VNQĐ Online: Làng cổ Đường Lâm được gọi là đất hai vua (quê hương của hai người anh hùng dân tộc Phùng Hưng và Ngô Quyền), có giá trị không chỉ bởi chiều sâu văn hoá, với những di tích lịch sử, những kiến trúc cổ, những ngôi nhà cổ độc đáo được xây dựng bằng đá ong...; mà còn bởi một yếu tố rất giản dị: đó là nghề nông - trồng lúa. Chính điều này đã làm cho làng cổ Đường Lâm vẫn lưu giữ được một không gian rất xưa, mô hình sống với nét thuần phác, đậm bản sắc mà nhiều vùng nông thôn đã mai một.
Hiện tại, 90% các hộ ở Đường Lâm vẫn làm ruộng, và đây vẫn là nguồn thu nhập chính, tuy nhiên, tỷ lệ này đang giảm dần. Những người trẻ không còn thiết tha với công việc nhà nông nhiều vất vả, đi tìm những công việc khác; nhân lực dành cho công việc đồng áng đang thiếu. Diện tích đất canh tác ở Đường Lâm không khai thác hết, nhiều thửa bỏ hoang.
Trong những năm gần đây, Đường Lâm được nhắc đến nhiều như một điểm du lịch hấp dẫn. Nhưng nếu một ngày nào đó, Đường Lâm mất nghề nông, mà chuyển cơ cấu sang làm nghề khác hay dịch vụ; thì có lẽ làng cổ sẽ khác đi rất nhiều. Đường Lâm chỉ đẹp khi là làng đúng nghĩa với đầy đủ không gian, hơi thở, cuộc sống của làng; chứ không phải là một điểm du lịch kiểu... ngắm nhìn.
“Làng cổ Đường Lâm 90% vẫn làm ruộng.Làm ruộng vất vả lắm, và nghèo; và vì nghèo nên... Đường Lâm thành làng cổ...” - một người nông dân đã chia sẻ vậy. Có lẽ điều đó cũng đáng để suy nghĩ cho những người làm công tác quản lý văn hoá, bảo tồn di sản, hay kinh doanh du lịch.
Tới Đường Lâm những ngày này, sẽ thấy rõ hơn hình ảnh một làng quê Việt đậm bản sắc; với những người nông dân vất vả, nhọc nhằn; và cũng thấy không gian, sắc màu làng cổ đẹp hơn trong mùa gặt.
Những đồng lúa chín bên ngoài làng cổ.
Gặt và gánh lúa về trong cái nắng mùa hè.
Chở lúa về làng trên con đường vàng rơm mới.
Nơi đây vẫn sử dụng nhiều sức kéo của gia súc...
Nhiều hộ tuốt lúa luôn bằng máy ngay bên cánh đồng và chở thóc về.
Rơm cũng được chở về. Người dân Đường Lâm vẫn thuần nông cùng cây lúa,rơm được sử dụng để làm chất đốt, dây bó - buộc, bện chổi...
Những con đường, con ngõ trong làng phủ đầy rơm.
Mọi con đường đều biến thành sân phơi...
Nhưng không ai lấy đó làm phiền...
Sân đình cũng là nơi phơi thóc lý tưởng.
Còn trong sân những ngôi nhà cổ thì đương nhiên là chẳng sân nào để không.
Lúa hiện diện từ trong nhà...
Ra ngoài ngõ...
Niềm vui mùa gặt.
Nụ cười thu hoạch cũng tươi vừa phải khi hạt lúa làm ra chủ yếu chỉ để phục vụ nhu cầu lương thực của gia đình. Thế nhưng, nghề nông cùng với cảnh sắc của làng cổ đã tạo cho Đường Lâm một nét cổ xưa của một ngôi làng Bắc Bộ truyền thống.
Tổ chức trang: DƯƠNG TỬ
Thực hiện: HÀ THÀNH
Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội