Năm 2009, cụm đảo Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, Hội An, Quảng Nam) đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới với hơn 950 loài thủy sinh đang được bảo tồn. Hệ sinh thái, môi trường thiên nhiên nơi đây như rừng, biển, bãi tắm, suối nước,… hiện vẫn được đánh giá còn giữ nguyên vẹn nét nguyên sơ. Chính đặc điểm này khiến “hòn ngọc thô” Cù Lao Chàm đang trở thành địa điểm du lịch sinh thái có sức hút đặc biệt với du khách trong và ngoài nước mỗi khi tới Hội An.
Vào mùa hè, mỗi ngày Cù Lao Chàm đón hơn 3500 du khách đến tắm biển và thăm thú cảnh đẹp tự nhiên. Ảnh: Thanh Giang/VNP
|
Dấu ấn Khu dự trữ sinh quyển thế giới
Ngày 29/5/2009, với hệ động thực vật phong phú và những di tích lịch sử có tuổi đời hàng trăm năm, Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới trong phiên họp thứ 21 của Ủy ban Điều phối quốc tế chương trình con người và sinh quyển diễn ra tại đảo Jeju (Hàn Quốc).
Không phải là hư danh, mà từ xa xưa đảo Cù Lao Chàm đã vang danh trên bản đồ giao thương thế giới. Cù Lao Chàm là một di tích văn hoá lịch sử gắn với sự hình thành và phát triển của đô thị thương cảng Hội An.
Cụm đảo Cù Lao Chàm gồm 1 hòn đảo chính và 7 hòn đảo nhỏ xung quanh, với tổng diện tích trên 15km2, trong đó rừng chiếm khoảng 90%.
Hiện nay, Cù Lao Chàm còn lưu giữ nhiều di tích thuộc các nền văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa, Đại Việt, với các công trình kiến trúc cổ của người Chăm và người Việt có niên đại vài trăm năm.
Trước đó, tháng 10/2003, Khu Bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm được thành lập để giữ gìn sinh vật hoang dã trên đảo, là một trong 15 Khu bảo tồn biển của Việt Nam (số liệu năm 2007).
Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm bao gồm 8 hòn đảo lớn nhỏ nằm trong hơn 5000 ha diện tích mặt nước rất thích hợp các loại hình du lịch, thể thao trên biển như: đi tàu đáy kính ngắm san hô, bơi vượt biển từ Cù Lao Chàm vào Cửa Đại, câu đêm… Ảnh: Thanh Giang/VNP
|
Hiện nay, Hòn Lao được biết đến là đảo lớn nhất tại Cù Lao Chàm, nơi tập trung dân cư sinh sống. Trên đảo Hòn Lao có nhiều núi, ngọn cao nhất 517m. Hệ thực vật phong phú, với nhiều cánh rừng nguyên sinh chứa nhiều cây gỗ quý như: gõ đỏ, kiền kiền, chò, xoan núi, mây, song… Đây đồng thời cũng là nơi cư trú của rất nhiều loại động vật hoang dã, các loại chim biển, đặc biệt là loại chim yến. Theo các tài liệu lịch sử, yến sào ở đây được con người tổ chức khai thác từ thế kỷ XVII. Trên đảo còn có miếu thờ ông tổ nghề khai thác yến sào.
Sự đa dạng các hệ sinh thái của Cù Lao Chàm thấy rõ qua các cảnh quan trên cạn và dưới nước: cồn cát, thảm cỏ biển, rạn san hô, rong biển, rừng tự nhiên… Đây chính là tiền đề cho sự phát triển đa dạng các dịch vụ du lịch sinh thái độc đáo tại hòn đảo này.
Những chỉ dẫn du lịch Cù Lao Chàm
Ngay sau những ngày đầu tiên Cù Lao Chàm được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, chính quyền thành phố Hội An đã xây dựng các kế hoạch phát triển du lịch sinh thái bền vững tại hòn đảo này gắn với các phong trào bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, sau hơn 10 năm khai thác du lịch, Cù Lao Chàm vẫn được đánh giá là một trong những hòn đảo giữ được vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên, cùng sự phong phú đa dạng của hệ sinh thái động thực vật.
Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm - nơi du khách có thể tìm hiểu về lịch sử hình thành, các phong tục tập quán, lễ hội văn hóa, có loài sinh vật của ngư dân bản địa.
Tại Cù Lao Chàm, các hoạt động mang tính địa phương luôn được các du khách đánh giá cao. Nổi bật trong đó là hoạt động lặn biển ngắm san hô. Hoạt động lặn ngắm san hô và sinh vật biển ở Cù Lao Chàm luôn kích thích, hấp dẫn thu hút du nhiều khách.
|
Đảo Cù Lao Chàm là hòn đảo nằm ngoài khơi vùng biển phía đông Hội An, cách cảng Cửa Đại 18km và cách Đà Nẵng 48 km. |
Ẩm thực của vùng đất này cũng là một điểm cộng không thể bỏ qua với các du khách. Sản vật phong phú này đã tạo nền ẩm thực đa sắc đa vị cho Cù Lao Chàm. Các món ăn nổi bật như: ốc vú nàng, mực một nắng, cua đá, bào ngư, bánh ít lá gai, rong biển,… Sự phong phú của các sản vật biển đã cho thấy sự ưu ái của thiên nhiên với vùng đất này đồng thời cho thấy hệ sinh thái biển nơi đây vẫn trù phú, nguyên sơ như chính đánh giá của UNESCO.
Để trải nghiệm trọn vẹn vẻ đẹp của “hòn ngọc xứ Quảng”, chắc hẳn du khách không thể bỏ qua những gợi ý từ những người bản địa. Theo đó, thời tiết thuận lợi nhất để đến thăm Cù Lao Chàm được gợi ý là từ tháng 3 – 8. Đây là khoảng thời gian mà Cù Lao Chàm có thời tiết đẹp, nắng ấm và biển lặng.
Trong một vài năm trở lại đây, để đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước, hệ thống lưu trú của Cù Lao Chàm phát triển với các loại hình homestay chất lượng.
Một hòn đảo nằm hoàn toàn ngoài khơi, lại có những khu rừng nguyên sinh, cùng những di tích văn hóa lịch sử hàng trăm năm, nơi thiên nhiên như còn được giữ nguyên bản vẻ đẹp hoang sơ,… tất cả tạo lên sức hút đặc biệt của hòn ngọc xứ Quảng – Cù Lao Chàm./.
Bài: Thảo Vy
Ảnh: Tất Sơn, VNP và Tư liệu Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm
Nguồn: Báo Ảnh Việt Nam
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/dat-nuoc-con-nguoi/suc-hut-cu-lao-cham-20211217114801999.htm
|