Tết Trung thu đang cận kề cũng là thời điểm làng nghề truyền thống làm đèn ông sao Báo Đáp (xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) thêm nhộn nhịp, tất bật.
Theo người dân, nghề này đã có từ rất lâu đời và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Từ những năm 60 của thế kỷ trước, nghề làm đèn ông sao đã trở thành nghề đem lại nguồn thu nhập chính cho người dân nơi đây.
Vật liệu làm đèn khá đơn giản gồm có tre nứa, giấy bóng kính và xương cây đay làm cán. Không giống như các sản phẩm khác, đèn ông sao của làng Báo Đáp được làm hoàn toàn theo phương pháp thủ công.
Từng công đoạn một, dù nhỏ đến đâu cũng đòi hỏi sự tỉ mẩn, kiên trì qua đôi bàn tay khéo léo của người thợ.
Gắn bó với nghề truyền thống làm đèn ông sao đã mấy chục năm nay, bà Nguyễn Thị Mỹ (thôn Báo Đáp, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) cho biết, cứ vào tháng Giêng hàng năm, gia đình bà đã bắt đầu chuẩn bị cho một mùa làm đèn ông sao mới.
Trung bình vào mùa vụ, gia đình bà Mỹ sản xuất từ 10.000-20.000 chiếc đèn ông sao. Vì sản xuất hoàn toàn thủ công, với nhiều công đoạn tỉ mỉ, nên đèn ông sao làng Báo Đáp luôn là lựa chọn hàng đầu của khách hàng.
2 năm vừa qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đèn ông sao của Báo Đáp phải “chật vật” tìm đầu ra. Nhưng năm nay, giá cao hơn và thương lái đã về tận nơi đặt hàng để vận chuyển đi khắp các nơi trên cả nước khiến người dân làng nghề Báo Đáp vô cùng phấn khởi.
Có “thâm niên” làm đèn ông sao đã hơn 40 năm theo nghề, ông Nguyễn Văn Kháng (làng Báo Đáp) cho biết: "Đèn ông sao là hình ảnh đặc trưng của Tết Trung thu. Đây là nghề có từ lâu đời, nên sẽ mãi gắn bó với nghề và coi đó như tài sản vô giá của cha ông để lại”.
Trung bình một ngày, mỗi người dân làng Báo Đáp có thể làm được 150 - 200 chiếc đèn ông sao.
Sản phẩm xuất đi chỉ là một chiếc đèn ông sao đơn giản nhưng trong đó là vô vàn những bí kíp tinh tế mà người làng nghề Báo Đáp truyền cho nhau để cùng phát triển làng nghề truyền thống.
Không chỉ ông Kháng mà rất nhiều các gia đình làng Báo Đáp vẫn giữ được nghề truyền thống của cha ông. Mọi người tâm niệm rằng, đây là nghề mà cha ông để lại từ nhiều đời nay, vậy nên, phải cố gắng duy trì, gìn giữ và truyền lại cho các thế hệ sau.
Trong quá trình phát triển làng nghề truyền thống, hiện nay, người dân làng Báo Đáp cũng gặp khó khăn vì đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc tràn về chiếm lĩnh thị trường. Thế nhưng người dân làng Báo Đáp vẫn tự tin rằng, nghề làm đèn ông sao sẽ không bao giờ mai một vì đèn ông sao là món đồ chơi đặc trưng truyền thống của dân tộc trong dịp Tết Trung Thu.
Mặc dù có nhiều mặt hàng cạnh tranh nhưng với sự bền bỉ, sáng tạo của người dân làng nghề, sản phẩm đèn ông sao làng Báo Đáp sẽ vẫn là lựa chọn hàng đầu của các gia đình cho con em mình trong dịp tết Trung thu hàng năm./.
Chung Thủy / VOV.VN
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/giu-lua-lang-nghe-truyen-thong-lam-den-ong-sao-bao-dap-20220823160626587.htm