(HNHN) Nằm trong số nhiều hoạt động kỷ niệm sự kiện 40 năm Hà Nội - Điện Biên phủ trên không 1972, tối 8-10, Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội đã tổ chức tọa đàm "Năm 1972 – Tư liệu và ký ức của người Hà Nội về chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ”. Trước đó, tại Trung tâm Văn hóa Pháp, một triển lãm ảnh với chủ đề "Hà Nội – Những ngày đêm năm 1972” đã thực sự khiến người xem xúc động.
Cuốn sách Đối mặt với B52 - Hồi ức Hà Nội
1. Cùng với triển lãm ảnh "Hà Nội – Những ngày đêm năm 1972”, cuộc tọa đàm "Năm 1972 – Tư liệu và ký ức của người Hà Nội về chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ” đã tái hiện những khoảnh khắc đáng nhớ nhất về Thủ đô cách đây 40 năm về trước. Qua những tư liệu lịch sử, những ký ức của các nhân chứng sống, công chúng có dịp nhìn lại Hà Nội những ngày đêm bi tráng năm 1972.
Theo nhân chứng Phùng Tiểu Bôi (Cán bộ Lâm nghiệp Hà Nội), thời đó ông vẫn làm việc ở Hà Nội trong khi gia đình sơ tán ở xa. Đi sơ tán thì ai cũng phải đi, nhưng hằng ngày vẫn về Hà Nội thăm nhà, thăm bạn bè, người thân. Hình ảnh chiếc xe đạp gắn bó với cuộc sống, sinh hoạt của mỗi gia đình, chiếc xe đạp phải chở đến 3 - 4 người, 2 chiếc xe đạp giáp vào với nhau có thể chở được một người bị thương… Sơ tán xa Hà Nội nhưng trong lòng mỗi người nỗi nhớ Hà Nội luôn túc trực. Và khi ấy, tình cảm con người thật ấm áp.
Ông Nguyễn Xuân Mai (nguyên Trưởng Ban Biên tập báo Phòng không không quân) – người trực tiếp đưa tin về cuộc chiến 12 ngày đêm, là đồng tác giả của cuốn sách "Đối mặt với B52 - Hồi ức Hà Nội” chia sẻ: Chúng tôi phản ánh cuộc chiến đấu và kết quả của nó chứ không có thời gian để phản ánh cuộc sống của người dân. Sở dĩ ví Hà Nội 12 ngày đêm năm 1972 là trận Điện Biên Phủ trên không cũng là xuất phát từ bài hát Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Từ đó nó trở thành câu nói quen thuộc của những người tham gia chiến đấu. Trận chiến này là chiến thắng rất lớn. Ta đương đầu với một lực lượng mạnh nhất về không quân lúc đó. Dù còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng chúng ta vẫn chiến thắng.
2. Cũng trong cuộc tọa đàm, nhóm tác giả Huyền Mermet, Đặng Đức Tuệ, Nguyễn Xuân Mai và nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Thanh đã giới thiệu cuốn sách "Đối mặt với B-52 - Hồi ức Hà Nội” dự kiến phát hành ngày 4-12 tới. Cuốn sách đặt ra một cách nhìn mới về 12 ngày đêm năm 1972 tại Hà Nội.
Tác giả Huyền Mermet chia sẻ: Khi bắt tay vào cuộc điều tra để thực hiện cuốn sách, chúng tôi nghĩ rằng: liệu có một điều gì đó có thể làm khác đi với những hình ảnh mà chúng ta đã chứng kiến, đã nhìn thấy sự đổ nát, về nạn nhân, và một bên là sự chiến thắng. Và một câu hỏi, 12 ngày đêm chỉ gói gọn trong những thứ đó thôi sao?… Bên cạnh đó, vẫn có những người dân Hà Nội trụ lại ở Hà Nội hằng ngày, có những người tiếp tục tham gia sản xuất và tham gia chiến đấu. Và tôi còn nghe kể, thời sơ tán, nhà văn Nguyễn Tuân thi thoảng lại đạp xe về Hà Nội chỉ là để… uống cốc bia cho vơi nỗi nhớ Hà Nội. Rồi Noel năm 1972, lúc tình hình chiến sự đang căng thẳng tới cao điểm thì người Hà Nội vẫn từ nơi sơ tán đổ về Nhà thờ Lớn, nhà thờ Hàm Long… hưởng một lễ Noel tại Hà Nội… Hay mặc chiến tranh cày xới, những làng hoa Ngọc Hà, Nhật Tân, Quảng Bá vẫn đua nhau khoe sắc, những dòng tranh dân gian vẫn được bày bán ở những phố nghề.
Theo nhà báo Đặng Đức Tuệ, cuốn sách mang tên "Đối mặt với B-52 – Hồi ức Hà Nội (18-12-1972 – 29-12-1972)” có thể sẽ mang tới cho công chúng những góc nhìn mới mẻ về thời khắc lịch sử của dân tộc cách đây hơn 40 năm. Đây là cuốn sách tư liệu lịch sử pha lẫn với những lời nhân chứng trực tiếp đầu tiên về Điện Biên Phủ trên không. Nhóm tác giả đã bỏ ra 2 năm để đi tìm những nhân chứng, những hồi ức và kỷ vật cách đây 40 năm để kết nối và làm thành cuốn sách.
3.Khi được hỏi cuốn sách ra có làm thay đổi cách nhìn của giới trẻ về chiến tranh, tác giả Huyền Mermet cho rằng: "Chúng ta nên có cái nhìn chân thực hơn, sâu sắc hơn về trận chiến 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không. Đó không còn là một trận chiến với những con số thống kê, với sự mất mát, đau thương, với sự kiên cường của dân tộc. Đó còn là những cảm nhận sâu sắc, những phát biểu bình dị, những hồi ức cá nhân của những người đã đi qua cuộc chiến”. Nhóm tác giả muốn tiếp cận lịch sử từ một khía cạnh khác, gần gũi hơn, nhân văn hơn qua chính lời kể của các nhân chứng. Qua đó, họ hi vọng, độc giả có thể có cái nhìn toàn diện hơn về cuộc chiến đã đi qua.
Tuấn Kiệt-ddk
|