(Baonghean) - Những ngày đầu tiên, tàu HQ 624 đã đưa chúng tôi đến với 2 Nhà Giàn DK1/16 và DK1/17. Do sóng quá lớn không thể lên được Nhà Giàn nên đoàn phải gửi quà và chúc Tết từ xa. Dù không nhìn thấy khuôn mặt các chiến sỹ nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được niềm vui sướng, hạnh phúc của các anh…
-->> Xem Bài 1: Kiên trung Nhà Giàn DK1
Sau gần 1 ngày lênh đênh trên biển, Nhà Giàn DK1/16, nhà giàn đầu tiên trong chuyến hành trình cũng đã hiện ra trước mắt. Nhìn từ xa, Nhà Giàn như một khối lồng sắt nằm trơ trọi giữa mênh mông bốn bề sóng nước. Cả đoàn ùa ra lan can tàu, hướng mắt về phía Nhà Giàn. Thuyền trưởng Trần Quang Đông cho tàu thả neo cách Nhà Giàn chừng 70m. Cánh phóng viên đứng thấp thỏm ngóng chờ được lên Nhà Giàn. Đoàn trưởng Tô Văn Thư e dè nhìn sóng biển rồi quay lại nói: “Sóng lớn thế này các anh chị không thể lên được đâu. Anh em chiến sỹ được huấn luyện rồi nên mới chịu đựng được”.
Chuyển quà Tết xuống xuồng.
Rồi hàng hóa bắt đầu được chuyển xuống xuồng. Mỗi gói quà đều được bọc trong các túi nilon để tránh nước làm hư hỏng. Những con sóng bạc đầu ùa về khiến chiếc xuồng lắc lư, chao đảo. Có lúc, sóng đánh chiếc thuyền chìm trong nước, rồi hồi lâu mới thấy trồi lên. Đứng trên tàu, các thành viên trong đoàn nhìn ái ngại và thấy cảm phục tinh thần và sự vất vả của các anh. Rồi hàng cũng đầy xuồng, nhằm hướng Nhà Giàn rẽ sóng lướt tới. Càng đi xa, con xuồng tựa như chiếc lá, có lúc mất hút dưới những con sóng cao, rồi lại hiện lên đầy mạnh mẽ. Quãng đường chỉ chừng khoảng 70m nhưng phải mất hơn 15 phút chiếc xuồng mới tiếp cận được Nhà Giàn.
Phía trên Nhà Giàn, một chiếc dây thừng đã được thả xuống. Việc khó nhất lúc này là làm sao để chiếc xuồng nằm cố định để có thể vận chuyển hàng hóa lên. Một chiến sỹ có nhiệm vụ phải tròng được chiếc dây thừng qua thanh sắt phía chân Nhà Giàn. Công việc này ở trên bờ tưởng chừng đơn giản, nhưng lúc ở dưới biển mới thấy gian nan. Nếu làm không khéo thì có thể bị tai nạn như chơi. Khi chiếc xuống đã có điểm cố định thì hàng hóa được móc và kéo lên trên. Rồi cứ thế, cho đến lúc Nhà Giàn nhận hết quà xong thì chiếc xuồng quay trở về và hoàn thành nhiệm vụ tặng quà Tết qua dây cho Nhà Giàn.
Đến ngày thứ 2, đoàn bắt đầu chuyển hàng lên cho Nhà Giàn DK1/17. Cũng do sóng quá lớn nên không thể lên được nhà giàn, đoàn phải chúc Tết đến cán bộ, chiến sỹ đang ở trên nhà giàn “qua loa”. Thượng tá Lê Đình Việt, Phó Chủ nhiệm chính trị Vùng B giải thích: Chúc Tết qua loa có nghĩa là thông qua bộ đàm, đoàn sẽ gửi những lời chúc Tết đến cán bộ, chiến sỹ đang có mặt trên Nhà Giàn. Rồi Nhà Giàn sẽ có lời cảm ơn và chúc Tết lại đoàn. Tưởng chừng công việc này cũng chỉ trôi qua nhanh gọn nhưng có chứng kiến mới thấy được không khí xúc động từ những tình cảm chân thành của các thành viên trong đoàn và Nhà Giàn như thế nào.
