(Baonghean) Khi chim én báo tin mùa Xuân về, thời điểm mà mọi người Việt nghĩ đến chuyện sum vầy, họp mặt đoàn tụ sau một năm vất vả mưu sinh, lao động thì những chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa vẫn chắc tay súng, bám trụ địa bàn. Nơi tiền tiêu, giữa muôn trùng sóng nước, họ thầm lặng cống hiến tuổi thanh xuân và vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng: Bảo vệ chủ quyền vùng biển, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc.
-->> Xem Bài 1: Chuyến tàu nặng nghĩa, nặng tình
Rời Vịnh Cam Ranh vào buổi chiều trời xanh ngăn ngắt, tàu HQ 996 như chàng trai trẻ, dũng mãnh rẽ sóng đại dương đưa chúng tôi tới thăm các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi đảo xa đúng dịp Xuân về. Bờ bãi khuất dần, nhìn những đoàn tàu cá của ngư dân đang vươn khơi, bất chợt lại mường tượng hình bóng con thuyền xa xưa đưa những người như ông Đỗ Bá Công Đạo (quê Thanh Chương, Nghệ An) vẽ nên bản đồ chủ quyền quần đảo Trường Sa – Hoàng Sa của Việt Nam vào thế kỷ XVII hay đoàn thuyền của những hùng binh Hải đội Hoàng Sa năm xưa…
Huyện đảo Trường Sa nằm trên vùng biển sóng to, gió lớn và độ mặn cao. Quần thể đảo tạo hình vòng cung tựa như bức tường thành trên biển Đông Tổ quốc. Chuyện xưa kể rằng, nơi đây đàn rồng đã giúp dân đánh giặc bằng cách phun châu, nhả ngọc hóa thành đảo ngăn thuyền của kẻ thù. Và chính nơi đây rồng mẹ và đàn rồng con đã hóa thành đá làm hãm đi phần nào giông tố cuồng nộ của đại dương trước khi đổ vào đất liền… Mùa này, vùng biển Trường Sa thường có những cơn mưa giông bất chợt. Mưa nơi đây không rì rào, ào ạt mà có gì đó rất lạ, giăng mắc như rây bột. Mặt biển bốc lên làn hơi nước mờ mờ tạo nên tấm thảm trắng nhấp nhô. Và sau cơn mưa, vùng biển lại xanh trong. Gần đến các đảo, gặp nhiều thuyền đánh cá mang biển hiệu các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Trên các thuyền lấp lánh ánh lửa thổi cơm của ngư dân, gợi nên không khí ấm áp và gần gũi.
Xuồng đưa quà Tết vào đảo chìm Đá Nam. Ảnh: Minh Thông
Sau 2 ngày trên biển, vượt hơn 300 hải lý, chúng tôi đã đặt chân đến hòn đảo đầu tiên là đảo chìm Đá Nam - đảo nằm ở Vĩ độ 11 độ 30’00” Kinh độ 114 độ 21’00”. Đảo nằm chính giữa bãi san hô hình bầu dục có diện tích chừng 2 km2. Nhìn từ xa, đảo Đá Nam như một pháo đài nhỏ gồm một tòa nhà 3 tầng. Hệ thống hạ tầng, thông tin, điện đã được trang bị đầy đủ để phục vụ cho cuộc sống của cán bộ và chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ trên đảo. Để chuyển người và quà Tết vào được đảo Đá Nam, từ tàu HQ996 phải hạ xuồng, dùng ca nô kéo vào và cũng phải vào lúc giữa trưa khi trời yên bể lặng nhất… Theo các chiến sỹ thay quân đợt này, chúng tôi vượt qua những con sóng lừng nằm giữa lằn ranh bãi san hô và biển sâu. San hô đủ sắc màu xanh, đỏ, tím, vàng khiến vùng nước xung quanh Đá Nam lấp lánh, lung linh.
Bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Ảnh: Minh Thông
Ấn tượng đầu tiên khi tới đảo Đá Nam là lá cờ Tổ quốc kiêu hãnh tung bay trên tầng cao nhất của đảo, giữa biển Đông lộng gió. Chính lá cờ ấy cùng với cột mốc khẳng định tấc đất thiêng liêng, biên giới lãnh thổ trên biển đảo, chủ quyền của đất nước Việt Nam bất khả xâm phạm... Nói về lá cờ Tổ quốc, Đại tá Nguyễn Bá Ngọc - Phó Tư lệnh Hải quân Vùng 4 tâm tình: Trước đây, để giữ vững chủ quyền lãnh hải Tổ quốc, người lính Trường Sa quấn lá cờ trước ngực, lấy thân mình làm trụ cờ trước khi trúng đạn, rồi lá cờ thấm đẫm máu người lính Việt, cuốn lấy hình hài anh gục xuống nền san hô giữa đại dương. Có những người lính nhà giàn giữ thềm lục địa trước khi nhà đổ, phút cuối cùng biết không thể thắng được sức mạnh cuồng phong của thiên nhiên đã ôm lấy lá cờ Tổ quốc như ôm lấy chính hình hài đất nước và thanh thản chìm vào biển thẳm.
