Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn là con trai thứ hai của An Sinh Vương Trần Liễu, còn Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải là Hoàng tử thứ ba của vua Trần Thái Tông, xét trong thế thứ họ hàng ruột thịt, Trần Quốc Tuấn là anh con bác của Trần Quang Khải.
Đời cha, Trần Liễu có mối thâm thù với Trần Thái Tông. Nhưng đến đời con, Trần Quốc Tuấn xử sự hoàn toàn khác. Sách Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục (chính biên, quyển 8, tờ 21 và 22) có ghi lại hai mẩu chuyện rất cảm động như sau:
"Trước kia (vua Trần) Thánh Tông thân đem quân đi đánh Mán Bà-la, Quang Khải đi theo. Khi sắp đi, sứ thần Trung Quốc tới. Thánh Tông triệu Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn đến bảo rằng:
- Thượng tướng (chỉ Trần Quang Khải - ND) theo quan gia (chỉ vua Trần - ND) đi đánh giặc, trẫm muốn phong cho nhà ngươi làm Tư đồ, sung vào việc ứng tiếp.
Quốc Tuấn thưa rằng:
- Việc ứng tiếp sứ thần Trung Quốc, tôi xin đảm nhận, còn việc phong chức Tư đồ, tôi không dám nhận. Nay quan gia đi đánh giặc xa, Quang Khải theo hầu, bệ hạ lại tự ý phong chức cho tôi, e rằng tình nghĩa trên dưới chưa được ổn thỏa.
Việc ấy bèn thôi. Quang Khải với Quốc Tuấn vốn trước không hòa hiệp với nhau. Có một hôm, Quốc Tuấn ở Vạn Kiếp về, Quang Khải cùng Quốc Tuấn đánh cờ chơi đùa suốt ngày. Quang Khải tính không hay tắm gội. Quốc Tuấn cởi áo và lau rửa giúp Quang Khải rồi nói:
- Hôm nay tôi được tắm cho Thượng tướng.
Quang Khải cũng nói:
- Hôm nay tôi được Quốc công tắm rửa cho.
Từ bấy giờ, hai người chơi với nhau thân mật lắm".
Lời bàn:
Xưa nay, người ta rất dễ nhất trí với nhau về những chuyện lớn, nhưng với những chuyện lặt vặt của đời thường, người ta lại rất khó bỏ qua cho nhau. Mối quan hệ giữa Quốc Tuấn và Quang Khải ban đầu cũng không ra ngoài thói thường ấy.
Cũng xưa nay, đôi khi chuyện lớn lại được giải quyết một cách dễ dàng bắt đầu từ một chuyện ngỡ như rất nhỏ. Chuyện nhỏ vì thế không còn nhỏ nữa, bởi chỉ có những đấng đại trượng phu chính tâm thành ý mới có thể dũng cảm làm được. Như Quốc Tuấn không nhận chức Tư đồ, lại tắm cho Quang Khải, những việc ấy cũng phải dũng cảm lắm mới làm được. Ngẫm mà xem!
Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần