QĐND Online - Bên lề đàm phán ở Hội nghị Pa-ri 40 năm trước có những câu chuyện, tình tiết ít người được biết. Xin chia sẻ những mẩu chuyện thú vị do ông Lưu Văn Lợi, nguyên Thư ký của Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ tại Hội nghị Pa-ri kể lại.
Nhiệt tình biếu… gà
Các nhà ngoại giao của ta tham gia đàm phán ở Pa-ri đã nhận được những sự quan tâm giản dị nhưng rất chân thành, tình cảm của bà con Việt kiều. Có cặp vợ chồng, vợ người Việt, chồng là người Pháp trước đó từng đi lính sang Việt Nam. Cả hai vợ chồng đều rất yêu Việt Nam, nhớ Việt Nam lắm nhưng không có điều kiện để về nước. Biết có đoàn đàm phán Việt Nam đang ở Pa-ri, vậy là hằng tuần, khá đều đặn, ông chồng tự lái xe chở 50 con gà tới biếu đoàn đàm phán VNDCCH đang ở trường Đảng Maurice Thorez ở Choisy Le Roi. Ông tới nhiều lần đến mức ông bảo vệ người Pháp đã quen mặt và những lần sau thấy xe chở gà của ông tới là ra mở cổng ngay, không cần phải xin phép. Vợ chồng họ làm việc này trong hai năm liền, tới mức đoàn miền Bắc mặc dù rất cảm động nhưng cũng thấy ái ngại và phải nói cám ơn, nếu không họ còn tiếp tục biếu gà.
“Tôi không cười thì khóc à”
Báo chí ở Pa-ri hồi ấy săm soi nhất cử nhất động của hai đoàn ta và Mỹ rất ghê, nhất là trong những cuộc đàm phán riêng giữa Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Kít-xinh-giơ. Họp trong phòng mà có phóng viên còn thuê nhà bên cạnh, dỡ cả mái ngói để trèo lên rồi chĩa máy ảnh sang. Hai ông cố vấn họp xong đi ra ngoài cửa, có bắt tay không, có cười không, mặt lạnh hay cười…đều bị chụp lại rồi đưa lên báo. Có lần họp căng thẳng, quyết liệt, kết quả chưa ngã ngũ mà chẳng hiểu sao báo chí lại đồng loạt đăng tin nghe chừng đàm phán có tiến triển. Thì ra họ chụp được cảnh đồng chí Lê Đức Thọ đang cười, dẫu chưa biết ông cười vì cái gì, họp có kết qủa không nhưng đã vội tung tin lên báo theo chiều hướng tích cực. Ở Hà Nội theo dõi tin tức thấy vậy gọi sang hỏi tình hình thế nào, sao đồng chí Thọ lại cười! Lúc ấy, đồng chí Lê Đức Thọ mới lộ ra rằng: “Tôi không cười thì khóc à, vì Kít-xinh-giơ bắt tay tôi chặt quá!”.
Cánh nhà báo “bé cái nhầm”
Ở Pa-ri, đoàn ta nhận được sự giúp đỡ tận tình của các đồng chí thuộc Đảng Cộng sản Pháp. Vào kỳ nghỉ hằng năm, một số đồng chí tình nguyện tham gia phục vụ hậu cần các đoàn đàm phán của ta. Một số người còn mang theo cả ô tô riêng tới phục vụ việc đi lại của đoàn. Có lần họp quan trọng với đoàn Mỹ ở địa điểm do ta chọn, vì không muốn bị cánh báo chí làm phiền, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Trưởng đoàn Xuân Thủy đã lên xe của một đồng chí Pháp đi theo lối cổng sau, chạy thẳng tới chỗ họp. Trong khi đó, một xe khác đi lối cổng chính đằng trước hòng đánh lạc hướng cánh báo chí đang tập trung chờ bám theo. Là xe xịn nên khi kéo kính lên và đóng cửa xe thì khó nhìn được bên trong. Ngoài cổng chính vẫn có mấy ông bảo vệ mở cửa, bảo vệ đứng gác bồng súng chào như bình thường. Thế nên các nhà báo đã bị nhầm là xe chở đồng chí Lê Đức Thọ và đồng chí Xuân Thủy nên vội vã phóng mô tô đuổi theo. Nhưng đi một lúc, ngó nghiêng mãi thì các tay săn tin, săn ảnh phát hiện không phải hai ông trên xe nên vội vàng quay lại. Lúc đó, thì xe hai chở hai đồng chí đã đi lâu rồi nên địa điểm lần họp đó được giữ kín.
