Chủ tịch Fidel Castro và chuyến thăm đặc biệt "đất lửa" Quảng Trị qua ký ức Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy Chủ tịch Fidel Castro và chuyến thăm đặc biệt "đất lửa" Quảng Trị qua ký ức Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy , Người xứ Nghệ Kiev
Lương Kết Thứ bảy, ngày 30/04/2022
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Quyền Tư lệnh Quân khu 2, năm nay bước sang tuổi 93 nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Ông kể với PV Dân Việt, trong cuộc đời chiến đấu ông có nhiều kỷ niệm trên "đất lửa" Quảng Trị và kỷ niệm đặc biệt nhất là tham gia đón Lãnh tụ Fidel Castro (1926-2016) đến thăm chiến trường Quảng Trị năm 1973.
Chuyện xúc động về Lãnh tụ Fidel Castro
Mở đầu câu chuyện về chuyến thăm của Lãnh tụ Cuba Fidel Castro đến chiến trường Quảng Trị 49 năm trước (1973), Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy kể: Năm 2016, ông tới Đại sứ quán Cuba ở Hà Nội để viếng Chủ tịch Fidel Castro, thấy trên tường treo bức ảnh tư liệu vị Lãnh tụ của Cuba đứng bắt tay một sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam khi vào thăm đất lửa Quảng Trị. Tướng Huy nói, người sĩ quan đó chính là tôi. Nghe vậy, các cán bộ ở Đại sứ quán Cuba đã ôm chầm vị tướng già và hỏi chuyện.
Cuba là đất nước rất xa Việt Nam về địa lý nhưng nhân dân và lãnh đạo của Cuba rất có tình cảm với đất nước và nhân dân Việt Nam.
Sau khi Việt Nam đã giải phóng hoàn toàn thị xã Quảng Trị, lúc này vẫn là giai đoạn chiến tranh ác liệt. Nhưng với tình cảm của người cách mạng nên khi sang thăm Việt Nam, Chủ tịch Fidel Castro đã và đề nghị Đảng và Nhà nước chúng ta cho ông trực tiếp vào thăm chiến trường ở Quảng Trị. Đây là chiến trường ác liệt nhất và chúng ta đã giành thắng lợi trong giai đoạn trước khi giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, lúc đầu Chủ tịch Fidel Castro đề nghị được tổ chức đón tiếp ở Ái Tử (Quảng Trị). Đây là khu vực cách thị xã Quảng Trị (nay là TP.Quảng Trị) hơn 1km theo đường chim bay, phía bên kia địch chiếm giữ chúng có thể quan sát được, nếu địch sử dụng pháo bắn sang sẽ rất nguy hiểm.
00:01:31
Clip Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy kể chuyến thăm Quảng Trị của Chủ tịch Fidel Castro năm 1973.
"Lúc đó tôi là Phó Tư lệnh Sư đoàn 325, phụ trách quản lý toàn bộ vùng giải phóng này. Tôi đề nghị Đảng, Nhà nước và Quân đội không tổ chức đón Chủ tịch Fidel Castro đã và Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng phái đoàn ở Ái Tử, đưa ra phía sau để an toàn. Cuối cùng chúng ta tổ chức đón tiếp Chủ tịch Fidel Castro đã ở cao điểm 241 (căn cứ Ca- Rôn), nơi đây ngày 2/4/1972, Ban Chỉ huy Trung đoàn 56, Sư đoàn 3 của Việt Nam Cộng hòa do một viên trung tá chỉ huy đã đầu hàng vô điều kiện", Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy cho biết.
Ông kể tiếp: Khi Chủ tịch Fidel Castro vào Quảng Trị, dọc đường có nhiều chuyện ông được nghe kể lại. Khi đoàn xe đi đến Quảng Bình, Chủ tịch Fidel Castro thấy một số người đang cáng một trường hợp đi cấp cứu. Vị Lãnh tụ này đã cho dừng xe lại hỏi và biết, người đang được đưa đi cấp cứu là một dân quân bị thương do dò gỡ mìn. Ngay lập tức, Chủ tịch Fidel Castro đã ra lệnh cho cấp dưới lấy một chiếc xe ô tô đang chở các cán bộ của Cu Ba đi cùng phái đoàn để đưa người bị thương đi cấp cứu cho kịp.
