- Tối 30/4, bắn pháo hoa tại Lễ hội Du lịch Cửa Lò
- Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi kỷ niệm 30/4 và 1/5
- Hội cựu chiến binh Việt Nam tại Đức kỷ niệm 30/4
Cuộc sống hòa bình, độc lập tự chủ hôm nay được xây đắp bằng xương máu của biết bao người con Việt Nam yêu nước thương nòi. Chiến tranh có thể hủy diệt nhiều thứ, nhưng không thể phá hoại được tinh thần đoàn kết, yêu thương gắn bó của dân tộc ta.
Chiến tranh, xét cho cùng là vô nghĩa. Người mẹ Việt Nam, người mẹ Mỹ hay người mẹ Pháp, mẹ nào mất con cũng đau. Mẹ Việt Nam còn thêm một lần đau nữa vì có con cầm súng cho bên này, bên kia. Việt Nam ta đã từng trải qua nhiều cuộc bể dâu, song sức mạnh của tình yêu quê hương và lòng tự tôn dân tộc luôn luôn giúp cho chúng ta hành động thuận theo lẽ phải và đại nghĩa. Lẽ phải là đất nước Việt Nam phải do người Việt Nam làm chủ.
Đại nghĩa là Việt Nam ngay khi chiến thắng lập tức chìa bàn tay hòa giải ra để hướng tới hòa bình vĩnh cửu. Còn giữa người Việt Nam với nhau thì không có thắng thua, cùng trong một nhà ai muốn làm cho trái tim mẹ thêm một lần rỉ máu ?!
Xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975. |
Thất bại trong “chiến tranh đặc biệt”, năm 1964 đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc Việt Nam. Ngay lúc đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy xu thế sớm hay muộn gì Mỹ cũng “Việt Nam hóa chiến tranh”, nên trong thư gửi nhà triết học - chiến sĩ hòa bình nổi tiếng người Anh Bớt-tran Rút-xel, Người đã viết: “Chúng tôi luôn luôn thiết tha với hoà bình và chủ trương giải quyết vấn đề Việt Nam bằng phương pháp hoà bình”.
Thực tâm khoan dung, sau khi kí Hiệp định Paris 1973, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chủ trương thành lập Hội đồng hòa giải - hòa hợp dân tộc, nhưng vì nhiều lí do khác nhau và trước những diễn biến mau lẹ của tình hình trong nước cũng như trên thế giới, nên chiến thắng 30/4/1975 đã trở thành tất yếu lịch sử.
Cách đây 6 năm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp một lần nữa trực tiếp khẳng định, tư tưởng chủ đạo của chiến dịch mùa Xuân năm ấy là “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”. Khi bắt được tù binh, chúng ta đã thả hết, không có cuộc trả thù "tắm máu" nào, các đô thị miền Nam hầu như nguyên vẹn, không bị tàn phá.
Hòa giải, hòa hợp là truyền thống của Việt Nam, nên từ đó đến nay, Đảng và Nhà nước ta có nhiều chủ trương, chính sách cởi mở, coi đồng bào ở nước ngoài là bộ phận máu thịt không tách rời của dân tộc. Nhiều người ra đi đã trở về với nhiệt tâm thực sự và có đóng góp đáng kể trong những lĩnh vực khác nhau. Nhưng nhiều người chưa hiểu rõ hoặc còn mặc cảm, và có một số người, không ít, vẫn giữ thái độ hận thù. Song, dù thế nào đi nữa thì sự hòa hợp tốt đẹp đã, đang và sẽ trở về trọn vẹn, bởi người Việt Nam ta sinh ra từ một gốc, đất nước thống nhất và đang phát triển đầy ấn tượng cả về kinh tế - xã hội, văn hóa, chính trị, ngoại giao,... Đó là cơ sở vững chắc cho một niềm tin, tư tưởng thống nhất, một tình cảm thống nhất.
Tiền đề của hòa giải là khoan dung. Tha thứ là phẩm chất của kẻ mạnh. Với Mỹ chúng ta còn sẵn sàng "khép lại quá khứ” thì không có lí do gì mà người Việt Nam ta lại nghi ngờ nhau về tinh thần hòa giải để xây dựng tương lai tươi đẹp cho đất nước. Tuy nhiên, cho dù trái tim mẹ Việt Nam rất bao dung cũng không thể khoan thứ sự dối trá, lọc lừa, cho dù “nước mắt mẹ không còn” cũng phải dằn lòng loại bỏ những phần tử cơ hội, lợi dụng hòa giải để mưu đồ cá nhân, đi ngược lại lợi ích của dân tộc.
Mẹ Việt Nam cũng không muốn nhìn thấy những đứa con cứ mãi lầm đường lạc lối để các thế lực phản động thù địch lợi dụng như lá bài ẩn hiện trong ống tay áo dơ bẩn của chúng. Vẫn biết hơn 20 năm chiến tranh là rất dài với mất mát ở cả hai phía. Trong nhiều gia đình có những vết thương rất sâu nên hàn gắn không dễ dàng. Nhưng đây là hành trình mà mỗi người phải tự vượt qua để chiến thắng bản thân mình. Hành trình ấy có thể 20 năm, 40 năm hay kéo dài hơn nữa, nhưng là con dân nước Việt cần biết chung sức chung lòng, biết đặt quyền lợi của đất nước, của dân tộc lên trên những đau thương, hận thù.
Từ đây người biết yêu người, từ đây người biết thương người”. Hiểu rõ cái giá của độc lập, thống nhất, dân tộc Việt Nam ta càng đoàn kết gắn bó để cùng nhau vượt qua mọi khó khăn thử thách. Từ tháng Tư lịch sử ấy, từ mùa Xuân năm ấy, chúng ta khẳng định được trong thực tiễn một chân lí không thay đổi: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Trái tim Việt Nam chưa khi nào, và mãi mãi về sau này không bao giờ chia cắt./.