(TNO) Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa có tuổi đời hơn 400 năm, là dịp tri ân các dân binh trong đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa.
>> Rước linh vị các hùng binh Hoàng Sa nhập điện đình làng An Vĩnh
|
Sáng nay 28.4, tại đình làng An Vĩnh (huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi), Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa đã được long trọng tổ chức nhằm tri ân các dân binh trong đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa vâng lệnh vua vượt sóng ra dựng bia, cắm mốc khẳng định chủ quyền của quốc gia trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đây là năm đầu tiên Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được nâng tầm tổ chức quy mô cấp tỉnh. Hơn nữa, điều vinh dự và tự hào đối với người dân Lý Sơn, đó là việc các di tích Hoàng Sa được tôn vinh.
Trước khi lễ chính diễn ra, chính quyền và nhân dân huyện đảo đã tổ chức nhận bằng di tích quốc gia cho đình làng An Vĩnh và bằng công nhận Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là di sản phi vật thể cấp quốc gia.
|
Tại buổi lễ, các vị bô lão và hàng ngàn người dân trên đảo thuộc 13 tộc họ đã tổ chức nhiều nghi lễ quan trọng như lễ tế các dân binh Hoàng Sa, lễ thả thuyền và hình nhân thế mạng... nhằm tri ân công lao to lớn của các bậc tiền hiền có công trong việc bảo vệ và xác lập chủ quyền trên biển Đông.
Theo TS Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi, đảo Lý Sơn ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa, là bảo tàng sống động gắn với lịch sử chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
“Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tồn tại hàng trăm năm qua trên đất đảo Lý Sơn và dọc ven biển Quảng Ngãi. Nơi nào có người đi lính Hoàng Sa thì nơi ấy có lễ thức khao lề thế lính. Dần dần lễ thức này trở thành lễ thức chung của nhiều dòng họ”, TS Vũ cho biết.
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của Đội Hoàng Sa mà nòng cốt là người dân đảo Lý Sơn có ý nghĩa thiêng liêng, cao quý, sẵn sàng hy sinh, chấp nhận hiểm nguy, tất cả vì sự trường tồn của đất nước. Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa đã trở thành nghi lễ đặc biệt quan trọng, một lễ thức của nhân dân, vì nhân dân và vì đất nước”.
|
|
|
Hiển Cừ - Văn Mịnh