Canh gác biển khơi. Ảnh: Minh Thông
Xuồng cập đảo, cán bộ, chiến sỹ đứng chào đón, những nụ cười tươi thắm, cái vòng ôm thật chặt của những người thân lâu ngày gặp lại. Trong quân phục nghiêm chỉnh, làn da sẫm màu bởi nắng, sóng và gió, những cán bộ chiến sỹ ở đảo Đá Nam sao thân thương, đáng yêu, đến lạ. Tìm hiểu mới thấy cuộc sống chiến sỹ ta nơi đảo chìm còn rất nhiều thiếu thốn, vất vả. Những lúc sóng to, gió lớn, các anh lúc nào cũng phải thường trực phao cứu sinh và xuồng cứu hộ, phòng khi sóng gió bất thường. Những lúc biển động, đôi mắt các anh luôn hướng về đồng nghiệp ở các đảo xa, cầu mong cho họ bình yên. Ngay phía ngoài bãi san hô đảo Đá Nam này vẫn còn nguyên xác tàu của ngư dân đắm từ năm trước nhô lên mặt nước. Trận bão kinh hoàng ấy, nếu không có sự dũng cảm của các chiến sỹ thì 20 ngư dân chắc không thể trở về.
Đảo tuy nhỏ nhưng ngăn nắp gọn gàng, phân chia từng khu rất khoa học: có những vườn rau nhỏ nhỏ, có bể chứa nước lớn và cả khu chăn nuôi gia cầm. Cuộc sống ở đảo vẫn khó khăn nhất là nước ngọt và rau xanh. Đặc biệt vào mùa khô hạn, anh em chiến sỹ phải chắt chiu, tiết kiệm, san sẻ từng ca nước mưa hiếm hoi… Được biết, những năm gần đây, không riêng gì ở những đảo nổi mà còn ở hầu hết các đảo chìm, phong trào tăng gia sản xuất được thực hiện rất hiệu quả nên rau xanh và thịt gia cầm đều tự túc được tại chỗ. Ngoài trực chiến, bộ đội còn tập trung tăng gia sản xuất. Để có được một ngọn rau ở nơi đây cũng thật vất vả, khó khăn - đất chuyển từ đất liền ra, bỏ vào các khay gỗ, quanh vườn rau phải che chắn kỹ. Trung sỹ Nguyễn Ánh Dương, đảo Đá Nam kể: Trồng rau ở đây khó do gió biển rất mạnh. Nhưng trồng mãi, đúc rút kinh nghiệm rồi cũng thành công. Rau ở đảo trồng theo mùa, mùa này thì có cải xanh và cải cúc. Có rau sạch, ăn uống đảm bảo nên sức khỏe bộ đội đều rất tốt…Ở đảo nhiều khi thèm một tiếng gà gáy, không khí của đất liền nên anh em nuôi thêm gà và chó để vơi đi nỗi nhớ và thêm quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Chăm sóc vườn rau tăng gia. Ảnh: Minh Thông
Mùa xuân đang về với biển đảo. Quà Tết từ tàu HQ996 mang vào có cả những nhành mai, lá dong, gạo nếp, lợn và gà,… Các chiến sỹ nhận quà vui lắm. Nhưng chúng tôi biết: Ở đâu đó, người chiến sĩ đang nắm chắc tay súng có một chút lắng lòng, một chút da diết nhớ người thân khi mùa sum họp lại về. Tuy nhiên, những cảm xúc đó nhanh chóng được giấu chặt trong lòng bởi các anh hiểu rất rõ nhiệm vụ và trọng trách của mình đối với Tổ quốc. Thượng úy Phạm Xuân Hóa tâm sự: Việc người lính đảo 2 hay 3 năm thậm chí 5 năm không về quê đón Tết cùng gia đình là chuyện bình thường. Chúng tôi luôn sẵn sàng hy sinh cuộc sống riêng tư, những phút giây đoàn tụ bên người thân để bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió, biển đảo để giữ vững chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc, Xa gia đình thì cũng có chút nhớ nhà, nhưng chúng tôi được các đơn vị nhiệt tình giúp đỡ về vật chất và tinh thần. Đây là nguồn động viên rất lớn để chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ thiêng liêng.
Giao lưu với cán bộ, chiến sỹ đảo Đá Nam đã giúp chúng tôi gần gũi hơn với các chiến sĩ nơi đây. Và có lẽ, các anh cũng cảm nhận được nhiều hơn những tình cảm sâu đậm của đất liền, của những người thân, bạn bè luôn dõi theo, sát cánh bên mình. Tình cảm đó sẽ làm ấm lòng cán bộ, chiến sĩ, giúp họ vững niềm tin, chắc tay súng bảo vệ bình yên vùng biển Trường Sa của Tổ quốc… Chia tay đảo chìm Đá Nam vẫn nghe tiếng hát vút cao của các chiến sỹ vượt qua đầu sóng đầu gió: “Ngày qua ngày, đêm qua đêm, chúng tôi đến đây gìn giữ quê hương. Biển này là của ta, đảo này là của ta: Trường Sa…”.
Thành Chung
|