Không khí nhộn nhịp của chiến dịch Tây Bắc diễn ra cách đây 60 năm như được tái hiện qua Hội thảo khoa học "Chiến thắng Tây Bắc 1952 - Tầm nhìn chiến lược của Đảng và bài học lịch sử", do Bộ Quốc phòng và Tỉnh ủy Sơn La tổ chức, ngày 5-12. Thu Đông năm 1952, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực tiếp là Tổng Quân ủy - Bộ Tổng tư lệnh, quân và dân ta mở chiến dịch tiến công Tây Bắc, làm thất bại âm mưu mở rộng chiếm đóng, lập "Xứ Thái tự trị" của thực dân Pháp, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng vùng rộng lớn ở địa bàn chiến lược quan trọng, nối thông Tây Bắc với căn cứ địa Việt Bắc, vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh, Thượng Lào và căn cứ địa cả nước.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo.
Lựa chọn Tây Bắc là địa bàn chiến lược
Từ Thu Đông 1950, ta đã chủ động mở chiến dịch Biên Giới trên địa bàn các tỉnh miền núi (Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn) giành thắng lợi tạo bước ngoặt lịch sử. Từ thực tế đó, Trung ương Đảng thống nhất chủ trương, tiếp tục phát huy thế chủ động chiến lược, mở chiến dịch Thu Đông 1952 với phương châm: Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, tìm nơi sơ hở của địch mà đánh. Chọn Tây Bắc để mở chiến dịch tiến công, Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh đã có sự cân nhắc trên cơ sở phân tích đánh giá tình hình lực lượng của địch và của quân ta chính xác, khách quan, khoa học. Chúng ta đưa chủ lực đánh vào một địa bàn chiến lược hiểm yếu ở rừng núi, nơi địch tương đối yếu, khó phát huy ưu thế về vũ khí, trang bị, đặc biệt là không quân, pháo binh và khả năng cơ động. Trong khi đó, địa bàn rừng núi lại là thế mạnh chiến đấu của bộ đội ta.
Chia sẻ về vấn đề này tại hội thảo, Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xanh ( Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn) cho biết: Vùng Tây Bắc thời kháng chiến chống thực dân Pháp là một vùng rừng núi rộng lớn, nằm ở phía Tây Bắc Bộ nước ta; phía Tây là biên giới Việt Lào; phía Đông giáp với căn cứ địa Việt Bắc; phía Bắc là biên giới Việt - Trung. Nói như vậy là để xác định Vùng Tây Bắc là một vùng chiến lược, ai làm chủ ở đây là làm chủ một vùng rộng lớn có địa hình rừng núi hiểm trở, nhất là dãy Hoàng Liên Sơn có đỉnh Phan Xi Phăng cao hơn 3.000 mét, có đèo Pha Đin dài 30 km, một địa giới tự nhiên ngăn cách hai tỉnh Sơn La, Lai Châu, đồng thời khống chế vùng Bắc Lào rộng lớn.
Nghệ thuật quân sự và bài học lịch sử
Phát biểu tại Hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: 60 năm trôi qua, nhìn lại sự kiện lịch sử quan trọng này, càng khẳng định tầm nhìn chiến lược đúng đắn, nhạy bén của Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy trong chỉ đạo chiến tranh. Chiến dịch này đã giáng cho thực dân Pháp một đòn thất bại nặng nề về quân sự, tạo bước ngoặt quan trọng trong chiến tranh, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược phát triển lên một giai đoạn mới mang tính quyết định.
Chiến thắng Tây Bắc đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của quân đội ta về nhiều phương diện. Với chiến dịch này, nghệ thuật quân sự Việt Nam đã phát triển lên một bước mới, thể hiện ở những nét đặc sắc là chủ động mở hướng tiến công địch trên địa bàn rừng núi hiểm trở và xác định mục đích chiến dịch đúng đắn, xứng đáng là một mốc son trong lịch sử đấu tranh bảo vệ đất nước và là một bản hùng ca vang mãi.
Trao đổi bên lề hội thảo, Thiếu tướng, Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Quang Đạo, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam cho biết: Chiến thắng Tây Bắc 1952 để lại nhiều bài học lịch sử quý báu, mang giá trị lý luận và thực tiễn về chủ động tiến công địch; về phối hợp hiệp đồng với các chiến trường cả nước, với chiến trường nước bạn Lào; xây dựng tình đoàn kết quân dân, quân với dân một ý chí, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn chiến lược quan trọng Tây Bắc.
Trở lại với Sơn La lần này, người cựu chiến binh già Đặng Văn Việt nay đã 94 tuổi, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 (Đại 316) đã từng trải qua 120 trận đánh không khỏi bùi ngùi xúc động khi nhớ về những ngày tháng chiến đấu và những người đồng đội đã ngã xuống. Ông nói: "Tôi thấy Sơn La đã đổi thay nhiều, trước đây là rừng núi hiểm trở, nay đã phát triển, đường sá, phố phường tấp nập. Qua đó thấy rằng những ngày tháng chiến đấu của tuổi trẻ chúng tôi đã góp một phần nhỏ làm nên Sơn La phát triển tươi đẹp như ngày hôm nay".
Phát biểu kết luận hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Thành Cung một lần nữa cám ơn các vị khách quý, các nhà khoa học, nhân chứng lịch sử đã mang lại sự thành công cho hội thảo và khẳng định những bài tham luận được trình bày tại hội thảo có giá trị lịch sử đối với toàn quân và dân ta.
Nguồn: Qđnd (VIỆT CƯỜNG)