Một Việt Nam không chỉ là đất đai cha ông để lại, mà còn là một ViệtNam có dấu ấn tín ngưỡng tôn giáo, chứng minh chủ quyền bất khả xâm phạm.
Năm 2008, cô giáo Bùi Thị Nhung xung phong ra Trường Sa dạy học. Từ ngày tháng đó, Trường Sa có trường học ê a tiếng trẻ thơ. Trên đảo Song Tử Tây, thầy giáo trẻ Trương Sứ Long dấn thân vào sự nghiệp giáo dục bằng con đường tiến ra biển Đông. Cái chữ trên đảo không chỉ là chữ, đó là sự tồn tại của con người Việt Nam trên đất Việt Nam, cho dù đất ấy xa ngàn dặm trên biển cả.
Đọc tin trên báo, biết được bà con gửi mai vàng ra Trường Sa. Trên đảo, bên cạnh cây phong ba vững vàng trong bão táp, còn có cây mai vàng đậm đà nét quê hương. Dưới những cành mai, bộ đội và người dân Trường Sa gói bánh tét, bánh chưng, quây quần bên bếp lửa hồng. Cành mai và nồi bánh chưng trên đảo không chỉ là cái bánh, cành hoa mà là sự hiện diện của hồn vía dân tộc.
Nhớ, 15 năm trước, được Tổng biên tập báo Lao Động Phạm Huy Hoàn cử đi công tác quần đảo Trường Sa. Tàu hải quân HQ 996 đưa đoàn vượt sóng đến đảo Đá Lát, điểm đến đầu tiên của quần đảo. Các anh bộ đội còn rất trẻ, lao qua những rạn san hô của đảo chìm, đến những chiếc xuồng đón từng người khách. Cảnh đẹp như tranh vẽ. Ca sĩ của đoàn Văn công Tổng cục chính trị vừa hát vừa khóc. Cả đoàn không ai cầm được nước mắt. Đó là một kỷ niệm đẹp trong đời làm báo, không phải ai cũng có may mắn rơi nước mắt với Trường Sa, trong một khoảnh khắc xúc động đến tận cùng gan ruột.
Nhớ, trên đảo Phan Vinh, các anh bộ đội chơi đàn guitar chỉ còn hai dây. Hỏi ra mới biết, bao năm rồi không có ai mua dây đàn cho. Thế mà vẫn hát, vẫn sáng tác những khúc tình ca về biển. Thế mới hay, sức sống của dân tộc Việt Nam vô cùng mạnh mẽ, không phong ba nào có thể quật ngã được.
Nhớ, trên đảo An Bang, ngọn hải đăng vừa mới được xây xong, với đội quân giữ đèn cô độc giữa trùng dương. Đến gặp các anh mà thương mến, mà thán phục. Sức mạnh nào có thể giữ chân những chàng trai này trên ngọn đèn xa xôi như vậy? Chỉ có lòng yêu nước. Bởi vì chính các anh trả lời phỏng vấn, rằng giữ ngọn hải đăng trên quần đảo Trường Sa là giữ cột mốc chủ quyền quốc gia trên biển Đông.
Ngày Tết cổ truyền, bất cứ ai trong 90 triệu con dân nước Việt, được đón xuân ấm áp cùng gia đình, xin đừng quên có những người hy sinh thầm lặng ngoài đảo xa, nhận trọng trách bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, bảo vệ sự bình yên cho đất liền.
Và đừng quên, còn có máu thịt Hoàng Sa chưa thu về cùng người anh em Trường Sa.
Lê Chân Nhân
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!