Nhìn từ boong tàu, những đảo nổi, đảo chìm của Trường Sa sừng sững như những pháo đài vững chắc giữa biển Đông. Nhưng ít người biết rằng, đằng sau đó là cả máu và nước mắt của những chiến sỹ công binh trong công cuộc dựng đảo, bảo vệ chủ quyền.
Đội đá, đạp sóng nâng đảo lên...
Hình ảnh đầu tiên của đảo Sơn Ca nhìn từ mạn tàu HQ 996 với chúng tôi chưa hẳn là đảo xanh hay cát trắng mà là những con tàu nhỏ của lực lượng công binh cần mẫn cập mạn tàu lớn bốc nguyên vật liệu về dựng xây Sơn Ca.
Từ trước Tết 2013, dự án kè mở rộng đảo Sơn Ca đã được thực hiện. Ngồi trong căn phòng nhỏ lộng gió, thượng tá Đặng Việt Anh, Phó Chính ủy trung đoàn 131 Công binh Hải quân cho hay: “Công việc hàng ngày của lính công binh Trường Sa không mấy người hiểu hết. Chúng tôi cũng gắn bó với đảo như máu thịt của mình”.
Thượng tá Việt Anh vào công binh chỉ sau biến cố Gạc Ma chừng 4 tháng. Ấn tượng về Trường Sa những ngày đầu lập đảo, xây nhà vẫn còn y nguyên trong anh.
Hướng tầm mắt ra bãi cát dài trắng xóa, người thượng tá gốc Hải Phòng trầm ngâm nhớ lại những ngày tháng gian lao ấy.
Dãy đảo chìm Đà Nam, Đà Thị… sau biến cố Gạc Ma trở thành những điểm mốc quan trọng trên biển mà ta buộc phải giữ lấy bằng cả máu xương và cả trái tim của mình. Trung đoàn 131 được lênh theo tàu ra khơi, xây chiến hào, cắm mốc.
Thượng tá Việt Anh kể, những ngày đầu tiếp cận đảo chìm, có nơi chỉ lô nhô san hô khi nước rút. Anh em công binh buộc phải kéo bông tông (hệ thống bè được kết bằng thùng phuy) vào đảo để ở tạm. Sóng từ xa nhồi tới, nắng trên đầu như rang khiến cho mấy chục con người trên đảo lử đử, “say hơn cả lúc say nhất trên tàu.”
Công đoạn tiếp theo là vận chuyển đá. Những năm cuối thập niên 80, đầu những năm 90, phương tiện hạn chế. Đá từ đất liền đưa ra, anh em gò mình, cõng trên vai trần, lội qua biển bạc đến ngang ngực rồi quăng đá nâng nền đảo lên. Ròng rã đêm ngày, những bờ vai trầy xước rồi thành chai sẹo, da mặt cháy bỏng rồi xạm đen, nước biển mặn xa xót chữalành những vết thương nứt toác tay, chân... Đảo dần dần nhô lên trên mặt nước, thành nền để xây dựng những Đá Thị, Đá Nam, Đá Tây…
Chiến sỹ công binh trên đảo Sơn Ca (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
Nâng đảo chìm khổ thế nhưng dựng công trình trên đảo nổi như Song Tử Tây, Sơn Ca, Trường Sa lớn cũng chẳng dễ dàng gì.
Chỉ tay ra khoảng cát đang lóa lên dưới nắng chiều, thượng úy Nguyễn Trung Phong (sinh năm 1982) bảo: “Cực nhất khi xây dựng ở đảo nổi vẫn là khâu vận chuyển”.
Anh cho hay: “Vào thời gian đầu, khi chưa có phương tiện hiện tại, tất cả lính công binh đều phải dùng sức người bù đắp cho khó khăn. Đảo nổi thì cát dài thoai thoải, cát vươn mình ra sát bờ rồi chạy sâu vào trong lòng đảo hơn trăm mét. Lấy vật liệu từ tàu ra, gặp lúc nước cạn, thiếu xuồng kéo, anh em phải cho một người bơi vào, buộc dây thừng vào gốc dừa rồi cùng kéo. Hình thức này được gọi là truyền tải bằng tay.” “Mỗi lần như vậy, tay lính trầy xước, phồng rộp,” Thượng úy Phong tâm sự.
