Hà nội mùa thu trong xanh đang bừng lên với rực sắc đỏ - màu của cách mạng, của chiến thắng được in đậm trên các lá cờ tổ quốc tung bay khắp mọi nẻo đường, mỗi nốc nhà. Đi giữa lòng phố Hà Nội hôm nay, lòng lại hân hoan vang lên những câu hát của cố nhạc sỹ Văn Cao: “Chúng ta đem vinh quang, sức dân tộc trở về/cả cuộc đời tươi vui về đây”…
Một Hà Nội tươi trẻ, một Hà Nội với sức vươn khổng lồ nhưng vẫn in đậm dấu ấn của một Hà Nội xưa, Hà Nội của 58 năm về trước. Sống trong thời đại mới, thời đại của độc lập tự do, dân chủ, trí tuệ với sự giàu mạnh nhưng mỗi chứng tích, di tích lịch sử vẫn luôn được giữ gìn, nâng niu như những con mắt, trái tim. Người Hà Nội hôm nay vẫn mang đầy ký ức, niềm vui của những ngày thủ đô được giải phóng.
Hà Nội hân hoan mừng đoàn quân chiến thắng trở về giải phóng thủ đô
Trở về lịch sử 58 năm về trước, theo quy định của Hiệp định Giơnevơ và thoả thuận ở Hội nghị quân sự Trung Giã giữa Đoàn Đại biểu Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam và đoàn Đại biểu Bộ Tổng Chỉ huy Quân đội Pháp ở Đông Dương, Hà Nội còn nằm trong vùng tập kết của quân đội Pháp 80 ngày. Trong những ngày còn chiếm đóng Hà Nội, Pháp đã phá hoại thành phố về mọi mặt trước khi chuyển sang cho ta, định biến Hà Nội thành một thành phố trống rỗng, hỗn loạn, hòng làm giảm uy tín của Chính phủ kháng chiến ở trong nước và trên quốc tế. Pháp còn cố gắng vực bộ máy nguỵ quyền thành phố làm công cụ thực hiện âm mưu phá hoại – di chuyển tài sản, máy móc ở các công sở, xí nghiệp và cưỡng ép nhân dân di cư vào Nam. Chúng lập “Uỷ ban di cư” và đưa Ngô Đình Diệm ra Hà Nội thúc đẩy bọn tay sai thực hiện kế hoạch tội ác. Mỹ đã cấp cho Pháp nhiều phương tiện cần thiết để vận chuyển những người di cư, chuyển hồ sơ, tài liệu, máy móc, nguyên liệu ở các công sở, xí nghiệp, kho tàng xuống Hải Phòng vào Nam Bộ. Pháp đã huy động hàng nghìn nhân viên nguỵ quyền để làm công việc này. Ngày 10-9-1954, chúng nổ mìn phá hoại chùa Một Cột, một công trình văn hoá lâu đời ở Thủ đô…
Một góc Hà Nội hôm nay
Mặc cho chúng dây dưa, thực hiện âm mưu phá hoại, thực hiện hiệp định chuyển giao Hà Nội đã ký kết giữa ta và Pháp, nhân dân Hà Nội đã sát cánh cúng quân đội ta tiếp quản. Trung tướng Phạm Hồng Cư, Đại đoàn quân tiên phong 308, Đại đoàn được Đảng, Chính Phủ giao cho trọng trách tiếp quản thủ đô ngày ấy kể lại: Vào ngày lịch sử đó, anh hùng Nguyễn Quốc Trị- Trung đoàn trưởng Trung đoàn Thủ đô và Tiểu đoàn 54 đã dẫn đầu đội hình bộ binh tiến từ Ô Cầu Giấy qua Kim Mã, Hàng Đẫy, Cửa Nam, Hàng Bông ra Bờ Hồ quặt sang Hàng Đào, chợ Đồng Xuân vào thành Hà Nội. Phía nam, đội hình bộ binh khác từ Việt Nam học xá, Bạch Mai, phố Huế ra Tràng Tiền, vòng về Đồn Thuỷ.
Sau đội hình bộ binh là xe cơ giới, dẫn đầu là tướng Vương Thừa Vũ- nguyên chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội, giơ tay chào đồng bào. Theo sau xe cơ giới là đội hình pháo binh. Đồng bào thủ đô lần đầu tiên được thấy những khẩu đội pháo "Voi gầm sông Lô", đã giáng sấm sét xuống đầu quân Đờ Cát tại Điện Biên Phủ.
