QĐND Online – Ký ức về trận chiến 12 ngày đêm oanh liệt trên bầu trời Hà Nội cuối năm 1972 lại dần hiện về qua từng câu chuyện, từng lời kể của các thân nhân gia đình liệt sĩ trong buổi gặp mặt các gia đình liệt sĩ nhân kỷ niệm 40 Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”.
Đây là hoạt động do Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam tổ chức sáng 15-12, tại Hà Nội, nhằm tri ân những đóng góp to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống, hy sinh vì Thủ đô, vì độc lập dân tộc.
|
Buổi gặp mặt các gia đình liệt sĩ diễn ra trong không khí ấm áp và xúc động |
Bác Nguyễn Thị Dần (78 tuổi), tuy sức khỏe đã yếu nhưng vẫn nhờ người con trai đưa từ thôn Thượng, xã Mễ Trì (Hà Nội) để có mặt từ rất sớm. Bác là chị dâu của liệt sĩ Tạ Đắc Thông, hy sinh khi đang làm nhiệm vụ trực chiến ở bờ giếng làng thôn Thượng. Bác kể: “Chú Thông năm đó mới 21 tuổi, đêm trước hôm hy sinh, gia đình đã chuẩn bị để hỏi vợ cho chú nhưng chú nói để sau vì còn đang làm nhiệm vụ. Gia đình có 6 người con, cả nhà đều làm ruộng, chỉ có chú ấy tham gia chiến đấu. Cái đêm 19-12-1972, gia đình nhận được tin chú chết tan xương vì bom Mỹ mà không có cách nào quay lại tìm vì đang đưa các cháu nhỏ đi tản cư”.
“Cứ đến ngày 19-12, cả làng hơn 200 gia đình đều có chung một cái giỗ”, ông Nguyễn Hữu Nhớn (62 tuổi)- cùng làng với bà Dần - anh trai liệt sĩ Nguyễn Thị Ngọc chia sẻ. Ông Nhớn kể: Em gái tôi tham gia trực chiến trong đội dân quân xã Mễ Trì để bảo vệ Đài phát thanh Mễ Trì. Tham gia đội dân quân hơn một năm thì cô ấy hy sinh khi mới 19 tuổi.
“Mất người thân, gia đình nào chả đau xót, đó là điều không ai muốn. Thanh niên nam giới lúc đó đều đi bộ đội hết, không còn ai ở làng. Đã là người dân Việt Nam, đều phải chiến đấu để giữ nước nên chúng tôi đã vượt qua đau thương, quyết đánh đuổi giặc Mỹ”, ông Nhớn xúc động cho biết.
Kể về người em trai của mình, ông Vũ Xuân Thăng (76 tuổi) tự hào cho biết: Liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, phi công Vũ Xuân Thiều hy sinh chính vào lúc anh vừa lập chiến công bắn rơi trực tiếp máy bay B-52. Chiến công và tên tuổi liệt sĩ Vũ Xuân Thiều đã gắn với câu chuyện nổi tiếng “quả tên lửa thứ ba” được nhiều người biết đến, nhất là trong những ngày kỷ niệm tháng 12 lịch sử này.
“Mất mát, đau thương là điều không thể tránh khỏi trong chiến tranh. Sự hy sinh của người con thứ 7 trong gia đình khi mới anh 27 tuổi khiến gia đình rất đau xót nhưng bố mẹ tôi đã can đảm khi đón nhận tin này, bởi gia đình đã xác định từ trước những nguy hiểm khi em tôi nhận nhiệm vụ trong đội bay đêm, chuyên luyện tập để sẵn sàng tiêu diệt B-52. Tinh thần chiến đấu cảm tử của em tôi đã góp phần cùng quân dân Hà Nội hạ gục giặc Mỹ trên bầu trời Hà Nội, khiến gia đình rất tự hào”, ông Vũ Xuân Thăng chia sẻ.
|
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam trao những món quà tặng các gia đình liệt sĩ |
Buổi gặp mặt các gia đình thân nhân liệt sĩ trở nên gần gũi và ấm áp hơn khi mọi người có cùng chung những câu chuyện về người thân, về những tháng ngày đấu tranh gian khổ của dân tộc. Xen giữa những mái đầu bạc trắng của những người anh, người chị của liệt sĩ, còn là những mái đầu xanh, họ là những người cháu, người con trong gia đình, chỉ biết đến người thân qua câu chuyện kể lại.
Không khí hội trường như lắng đọng, con tim của gần 50 đại biểu như thổn thức theo lời kể và dòng nước mắt đầy xúc động của chị Phạm Kim Giang (42 tuổi) ở phường Gia Thụy, Long Biên kể về người cha mà chị chưa một lần được cất tiếng gọi. Liệt sĩ Phạm Văn Thành (sinh năm 1935), Trung đội trưởng Đội tự vệ Công ty Phụ tùng thuộc Công ty Thiết bị phụ tùng Đức Giang, Long Biên, hy sinh để lại người vợ trẻ và đứa con thơ dại.
“Khi nghe tin bố tôi hy sinh vào 5 giờ sáng ngày 21-12, mẹ tôi đã ngất xỉu và ốm liệt giường mấy tháng. Tôi lớn lên chỉ biết về cha qua lời kể của mẹ, những mất mát đó của tôi và các gia đình có người thân hy sinh trong chiến tranh khiến tôi luôn mong ước thế giới được sống trong hòa bình, Việt Nam mãi mãi không có chiến tranh”, chị Kim Giang chia sẻ.
Bên cạnh những sẻ chia kỷ niệm về người thân, các đại biểu còn thể hiện lòng cảm kích trước sự quan tâm của toàn Đảng và toàn dân tới những anh hùng liệt sĩ, cũng như đã có nhiều chính sách hỗ trợ tới các gia đình liệt sĩ.
Trong bầu không khí đầy ấm áp và xúc động, Trung tướng Lê Văn Hân, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và các đại biểu đã ôn lại những ngày tháng hào hùng có “một không hai” của dân tộc và tưởng nhớ bao thế hệ thanh niên đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, cho Hà Nội.
Cũng trong buổi gặp mặt, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã trao tặng mỗi gia đình liệt sĩ một phần quà cùng số tiền 1 triệu đồng.
Bài, ảnh: THU HÀ
|