Đưa vật liệu lên bờ đã khổ, vận chuyển tới nơi xây còn khổ hơn. Nắng rát mặt, gió nghiêng người, đội đá, vác xi măng lệch vai. Rồi chuyện nước dùng chứa trực tiếp trong lòng xuồng nhỏ, chòng chành vào đảo… Nhắc chừng ấy thứ, nhưng những chiến sỹ công binh chỉ cười. Với họ, được góp sức xây dựng đảo, khẳng định chủ quyền là vinh dự và trách nhiệm lớn lao.
Kỳ vĩ Loa thành trên biển Đông
Thời tiết ở Trường Sa như một cô gái già và ế chồng, vừa đỏng đảnh vừa khắc nghiệt. Ngay những ngày chúng tôi lên đảo Sơn Ca, mưa bất thần ào ạt đến rồi lại nhanh chóng rút đi nhường lại cái nắng rát đầu. Hơn ai hết, các chiến sỹ công binh là những người thấm thía nhất những cơn “cằn nhằn” trái tính ấy của thời tiết Trường Sa.
Khung trưởng khung xây dựng đảo Sơn Ca, thiếu tá Lại Văn Thanh chỉ tay ra phía bờ kè đang được thi công mở rộng bảo: “Chỉ cần sóng lớn đập vào chân kè thì bao nhiêu công sức của anh em có khả năng sẽ bị cuốn trôi ra biển hết.”
Trong trí nhớ của anh vẫn còn nguyên vẹn ký ức về những ngày xây dựng cầu nối 2 căn nhà trên điểm đảo Đá Lớn A. Cả đội đang tiến hành thi công bỗng dưng bão ập về. Gió biển dữ dội hất tung cả đoạn cầu vừa xây. Anh em đang ngủ cũng bị bắn ra xa mấy mét, rơi tòm xuống biển, nhưng rất may, lần ấy không có ai thiệt mạng.
Hay như công trình trụ cập tàu ở đảo Đá Tây, các chiến sĩ phải lặn sâu 10m xây phần móng, đổ được 300m3 bê tông thì bất ngờ gặp bão, trụ bê tông chưa kịp khô đã bị sóng đánh vỡ. Chứng kiến bao mồ hôi, công sức trôi ra biển, ai cũng như đứt từng khúc ruột...
Âu tàu Song Tử Tây (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
Nhẩm tính nhanh, người khung trưởng với hơn 20 năm gắn bó với các công trình trên biển Đông bảo: “Mỗi công trình cần ít nhất 7.000 tấn vật liệu. Sau khi tàu đưa vật liệu từ đất liền ra phải đợi nước rút, bãi san hô hiện ra, toàn đội tập trung xếp đá khối làm nền, sau đó đổ đá, đổ bêtông lên cho chắc chắn. Trong suốt thời gian tạo được nền nhà, anh em phải dốc toàn lực, nếu làm không kịp, con nước lên lại thì xem như công cốc.”
Trung bình ở Trường Sa, các công trình tốn kém gấp 7-8 lần so với đất liền, thời gian thi công cũng lâu hơn 3-4 lần. So sánh đơn giản, một căn nhà cấp 1, ở đất liền chỉ khoảng 2 tháng là xây xong nhưng ở Trường Sa thì trung bình phải mất 7 tháng.
Gắn bó là thế, nhưng mỗi khi công trình hoàn thành, anh em lại lên đường theo nhiệm vụ mới mà chẳng có thời gian “ngắm nghía” lại thành quả của mình.
Thượng úy Nguyễn Trung Phong kể: Cuối tháng 4/2008, anh cùng đồng đội tham gia làm âu tầu Song Tử Tây. Công trình hoàn thành anh lại lên đường. Phải tới gần 2 năm sau, Phong mới vô tình được nhìn thấy toàn cảnh âu tầu qua… ti vi trên sóng Đài truyền hình Việt Nam.
Nói về lực lượng công binh, Đại tá Lê Xuân Thuỷ, Phó Chính ủy Vùng 4 hải quân khẳng định: “Đây là chính là lực lượng nòng cốt của Quân chủng Hải quân trong chiến đấu bảo vệ cửa ngõ biển Đông tổ quốc và đảm nhận nhiệm vụ xây dựng các công trình quốc phòng ở đất liền và trên các tuyến biển đảo. Có họ, chúng ta đã xây dựng được rất nhiều thành Cổ Loa ngay giữa biển Đông.”
Bài 5: Có một Trường Sa xao xác tiếng gà trưa ở ngực đảo