Nếu đã một lần đến với Cát Tiên, bạn sẽ rất dễ dàng nhận thấy cảnh quan nơi đây hoàn toàn khác biệt so với cảnh quan quen thuộc của vùng đất đỏ Bazan trên đường từ Đà Lạt xuống. Chạy dọc theo bờ sông Đồng Nai là một vùng thung lũng phù sa khá rộng lớn, bao bọc với những ngọn núi thấp cuối dãy Nam Trường Sơn.
Những minh chứng về vùng đất cổ
|
Phần lớn diện tích ở đây là rừng cây lớn trên các núi thấp. Trong rừng cổ có nhiều loại gỗ quý như: gụ, sao, lim, bằng lăng, thậm chí cả cẩm lai… Rừng ở đây còn là nơi sinh sống của nhiều loại động vật hoang dã quý và hiếm. Nói chung, nơi đây còn là vùng đất hết sức hoang sơ.
Cảm nhận của chúng tôi khi lần đầu tiên đặt chân đến vùng đất Cát Tiên này, dẫu không phải là những nhà khảo cổ “chuyên nghiệp” nhưng chúng tôi cũng đã có cảm tưởng là bắt gặp một vùng đất cổ. Và nghĩ rằng, với vùng đất trù phú, màu mỡ này, ngày xưa ông cha ta chắc chắn đã đến đây để khai thiên lập địa.
Quả vậy, các di tích khảo cổ ở Cát Tiên đã lần lượt được phát hiện. Kết quả các cuộc khai quật cùng với những hiện vật quý hiếm khai quật được đã chứng minh những cảm tưởng ban đầu của chúng tôi là hoàn toàn đúng.
Chúng ta thường tự hào về lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đồng bằng sông Hồng và vùng phụ cận là một trong những vùng đất có lịch sử lâu đời và có đóng góp xứng đáng vào lịch sử dân tộc. Vùng Trung và thượng lưu Đồng Nai ngày nay cũng có lịch sử dày không kém. Các di tích cổ tại vùng đất Cát Tiên là bằng chứng rất cụ thể, lòng đất Cát Tiên hiện còn lưu giữ dấu vết của nhiều thế hệ cổ, từ trước công nguyên trở lại đây.
Những người đầu tiên là ai? Cũng khó xác định. Nhưng những người sớm nhất mà chúng ta biết, chính là chủ nhân của những công cụ đồ đá như: rìu, cuốc, bàn mài, bàn đập… hiện vẫn tìm thấy rải rác ở Cát Tiên, ước đoán họ sống cách ngày nay khoảng 3.500 đến 3.000 năm. Tức ngay từ thời đồ đá, tại đây đó có các cộng đồng cư dân cổ tồn tại và phát triển.
Thế hệ tiếp đó là chủ nhân của hàng ngàn mảnh gốm các loại, bàn xoa gốm, dọi xe chỉ, khuôn đúc rìu, rìu đồng… phát hiện được ở thôn 3, xã Phù Mỹ. Đây vừa là di chỉ cư trú, đồng thời cũng là công xưởng chế tác gốm của người tiền sử có niên đại khoảng 2.700- 2.500 năm cách ngày nay.
Đặc biệt thế hệ chủ nhân của khu di tích khảo cổ Cát Tiên có niên đại khoảng từ thế kỷ IV đến thế kỷ VIII, với những kiến trúc của đền tháp, mộ tháp hay con đường cổ và những bờ gạch kéo dài suốt bờ sông được tìm thấy trong phạm vi rộng hơn 40 ha, trải dài 15 km dọc theo dòng chảy của con sông Đồng Nai, chưa kể các di tích cùng loại ở huyện Đạ Tẻh và tỉnh Đồng Nai.
Trên một địa phận rộng lớn, với những kiến trúc quy mô, bền vững trong vùng sông núi hiểm trở. Rõ ràng di tích Cát Tiên đã đóng vai trò khá quan trọng trong một giai đoạn lịch sử. Xứng đáng là một thánh địa huy hoàng và tráng lệ, là một đô thị hay một trung tâm chính trị - tôn giáo của một vương quốc hùng cường. Quy mô “đô thị” Cát Tiên không kém đô thị Óc Eo ở Đồng Bằng sông Cửu Long hay kinh đô của vương quốc Lâm Ấp (Chiêm Thành) ở Trà Kiệu, Duy Xuyên, Quảng Nam, Đà Nẵng.
Kế tiếp là chủ nhân của những công cụ, vũ khí bằng sắt cùng nhóm hiện vật gốm sứ có niên đại khoảng thế kỷ XV- XVI của các khu mộ táng đã phát hiện ở Đạ Lây, Đồng Nai và Gia Viễn... Dẫu chưa khai quật nhưng với số lượng hiện vật mà người dân ở đây thu được, chúng ta cũng có thể nói rằng cư dân ở đây lúc đó họ đã sống tập trung thành một cộng đồng khá đông đúc, phồn thịnh và giàu có. Họ sống chủ yếu bằng các hoạt động canh tác nương rẫy, biết rèn lấy công cụ lao động, vũ khí bằng sắt, nấu đồng để làm đồ gia dụng và đồ trang sức, biết dệt vải, làm đồ gốm. Ngoài ra họ còn săn bắn, hái lượm và khai thác thiên nhiên…
Một cư dân bản địa, cư trú khá lâu đời ở vùng đất này là người Mạ, họ còn lưu truyền những truyền thuyết về một vương quốc Mạ xa xưa. Những truyền thuyết cũng như sự hiện diện của người Mạ ở đây đã làm tăng thêm sự huyền bí và hấp dẫn của vùng đất Cát Tiên. Có thể họ cũng có mối quan hệ nhất định với các cư dân cổ ở vùng này.
Với những minh chứng trên, chúng ta có thể hình dung được phần nào về một quá trình tụ cư lâu dài và gần như liên tục ở đây suốt thời kỳ đồ đá - đồng cho đến ngày nay. Chứng tỏ Cát Tiên không phải là một vùng đất mới mà là một vùng đất đã từng có một quá trình phát triển rất sớm, bắt nguồn từ thời kỳ đồ đá.
Với một vùng đất cổ lại nằm trong khu vực sinh thái tuyệt vời là vườn Quốc Gia Cát Tiên, chắc chắn trong tương lai Cát Tiên sẽ trở thành một khu du lịch đầy hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
Cát Tiên nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Lâm Đồng. Phía Đông giáp với Đa Tẻh và Bảo Lâm. Cát Tiên nằm ở vùng thượng nguồn của sông Đồng Nai. Sông Đa Dâng (còn gọi Đạ Đờng) làm ranh giới tự nhiên ở phía Bắc, phía Tây và phía Nam của huyện. |
Thanh Bình (Làng Việt)