Đầu tiên, Đại tá Tô Văn Thư sẽ thay mặt cả đoàn đọc thư chúc Tết của Bộ Tư lệnh Vùng B gửi tới cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ trên các Nhà Giàn. “Nhân dịp đầu xuân năm mới Qúy Tỵ, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân thân ái gửi tới các sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng, binh sỹ lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng năm mới an khang, thịnh vượng…”.
Lính Nhà Giàn ngoài sự khó khăn thiếu thốn về rau xanh, nước ngọt thì một cái thiếu nữa là hơi ấm của người phụ nữ. Biết được tâm tư, tình cảm của anh em nên Thượng tá Việt đã mời các phóng viên nữ lên nói chuyện với anh em. Chị Thanh Thủy, Báo Hà Nội mới, thay mặt các phóng viên gửi lời chúc tết đến các cán bộ, chiến sỹ trên Nhà Giàn DK1/17. Tay run run cầm máy bộ đàm, chị Thủy nói nhỏ nhẹ: “Thay mặt những người dân Thủ đô, em xin chúc các anh ăn tết vui vẻ và vững chắc tay súng để giữ vững vùng thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc”. Rồi phóng viên Thu Thủy cất lên bài hát “Im lặng đêm Hà Nội”. Toàn bộ đoàn bỗng lặng thinh, những giọt nước mắt lăn dài trên khóe mắt của chị. Bài hát như sợi dây tình cảm nối dài giữa đoàn với Nhà Giàn. Dù không được nhìn thấy khuôn mặt của các anh, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy được niềm vui sướng, hạnh phúc của các anh. Bởi đó là tiếng nói của quê hương, hậu phương, nơi các anh luôn hướng về mỗi khi thấy cô đơn.
Tiếp đến, phóng viên Thu Phương, Báo Tuổi trẻ Thủ đô cũng xin đọc bài thơ “Biển và Anh” để tặng những người lính biển với biết bao yêu thương, nhớ nhung: “…Em đi rồi mang thương nhớ ngọt lành/ Với cả nỗi khát khao vào đời xa tít/ Kỷ niệm bên anh sẽ là lửa thắp/Thổi bùng lên nung nấu trong em/ Em đi rồi nhớ lắm những ngày qua/ Nhớ biển, nhớ anh với ngàn nỗi nhớ/ Câu thơ em viết vẫn còn dang dở/ Gửi lại cho anh nỗi nhớ vơi đầy…”. Đây là những vần thơ viết vội nhưng chất chứa bao tình cảm sâu nặng của cô phóng viên với anh lính biển, là tình cảm thiêng liêng, bền chặt của hậu phương gửi đến tiền tuyến.
Đáp lại tình cảm của đoàn, anh Trương Quyết Thắng, chính trị viên Nhà Giàn DK1/17 thay mặt toàn thể cán bộ, chiến sỹ trên nhà giàn gửi lời cảm ơn tới đoàn đã vượt sóng gió mang hơi ấm của đất liền đến với Nhà Giàn. Rồi anh Thắng xin hứa sẽ “đón xuân vui vẻ với phương châm vui xuân mới không quên nhiệm vụ”.
Rời DK1/17 để tiếp tục hành trình đến với các Nhà Giàn khác, bên tai chúng tôi vẫn văng vẳng lời bài hát “Mùa xuân DK” mà các cán bộ, chiến sỹ hát tặng cho đoàn: “Sóng gió, mặc sóng gió, lính nhà giàn nhà tôi ở đó. Canh trông mà trông canh, lính nhà giàn chẳng sợ bão giông”.
Phạm bằng - (Email từ DK1)
|