(HNMCT) - Chùa Ái Mộ (Thiên Định tự) nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 3km, thuộc địa bàn tổ 5, phường Ngọc Lâm (quận Long Biên). Đây là công trình Phật giáo được khởi dựng từ rất sớm.
Theo 18 tấm bia đá được lưu giữ trong khuôn viên, ngôi chùa này đã được tu sửa rất nhiều lần trong khoảng thời gian từ năm 1772 cho đến năm 1937. Do nhiều yếu tố khách quan nên kiến trúc gốc của chùa đến nay không còn nguyên vẹn. Chùa Ái Mộ hiện mang dấu ấn kiến trúc của lần trùng tu lớn hồi cuối thế kỷ XIX.
Chùa Ái Mộ có địa thế khá đẹp, nằm dưới đê Long Biên - Xuân Quan chạy dọc hàng chục kilômét qua địa bàn quận Long Biên, huyện Gia Lâm (Hà Nội) sang tới Hưng Yên. Trước cổng chùa là triền đê quanh năm cỏ mọc tươi tốt cùng hệ thống cây xanh bao quanh khuôn viên, tạo nên không gian trong lành, yên tĩnh. Từ triền đê dẫn xuống cổng chính là 20 bậc thang. Tam quan được trang trí cầu kỳ, gồm 2 tầng, với gác chuông, lầu khánh. Đi sâu vào trong là khuôn viên rộng rãi, uy nghiêm, gồm khu chùa chính, nhà Tổ, nhà Mẫu... Khu chùa chính được xây theo lối kiến trúc hình chữ Đinh, gồm 7 gian tiền đường và 4 gian dọc của thượng điện, được thiết kế theo kiểu tường hồi bít đốc. Bộ khung có kết cấu kiểu “thượng giá chiêng, kẻ nách, hạ bẩy hiên” với các họa tiết trang trí đơn giản. Các gian của thượng điện được trang trí bằng các bức y môn chạm khắc với nhiều đề tài, mang nét đặc trưng của phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Trong chùa có các lớp tượng Phật như Tam thế, A Di Đà tam tôn, Di Lặc... Mỗi pho tượng được tạo tác tinh xảo, toát lên vẻ đẹp tao nhã, uy nghiêm, cho thấy trình độ cao và tay nghề khéo léo của các nghệ nhân xưa. Trong số đó, giá trị nhất là bộ tượng Tam thế mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX. Ngoài ra, tại chùa hiện còn lưu giữ nhiều di vật quý như 18 tấm bia đá, 2 chuông đồng có niên đại năm 1888 cùng hệ thống hoành phi, câu đối, y môn, long ngai, khám thờ… được sơn son thếp vàng lộng lẫy. Đây là nguồn sử liệu quý giá về quá trình tồn tại, phát triển của chùa Ái Mộ trong dòng chảy Phật giáo nói chung của Việt Nam. Nhiều thế kỷ qua, chùa Ái Mộ luôn là một trong những trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng của cư dân quận Long Biên và khu vực lân cận.
THUỶ HƯƠNG
Nguồn hanoimoi.com.vn
https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xua-va-nay/825286/chua-ai-mo
|