"Khi vào Quảng Bình, phái đoàn nghỉ ở Đồng Hới, Chủ tịch Fidel Castro vóc dáng cao to, do không có giường nào vừa nên chúng ta đã đóng mới một chiếc giường dài 2,3m, rộng gần 2m để Chủ tịch nằm. Sau này Quốc vương Campuchia là Norodom Sihanouk qua Việt Nam để chuẩn bị về nước là người thứ hai nằm ngủ ở chiếc giường đó. Tôi may mắn là người thứ ba được nằm ngủ trên chiếc giường này khi đến Quảng Bình để báo cáo về quá trình chiến đấu giải phóng Quảng Trị. Có thể nói các vị lãnh đạo ở Quảng Bình khi đó đã rất trân trọng những người đã trực tiếp chỉ huy chiến đấu như chúng tôi", Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy nhớ lại.
Nguyên thủ đầu tiên và duy nhất thăm chiến trường Việt Nam
Thời điểm Chủ tịch Fidel Castro, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và phái đoàn đến Quảng Trị, mặc dù Hiệp định Paris (27/1/1973) đã được ký kết nhưng quân đội Việt Nam Cộng hòa vẫn tiến hành đánh lấn những vùng giải phóng của ta cho nên chiến sự diễn ra thường xuyên.
"Có thể nói Chủ tịch Cuba Fidel Castro là một nguyên thủ quốc gia đầu tiên và duy nhất đến thăm chiến trường ở Việt Nam khi chiến tranh vẫn đang diễn ra", Tướng Huy nói.
Ngày 15/9/1973, trong cuộc mít tinh tiếp đón Chủ tịch Fidel Castro và Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng phái đoàn có hàng vạn cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng giải phóng.
Chủ tịch Fidel Castro đã đề nghị 2 sĩ quan của Quân đội nhân dân Việt Nam báo cáo tình hình chiến đấu giải phóng Quảng Trị, đặc biệt là báo cáo về 81 ngày đêm chiến đấu giữ thành cổ.
"Tôi lúc đó là Phó Tư lệnh sư đoàn 325, đơn vị trực tiếp chiến đấu, giữ thành cổ Quảng Trị đã lên báo cáo về sự ác liệt, sự hy sinh và thắng lợi của chúng ta. Người thứ hai lên báo cáo là ông Trần Trọng Trai, lúc đó là Tham mưu trưởng Sư đoàn 304.
Sau đó Chủ tịch Fidel Castro nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân với một tình cảm rất sâu sắc. Lúc đầu vị Lãnh tụ này đứng ở trên bục để nói chuyện, nhưng sau đó ông đã xuống trực tiếp đi lại trước cán bộ, chiến sĩ và nhân dân để nói cho thân mật", Tướng Huy cho biết.
Chủ tịch Fidel Castro ca ngợi tinh thần chiến đấu anh dũng, sự hy sinh của quân và dân ta để làm nên thắng lợi. Ông khẳng định thắng lợi của Việt Nam đã động viên nhân dân nhiều nước thế giới để đánh thế lực phản động. Cuối cùng Chủ tịch Fidel Castro đã phất cao lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và dõng dạc hô to: "Các đồng chí hãy mang lá cờ bách chiến bách thắng này cắm tại Sài Gòn!", "Hẹn gặp lại tại Sài Gòn sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng!". Cũng chính tại đây, Chủ tịch Fidel Castro đã nói câu lịch sử: "Vì Việt Nam, Cu Ba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình".
Để bảo vệ tuyệt đối bí mật và an toàn chuyến đi đặc biệt của Chủ tịch Fidel Castro, một mặt chúng ta vẫn bố trí lực lượng đón Chủ tịch Fidel ở Hải Phòng như kế hoạch cũ. Mặt khác, trên phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta thông báo cuộc hội đàm giữa 2 đoàn Việt Nam và Cuba diễn ra ở Hà Nội vào ngày 15/9/1973, nhưng vào thời điểm đó, một lực lượng của Trung đoàn 600 (Công an nhân dân vũ trang) đã vào Quảng Trị trước để làm công tác tiền trạm và bảo vệ địa điểm.