Tình báo tồi
Trên bàn đàm phán ở Hội nghị Pa-ri về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam, có giai đoạn Mỹ đòi ta không được đưa thêm quân miền Bắc vào miền Nam. Mỹ còn đưa ra các bằng chứng để cáo buộc ta về việc này. Có lần họp, đoàn Mỹ đưa bằng chứng là mấy bức ảnh màu chụp từ vệ tinh, trong đó chụp bộ đội của ta đang ở trong rừng mà Mỹ cho là đang trên đường hành quân vào Nam. Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ rất nhanh, phản ứng trước tiên bằng tiếng cười to, chắc khỏe, có ý “khinh khi” sự bịa đặt của Mỹ. Rồi đồng chí nói, tình báo của các ông tồi lắm. Lúc chúng tôi không đưa quân nữa thì các ông lại chụp ảnh này. Tôi nói với các ông chứ rừng Việt Nam chỗ nào chả giống chỗ nào. Các ông ra Bắc chụp quân mà đội mũ cối, sao vàng, đeo lon thế này là bình thường. Nhưng lúc chúng tôi đưa đại pháo và cả xe tăng vào Sài Gòn thì tình báo các ông lại chẳng biết tí gì cả. Cho nên các ông thua là phải. Tấm ảnh Mỹ đưa ra không hề chính xác, vì khi dàn trận, quân ta không đeo lon, đeo sao như thế. Sau đó, ta họp báo cũng nêu tình tiết này nhằm cho thế giới biết âm mưu và thủ đoạn của Mỹ.
Ông “nghễnh ngãng” ở Hội nghị Pa-ri
Trưởng đoàn Xuân Thủy nổi tiếng là người hay lái vào các vấn đề đàm phán khi gặp đoàn Mỹ một cách khéo léo. Suốt thời gian diễn ra hội nghị hai bên giữa đoàn VNDCCH và đoàn Mỹ (từ tháng 5 đến tháng 11-1968), ta chỉ nhắc đi nhắc lại yêu cầu Mỹ phải chấm dứt ném bom miền Bắc trước khi bàn sang các vấn đề khác. Trong khi Mỹ muốn bàn đồng thời hai vấn đề quân sự và chính trị trên nguyên tắc “có đi có lại”. Suốt mấy tháng trời, trong các cuộc họp, ta chỉ nêu độc vấn đề như trên, còn Mỹ nhất định không chịu. Thế nên báo chí gọi đây là “cuộc nói chuyện giữa những người điếc”. Song rốt cuộc, do các diễn biến thay đổi trên chiến trường và sức ép mạnh mẽ của dư luận, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn đã phải tuyên bố chấm dứt ném bom hoàn toàn và vô điều kiện miền Bắc Việt Nam. Sau đó, trong một buổi nói chuyện khi kết thúc hội nghị hai bên giữa trưởng đoàn Xuân Thủy và trưởng đoàn Mỹ Ha-ri-man, ông Ha-ri-man tâm sự với ông Xuân Thủy rằng: “Tôi già trên 80 tuổi rồi, nên tai hơi khó nghe”. Đồng chí Xuân Thủy bèn nói ngay: “Bây giờ tôi mới biết ông nghễnh ngãng. Thảo nào chỉ có một câu là “Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc” thôi mà tôi nói suốt gần 6 tháng ông mới nghe ra”.
MỸ HẠNH-ANH THƯ
|