(Baonghean) - Giữa sóng nước mênh mông với bao khó khăn, thiếu thốn, nhưng các anh vẫn vượt lên tất cả để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao - đó là sự cống hiến, hy sinh thầm lặng của người lính nơi đầu sóng, ngọn gió để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ vùng thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
-->> Xem Bài 2: Chúc Tết qua lời thơ, câu hát
Vượt lên khó khăn, thiếu thốn
Khó khăn lắm chúng tôi mới có cơ hội để được lên một Nhà Giàn. Đó là Nhà Giàn DK1/9. Sóng biển một ngày bớt dữ dằn. Thượng tá Lê Đình Việt, Phó đoàn nói: Hôm nay, sẽ đưa anh chị em phóng viên lên Nhà Giàn để chúc Tết cán bộ, chiến sỹ trên đó. Các anh chị sẽ tận mắt chứng kiến đời sống khó khăn, thiếu thốn của những người lính Nhà Giàn”. Sau khi bọc đồ nghề tác nghiệp cẩn thận trong túi nilon, chúng tôi được đưa xuống xuồng tiến về phía Nhà Giàn. Hồi hộp, háo hức; thế là ước mong được một lần lên Nhà Giàn cũng đã thành hiện thực!
Gần đến Nhà Giàn, đón chúng tôi là những cánh tay vẫy chào thiết tha của cán bộ, chiến sỹ. Nhìn từ dưới lên, Nhà Giàn đồ sộ, vững chãi với 4 cọc thép được đóng sâu dưới lớp san hô. Khoảng cách từ mặt biển lên đến nơi các anh sinh sống, làm nhiệm vụ khoảng gần 30m. Từng người một được kéo lên thông qua chiếc dây thừng thiết kế như một cái ròng rọc. Những cái bắt tay chặt, những cái ôm ấm áp như những người thân lâu ngày mới gặp lại. Nước da ai cũng đen sạm bởi nắng, gió. Nhưng nụ cười thì lại tươi rói đến kỳ lạ. Giữa sự dữ dằn của biển, các anh có sự điềm tĩnh, dí dỏm yêu đời. Khi chưa ai nói với nhau câu nào, tất cả những thông tin đều được biểu lộ qua ánh mắt và nụ cười. Nhưng tuyệt nhiên không ai cảm thấy có một khoảng cách nào...
Để lên được nhà giàn phải dùng dây thừng kéo lên.
Trung úy Nguyễn Ngọc Bằng, Chỉ huy trưởng Nhà Giàn giới thiệu các thành viên của “ngôi nhà” DK1/9 với phóng viên. Tuy Nhà Giàn rất ít người nhưng đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi miền quê. Xa nhất là Thanh Hóa rồi đến Nghệ An, Hà Tĩnh, Bến Tre… Nhưng dù ở miền quê nào, tất cả đều có một quê chung, đó là biển cả. Toàn bộ gian nhà rộng khoảng 100m2, có hình lục giác. Xung quanh vừa là phòng làm việc, vừa là giường ngủ. Ở giữa có chiếc bàn rộng, là nơi để anh em giao ban, ngồi nói chuyện khi hết giờ trực. Tuy không gian nhỏ nhưng được bố trí rất ngăn nắp, gọn gàng.
Thời tiết ở đây chia làm hai mùa rõ rệt. Mùa biển lặng từ tháng 4 đến tháng 10, mùa bão tố từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Mỗi năm có từ 15-20 cơn bão, áp thấp nhiệt đới “ghé qua”. Do khí hậu khắc nghiệt và sống giữa biển khơi nên rau xanh và nước ngọt cực kỳ thiếu thốn. Để trồng rau xanh, các chiến sĩ đã đem đất, hạt giống, phân bón từ đất liền ra. Những ngày đầu do chưa có kinh nghiệm nên mầm không mọc được. Anh Đào Đình Phú cho biết: Rút kinh nghiệm, chúng tôi đã ươm hạt giống trong máng gỗ. Do 4 bên là sóng nước, gió rát quanh năm, để rau không bị dập nát vì gió bão, chúng tôi đã dùng bao tải cũ vá lại thành tấm bạt lớn, quây những bồn rau lại một góc nhà. Rau xanh tự túc này được các chiến sỹ ăn rất tiết kiệm, chủ yếu thái nhỏ, nấu canh ăn buổi trưa.
Rau xanh trên các Nhà Giàn DK.
Nước ngọt đối với lính Nhà Giàn quả là “quý hơn vàng”, chủ yếu là đưa từ đất liền và số ít là nước mưa hứng được. Để có nước dùng đủ cho cả năm, mỗi Nhà Giàn phải lên kế hoạch dùng nước tiết kiệm. Mùa mưa hai ngày tắm 1 lần, mùa khô tuần tắm 2 lần. Lính Nhà Giàn sẽ ngồi trong một cái thau lớn, mỗi lần tắm xong sẽ dùng nước đó để giặt quần áo và có thể tận dụng để tưới rau. Không chỉ thế, lính Nhà Giàn còn bao thứ “khát” như khát văn công, hơi ấm của đất liền.
