QĐND - Trong Chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972, việc tổ chức bảo đảm kỹ thuật nhằm duy trì và phát huy sức chiến đấu liên tục trong điều kiện tác chiến tập trung, ác liệt là vấn đề vô cùng khó khăn nhưng đồng thời có ý nghĩa quan trọng để giành thắng lợi.
Việc bảo đảm kỹ thuật trong Chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972 gặp không ít khó khăn vì lúc này lực lượng phòng không của ta đang phải tập trung lực lượng tác chiến trong Chiến dịch Trị Thiên. Nhiều khí tài tốt, vật chất kỹ thuật, đạn tên lửa đã và đang tiếp tục được chuyển vào chiến trường Khu 4 phục vụ chiến dịch. Một số lớn cán bộ, công nhân kỹ thuật có trình độ cao cũng đang có mặt ở chiến trường để bảo đảm kỹ thuật phục vụ tác chiến. Bên cạnh đó, lượng khí tài tên lửa dự trữ không còn nhiều. Các bộ khí tài ở các đơn vị chiến đấu hầu hết đã có giờ tích lũy lớn và cần phải trung tu. Lượng đạn tên lửa dự trữ chiến lược cũng còn hạn chế, thiếu đồng bộ, một số lớn đã quá niên hạn sử dụng…
|
Một xưởng lắp ráp đạn tên lửa phục vụ Chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”. Ảnh tư liệu. |
Song song với việc bảo đảm kỹ thuật cho tác chiến, Cục Kỹ thuật Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) chỉ đạo các nhà máy của quân chủng tích cực đầu tư sản xuất vật tư thay thế, dồn lắp sửa chữa và nghiên cứu kéo dài niên hạn sử dụng của đạn tên lửa, bố trí lại hệ thống kho tàng ở miền Bắc, đồng thời tổ chức các đội cơ động sửa chữa phối hợp với cơ quan kỹ thuật của sư đoàn, trung đoàn và đơn vị nhanh chóng kiểm tra định kỳ cho khí tài. Vượt qua muôn vàn khó khăn, kết quả là trước khi bước vào chiến dịch, các đơn vị tên lửa ở phía Bắc đã được kiểm tra định kỳ hằng năm xong. Lượng đạn cung cấp ở các tuyến trung đoàn, tiểu đoàn cơ bản đã đủ theo quy định. Từ ngày 3 đến 5 tháng 12-1972, Cục Kỹ thuật Quân chủng PK-KQ mở hội nghị toàn ngành bàn về bảo đảm kỹ thuật phục vụ yêu cầu tác chiến liên tục trong chiến dịch. Ngày 15-12-1972, Cục Kỹ thuật Quân chủng PK-KQ tiếp tục mở hội nghị khẩn cấp bàn về tổ chức bảo đảm đạn tên lửa cho chiến dịch và quyết định tổ chức hai đội sửa chữa, lắp ráp đạn tên lửa của Nhà máy A31 sẵn sàng phục vụ chiến dịch. Cục Kỹ thuật Quân chủng PK-KQ cũng chủ động tổ chức vận chuyển đạn cho Hà Nội, Hải Phòng, bổ sung nhiên liệu, vật tư đồng bộ để các đơn vị đẩy nhanh tốc độ lắp ráp đạn. Bên cạnh đó, việc tổ chức lắp ráp đạn tập trung ở khu vực cất giấu đạn cũng được triển khai để nhanh chóng bảo đảm đạn cho tác chiến. Sau đợt một chiến dịch, lượng đạn tên lửa tiêu thụ lớn, khả năng cung cấp khó khăn. Để kịp thời bảo đảm, Quân chủng PK-KQ đã chủ động đề nghị cấp trên cho điều đạn từ Khu 4 ra.
Trong Chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972, việc bảo đảm khí tài chiến đấu, đặc biệt là khí tài tên lửa cũng là một vấn đề lớn. Trong quá trình chuẩn bị chiến dịch, ngành kỹ thuật Quân chủng PK-KQ đã chủ động tổ chức kiểm tra, hiệu chỉnh khí tài và bảo dưỡng định kỳ ở hầu hết các đơn vị ra-đa, tên lửa, pháo cao xạ; tổ chức cung cấp bổ sung vật tư phụ tùng thay thế; củng cố, bổ sung trang thiết bị cho các trạm sửa chữa ở các trung đoàn... Nhờ đó, khi bước vào chiến dịch, hệ số kỹ thuật của các loại vũ khí, khí tài đã đạt được ở mức cao. Trong 3 ngày đầu chiến dịch, không quân địch chủ yếu tập trung đánh phá và khống chế sân bay, do đó khí tài chưa tổn thất lớn. Nhưng từ ngày 21-12-1972, địch tập trung lực lượng đánh phá các trận địa phòng không nên vũ khí trang bị của nhiều đơn vị có bị tổn thất. Ngành kỹ thuật Quân chủng PK-KQ đã tổ chức tốt việc sửa chữa, khôi phục khí tài chiến đấu trong quá trình tác chiến chiến dịch. Đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật của từng đơn vị đã chủ động hiệu chỉnh, sửa chữa những hư hỏng thông thường để bảo đảm chiến đấu liên tục, kịp thời. Bên cạnh đó, lực lượng sửa chữa cơ động của chiến dịch đã tập trung tổ chức sửa chữa tại các đơn vị có khí tài bị hư hỏng nặng, nên chỉ sau 1 đến 2 ngày, đơn vị lại có thể đưa khí tài vào sử dụng, kịp thời phục vụ chiến đấu. Đối với những bộ khí tài hư hỏng nặng không thể sửa chữa tại chỗ, Cục Kỹ thuật đã tổ chức thay thế khẩn trương cho các đơn vị bảo đảm chiến đấu ngay…
Vấn đề bảo đảm kỹ thuật trong Chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972 bao hàm nhiều nội dung, nhiều lĩnh vực khó khăn và phức tạp. Nhưng nhờ sự tích cực, chủ động vượt qua mọi khó khăn với phương châm “lấy yêu cầu tác chiến làm mục đích để tổ chức bảo đảm kỹ thuật”, ta đã làm tốt công tác chuẩn bị như bố trí hệ thống kho tàng, khí tài dự bị, chuẩn bị đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật; kết hợp tốt giữa bảo đảm tập trung và bảo đảm tại chỗ, kết hợp giữa các đội sửa chữa cơ động với lực lượng sửa chữa tại chỗ của các đơn vị… góp phần làm nên chiến thắng lịch sử.
NGUYỄN TRUNG (Theo Trung tướng Lương Hữu Sắt, nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuật Quân chủng PK-KQ).