợp với những đặc thù của Hà Nội.
Nhà Bưu điện, trụ sở hãng Shell (nay là trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ), Câu lạc bộ thể thao Ba Đình, ngân hàng Đông Dương (nay là Ngân hàng Quốc gia Việt Nam) là những công trình tiêu biểu cho xu hướng kiến trúc hiện đại.
|
Viện Pasteur-Viện Vệ sinh dịch tễ ngày nay. Ảnh tác giả cung cấp
|
KTS nguyễn Thiệu Trị- người nổi tiếng với nhưng công trình trên đất nước đã ngợi khen: "Người Pháp trong thời gian trăm năm trước đã biết sử dụng một cách khôn khéo khi pha trộn kiến trúc Đông – Tây. Đến Việt Nam, họ vẫn mang tính chất không gian hợp lý, duy lý nhưng vẫn tìm những hình ảnh mang dáng dấp phương Đông.
Khi “cưỡi" xe xem điểm các công trình chính, KTS bộc bach: "Kiến trúc Pháp ở Hà Nội đã trở thành một quỹ di sản kiến trúc mang ý nghĩa lịch sử, kết hợp hài hòa với các thành phần kiến trúc và cảnh quan đô thị truyền thống. Kiến trúc Pháp đã để lại những dấu ấn kiến trúc sâu sắc, đáng quý, đáng yêu, minh chứng cho một giai đoạn lịch sử của Việt Nam. Có lẽ vì vậy mà nét kiến trúc kiểu Pháp vẫn in sâu trong lòng thủ đô văn hiến.
Giang Hà Vỵ