Còn người, còn Nhà Giàn
Giữa biển cả của Tổ quốc, nếu được hỏi, ai là người yêu đời nhất thì có thể trả lời, đó là lính Nhà Giàn DK1. Gặp các anh, điều dễ nhận thấy nhất là trên môi luôn luôn nở nụ cười. Nụ cười làm bình thường đi bao nhiêu gian khổ, thiếu thốn giữa cuộc sống đời thường. Nó cũng làm gần lại những khuôn mặt mới lần đầu gặp gỡ, tạo niềm tin cho chúng tôi về hình ảnh người lính giữa muôn trùng sóng gió nhưng vẫn vững chắc tay súng để canh trời, giữ biển.
Những năm qua, được Đảng, Nhà nước, các tổ chức, cá nhân quan tâm nên hệ thống Nhà Giàn DK1 đã được đầu tư, nâng cấp đầy đủ hơn. Hiện 100% Nhà Giàn được lắp đặt pin mặt trời, hệ thống điện gió nên có đủ điện để thắp sáng, nấu cơm và dùng một số vật dụng khác. Sóng Viettel đã được phủ đầy đủ 15 Nhà Giàn, nên ngoài thời gian làm nhiệm vụ, các chiến sỹ có thể gọi điện về hỏi thăm tình hình gia đình, người thân trong đất liền. Trung úy Huỳnh Chí Cường Chính trị viên Nhà Giàn DK1/9, cho biết: Bây giờ, mỗi khi nhớ nhà thì chỉ cần gọi một cuộc điện thoại là đất liền như đã ở ngay bên cạnh. Hơn nữa, mạng Internet cũng đã được lắp đặt nên anh em Nhà Giàn có thể lên mạng đọc báo, giao lưu với người thân. Vì thế, các chiến sỹ an tâm hơn vào nhiệm vụ được giao.
Đây là năm thứ 23 anh Đoàn Đình Phú, nhân viên cơ yếu bám Nhà Giàn DK1. Quê anh Phú ở xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương (Nghệ An). Dù đã nhiều năm bám biển, ăn tết trên Nhà Giàn, nhưng chưa một lần anh Phú cảm thấy cô đơn, bởi bên anh luôn có sự chia sẻ kịp thời của đồng đội và anh cũng biết rằng, hậu phương luôn dõi theo và đứng sau lưng các anh. Hỏi về những khó khăn, anh Phú cho biết: Anh em ở đây đã xác định rồi nên những khó khăn chỉ là thử thách để bản thân mình vượt qua. Lính biển dù còn có nhiều khó khăn, thiếu thốn hơn so với những người lính khác, nhưng sự trung thành vì Tổ quốc, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi hoàn cảnh thì đều như nhau. Cán bộ, chiến sỹ trên Nhà Giàn đều có chung một tâm nguyện gửi gắm: Đảng, Nhà nước và nhân dân hãy yên tâm và tin tưởng vào những người lính biển, dù có hy sinh bản thân mình, chúng tôi quyết tâm bảo vệ và giữ vững toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Dù chỉ còn gần 1 tháng nữa mới đến Tết, nhưng không khí trên Nhà Giàn DK1/9 đã rộn ràng. Quà Tết theo chế độ và quà gửi của đất liền đã được chuyển lên đầy đủ. Đang chăm sóc cây mai vàng, chiến sỹ Ngô Thành Luận, chiến sỹ pháo thủ chia sẻ: Cây mai đã nở hoa chứng tỏ mùa xuân đã về rồi. Em đang rất háo hức được đón Tết trên Nhà Giàn xem khác với trên đất liền như thế nào. Quê Luận ở Bến Tre và vừa lên nhà giàn nhận nhiệm vụ được 3 tháng nay. “Ban đầu mới lên đây em thấy nhớ nhà kinh khủng. Nhưng được hơn 1 tháng thành quen, hơn nữa bên cạnh luôn có thủ trưởng, các anh động viên, chia sẻ nên thấy đây như chính là ngôi nhà thứ 2 của mình. Em sẽ cố gắng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao” – Luận nói.
Chúng tôi chưa có dịp gặp được tất cả các cán bộ, chiến sỹ đang sống và làm nhiệm vụ trên cả 15 Nhà Giàn DK1, nhưng tin rằng, ở các anh đang hội tụ đầy đủ những phẩm chất, đức tính của người lính Cụ Hồ. Khó khăn, gian nan luôn tồn tại nhưng chính trong những hoàn cảnh cam go như thế, các anh đã cùng quyết tâm vượt lên để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, giữ vững chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
(Còn nữa)
Phạm Bằng (Email từ DK1)
|