|
Mộc bản triều Nguyễn |
Tên gọi Việt Nam có trước thời Nguyễn
Về Quốc hiệu Việt Nam, đã có nhiều bài viết và bài nghiên cứu nói về vấn đề này. Hai tiếng Việt Nam xuất hiện từ khá sớm trong lịch sử nước ta. Ngay từ thế kỷ XIV đã có bộ sách nhan đề "Việt Nam thế chí” do Trạng nguyên Hồ Tông Thốc biên soạn. Cuốn "Dư địa chí” của Nguyễn Trãi đầu thế kỷ XV cũng nhiều lần nhắc đến hai chữ Việt Nam. Điều này còn được đề cập rõ ràng trong những tác phẩm của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585), chẳng hạn ngay trang mở đầu tập "Trình tiên sinh quốc ngữ” đã có câu: "Việt Nam khởi tổ xây nền”. Trong tác phẩm "Vân đài loại ngữ” của Lê Quý Đôn cũng từng nhắc đến hai chữ Việt Nam. Người ta cũng tìm thấy hai chữ Việt Nam trên một số tấm bia khắc từ thế kỷ XVI – XVII như bia chùa Bảo Lâm (1558) ở Hải Phòng, bia chùa Cam Lộ (1590) ở Hà Tây, bia chùa Phúc Thành (1664) ở Bắc Ninh… Đặc biệt bia Thủy Môn Đình (1670) ở biên giới Lạng Sơn có câu đầu: "Việt Nam hầu thiệt, trấn Bắc ải quan” (Đây là cửa ngõ yết hầu của nước Việt Nam và là tiền đồn trấn giữ phương Bắc). Về ý nghĩa, phần lớn các giả thuyết đều cho rằng từ "Việt Nam” được kiến tạo bởi hai yếu tố: chủng tộc và địa lý (người Việt ở phương Nam).
Vua Gia Long đặt Quốc hiệu Việt Nam
Mộc bản triều Nguyễn là những bản gỗ khắc chữ Hán Nôm ngược dùng để in ra các sách được sử dụng phổ biến dưới triều Nguyễn. Mộc bản triều Nguyễn là loại hình tài liệu đặc biệt quý hiếm của Việt Nam và thế giới. Hiện nay chỉ còn số ít nước còn lưu giữ được loại hình tài liệu này như: Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Tài liệu Mộc bản triều Nguyễn có niên đại hơn 200 năm, có tính chân thật lịch sử. Hiện tại, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV tại Đà Lạt (Lâm Đồng) đang lưu giữ 34.618 tấm, trong đó có một số bộ sách rất có giá trị mà các nhà nghiên cứu về lịch sử, pháp luật, địa lý Việt Nam không thể bỏ qua như: "Đại Nam thực lục” (biên soạn trong 88 năm, từ 1821 đến 1909), "Hoàng Việt luật lệ” (luật Gia Long), "Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ”, "Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, "Đại Nam nhất thống chí”… Mộc bản triều Nguyễn phản ánh nhiều vấn đề và sự kiện xã hội Việt Nam dưới triều Nguyễn, trong đó có sự kiện vua Gia Long đặt Quốc hiệu Việt Nam.
Tên gọi Việt Nam chính thức trở thành quốc hiệu của nước ta vào năm 1804. Nó được xác lập bởi một văn bản pháp lý quan trọng là Chiếu của vua Gia Long năm thứ 3 (tức năm 1804) cách đây hơn 200 năm và được thông báo cho các nước biết. Nguyên bản gồm hai trang chữ Hán (trang 12, 13) quyển 23 nằm trong bộ sách "Đại Nam thực lục Chính biên đệ nhất kỷ” (ghi chép lịch sử thời vua Gia Long). Sự kiện vị vua đầu tiên của vương triều Nguyễn đặt tên gọi đất nước là Việt Nam được Mộc bản triều Nguyễn phản ánh như sau:
"Đế vương dựng nước, trước phải trọng Quốc hiệu để tỏ thống nhất. Xét từ các đấng tiên thánh vương ta xây nền dấy nghiệp, mở đất Viêm bang, gồm cả đất đai từ Việt Thường về Nam, nhân đó lấy chữ Việt mà đặt tên nước. ...định lấy ngày 17 tháng 2 năm nay, kính cáo Thái miếu, cải chính Quốc hiệu là Việt Nam, để dựng nền lớn, truyền lâu xa. Phàm công việc nước ta việc gì quan hệ đến Quốc hiệu và thư từ báo cáo với nước ngoài, đều lấy Việt Nam làm tên nước, không được quen xưng hiệu cũ là An Nam nữa”. Lại hạ chiếu báo cáo với nước Xiêm La, Lữ Tống và các thuộc quốc Chân Lạp, Vạn Tượng khiến đều biết cả.
Sau khi lên nối ngôi vua Gia Long, vua Minh Mạng cho đổi Quốc hiệu là Đại Nam (1838), thực tế quốc hiệu Đại Nam tồn tại 143 năm (1838 - 1945). Từ đó tên gọi Việt Nam không còn thông dụng như trước nữa. Tuy nhiên, từ cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, hai tiếng Việt Nam được sử dụng trở lại bởi các nhà sử học và chí sĩ yêu nước, trong các tác phẩm và tên tổ chức chính trị: Phan Bội Châu viết "Việt Nam vong quốc sử” (1905) rồi cùng Cường Để thành lập "Việt Nam Công hiến hội” (1908), "Việt Nam Quang phục hội” (1912); Phan Chu Trinh viết "Pháp - Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam”; Trần Trọng Kim viết "Việt Nam sử lược”; Nguyễn Ái Quốc thành lập "Việt Nam cách mạng thanh niên” (1925) và "Việt Nam độc lập đồng minh hội”. Năm 1946, Hiến pháp đầu tiên của nước VNDCCH chính thức thể chế hóa quốc hiệu này. Từ đấy, Quốc hiệu Việt Nam được sử dụng phổ biến, với đầy đủ ý nghĩa thiêng liêng, toàn diện nhất.
Theo Đại Đoàn Kết
|