Chiều 10/10, toàn thành phố hướng về thành Hoàng Diệu, trên cột cờ, các đơn vị bộ binh, pháo binh, công binh, cơ giới... tập hợp thành khối vuông, nghiêm trang làm lễ chào cờ. Trên đỉnh cột cờ, quốc kỳ tung bay trước gió trên nền trời thu xanh ngắt.
Trung tướng Phạm Hồng Cư xúc động: "Ký ức của ngày giải phóng đã qua hơn nửa thế kỷ song những âm thanh, gương mặt của ngày về còn rất sống động trong tâm trí tôi, niềm vui chiến thắng vẫn chen một nỗi nhớ về đồng đội đã vì nước quên thân, không có mặt trong ngày về".
Ngày giải phóng thủ đô đã mở ra một trang sử mới, mở đầu cho công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc. Niềm vinh quang này không chỉ in đậm trong ký ức người dân Hà Nội, Việt Nam mà còn không thể phai mờ trong cả ký ức của những người đi xâm chiếm. Một người Mỹ tên là William J. Duiker trong cuốn Hồ Chí Minh được phòng phiên dịch Bộ Ngoại giao Việt Nam dịch lại năm 2001 đã ghi: “Ngày 9/10/1954, quân Pháp vượt qua cầu Long Biên bắc qua sông Hồng đầy nước đỏ phù sa để rút khỏi Hà Nội. Trong một buổi lễ ngắn, Đại tá Rơ-phép bơ rơ Đa- giăng- sê, chỉ huy đơn vị quân Pháp cuối cùng trao quyền quản lý thành phố cho trung đoàn thủ đô của Võ Nguyên Giáp. Trong suốt hai tuần trước đó, Hà Nội dường như là thành phố chết vì hàng ngàn người ly tán đổ dọc theo đường 5 đến thành phố cảng Hải Phòng. Về đêm, Hà Nội như chết vì hầu hết cửa hàng ăn, các quán ba, các cửa hiệu đều đóng cửa.
Ngày hôm sau, cuộc sống lại quay trở lại thành phố. Dân chúng địa phương đón mừng những người chủ mới. Đây là dịp ăn mừng. Đường phố đầy cờ và khẩu hiệu hoan nghênh Đảng, Chính phủ; các cuộc diễu hành bao gồm trẻ em và các phái đoàn đại diện cho nhiều nhóm xã hội và hiệp hội đã diễn ra trước đám đông người xem trước phủ toàn quyền và ở công viên gần Bắc Bộ phủ đã từng là tổng hành dinh của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”.
Cùng với ngày vui giải phóng, tuy chưa được đón mừng Bác Hồ trở về nhưng quân và dân Hà Nội vẫn được nghe những lời gần gũi và ấm áp của Bác. Trong thư gửi đồng bào Hà Nội nhân ngày giải phóng, Bác viết: “8 năm qua, Chính phủ đã phải xa rời thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhưng lòng Chính phủ luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ ta lại trở về thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết!”. Trong niềm vui chung, người không quên căn dặn đồng bào: “Sỡ dĩ thủ đô ta giữ gìn được tình trạng như ngày nay là do đồng bào ta hăng hái phấn đấu. Tuy vậy, từ nay, Chính phủ và nhân dân ta phải cùng nhau cố gắng nhiều để khôi phục, củng cố và phát triển đời sống tinh thần và vât chất của thủ đô ta”…
Giải phóng thủ đô thực sự đã “đem vinh quang, sức dân tộc trở về”… Viết tiếp trang sử từ những ngày giải phóng, Hà Nội đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để tiến hành công cuộc đổi mới và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Từ một thành phố bị chiến tranh tàn phá, ngày nay, Hà Nội đã trở thành một trung tâm về kinh tế, văn hoá, khoa học, giáo dục... có vị trí quan trọng trong khu vực và cả nước. Một Hà Nội mới lại đang bừng Tiến quân ca: “Những bông hoa ngày mai, đón tương lai vào tay/những xuân đời mỉm cười vui hát lên”…
THỤC CHI
theo hà tĩnhonline