TS. Trần Trọng Dương hiện nay là Trưởng phòng nghiên cứu minh văn của Viện Hán Nôm
|
TS Trần Trọng Dương tâm sự rằng con đường anh đến với sự nghiệp nghiên cứu lịch sử là một chuỗi nhân duyên.
Trần Trọng Dương từng học chuyên Văn trường PTTH Đông Đô, Hà Nội. Anh là người đất Chèm- Vẽ, từ bé, hàng ngày khi đi học, anh đều bước chân trên những ngõ xóm trải gạch lan nhai, chơi đùa dưới các mái đình cong vút và cổ kính. Văn hóa truyền thống đã đi từ ấu thơ vào cuộc đời anh.
Nhưng rồi ngẫu nhiên, khi học khoa Văn (ĐHKHXH &NV), anh biết khoa có bộ môn Hán Nôm nên đã quyết định học ngành này, vì nghĩ rằng học văn có thể tự học, còn Hán Nôm thì phải có trường lớp cơ bản. Nhiều năm dùi mài kinh sử, càng học càng thấm, Hán Nôm đã mở cho anh một con đường bước chân vào lịch sử sâu thẳm của văn hóa Việt Nam.
Viện Nghiên cứu Hán Nôm nơi TS Trần Trọng Dương đang công tác đã hơn 20 năm thực hiện số hóa nhiều công trình di sản tư liệu chữ viết cổ của Việt Nam. TS Trần Trọng Dương đã kế thừa những tinh hoa và con đường của các cộng sự đi trước về số hóa di sản nhưng anh chọn một lối đi riêng để trả lời câu hỏi “ Đi tìm những gì mình không biết”, đó là anh tìm cái mới trong con đường cũ từ những di sản nghìn năm còn sót lại.
TS Trần Trọng Dương đam mê nghiên cứu các cổ vật thời Lý - Trần
|
Năm 2011, anh đọc được nguyên bản văn bia Sùng Thiện Diên Linh (khắc năm 1121) về chùa Diên Hựu và thấy đây là một ngôi chùa được xây dựng với mặt bằng mandala mô phỏng một tiểu vũ trụ theo thế giới quan Phật giáo, và tháp Một Cột nằm ở trung tâm chùa đã mô phỏng ngọn núi Tu Di (Meru)- ngọn núi hoa sen nằm ở trung tâm của một tiểu thế giới. Anh quyết định chọn kiến trúc Lý để nghiên cứu chuyên sâu và di sản số hóa.
Có thể nói thời đại Lý là giai đoạn phát triển đỉnh cao về văn hóa Phật giáo tại Việt Nam. Tuy nhiên, những công trình Lý lại bị bào mòn bởi thời gian trong đó có cả những tàn phá của chiến tranh nên kiến trúc của thời kỳ này không còn hiện trạng cũ mà chứng tích hiện nay chỉ còn là hàng ngàn mảnh vụn khảo cổ và phế tích kiến trúc. Anh đã phục dựng mặt bằng mandala chùa Diên Hựu từ thế giới quan Phật giáo, và phỏng dựng lại toàn bộ chùa tháp Diên Hựu thông qua tư liệu bi ký và cứ liệu khảo cổ học. Tất cả các chi tiết được dựng phỏng dựng gồm cả trang trí, thiết kế, kỹ thuật xây dựng, tư tưởng, ý niệm triết học để truyền tải đến người xem một cách trọn vẹn hình ảnh của kiến trúc Lý qua công nghệ ảo là cách làm mới cả về học thuật lẫn tư duy.
TS. Trần Trọng Dương chia sẻ với các bạn trẻ về trải nghiệm công trình kiến trúc Chùa Một Cột thời Lý bằng công nghệ ảo
|
-Sinh năm 1980, TS Trần Trọng Dương hiện là Trưởng phòng Nghiên cứu Minh văn của Viện Nghiên cứu Hán Nôm và là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu như: Tư tưởng nhân bản của Nho học Tiên Tần (2005), Thiền tông khóa hư ngữ lục (2009), Văn Miếu- những giá trị văn chương (2010), Nguyễn Trãi quốc âm từ điển (2014), Kiến trúc một cột thời Lý (2013),…
- Anh là giảng viên sau ĐH của GASS, thỉnh giảng và giao lưu học thuật tại một số trường ĐH của Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ để giới thiệu về di sản văn hóa Việt Nam. |
Công trình Chùa Một Cột qua công nghệ ảo là một trong những sản phẩm đầu tiên trong chương trình tái lập các di sản kiến trúc- mỹ thuật thời Lý như: Chùa Một Cột, Đài đèn Quảng Chiếu, chùa tháp Sùng Thiện Diên Linh, chùa Ngưỡng Sơn Linh Xứng ... Trong đó, chùa Một Cột được hình ảnh hóa cấu trúc bình đồ và nghệ thuật kiến trúc thời Lý để người xem có thể bước vào lịch sử, bước đi trong không gian vàng son của nghệ thuật kiến trúc cung đình.
Theo TS Trần Trọng Dương: "Nghiên cứu đầy đủ hơn về chùa Một Cột, từ đó nhận ra những tương đồng, thống nhất và chứng minh đó là một dạng kiến trúc mô phỏng thế giới quan Phật giáo. Với những tư liệu hình ảnh, bản vẽ và sử liệu, văn hóa, tôn giáo, được xử lý bằng công nghệ thực tế ảo, hình ảnh chùa Một Cột thời Lý đã được phác thảo, phục hồi một cách công phu".
Ưu điểm của công nghệ ảo là giúp các nhà nghiên cứu có thể kiểm tra được độ chính xác của công trình và tháo dỡ các chi tiết để có thể chỉnh sửa. Việc tái dựng chùa Một Cột bằng thực tế ảo qua đó cũng đã mở ra hướng ứng dụng mới trong nhiều lĩnh vực: giáo dục lịch sử, phim trường ảo, thuyết minh bảo tàng…
TS. Trần Trọng Dương đã xuất bản 10 đầu sách về Hán Nôm và Ngôn ngữ học, văn hóa Phật giáo - Nho giáo, hơn 100 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học và là diễn giả tại nhiều hội thảo quốc tế về ngôn ngữ, văn học, lịch sử, văn hóa. |
Sản phẩm này khi triển lãm, chỉ trong một tuần đã thu hút 3500 người đến trải nghiệm, đây là sự cổ vũ rất lớn với những người làm nghiên cứu như TS Trần Trọng Dương. Đặc biệt di sản số hóa thời Lý đã được một số giáo sư tại các viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước đánh giá cao. Các sản phẩm của dự án gồm ảnh 3D, phim 3D, VR3D,… đã được công bố online miễn phí để lan tỏa văn hóa kiến trúc Phật giáo thời Lý đến cộng đồng. Một số giáo sư tại Đại học Quốc gia, ĐH Columbia, Đại học Cornell của Mỹ đã xin bản phim 3D làm bài giảng cho các chương trình giảng dạy Việt Nam học của trường. Trang Khảo cổ học Châu Á đã đưa tin về công trình. ĐH Full Bright đang đề xuất đưa các sản phẩm này làm chuyên đề giảng dạy về Lịch sử văn hóa và nhân văn số thức (Digital Humanity) tại VN.
Để có thành công một phiên bản ảo về Kiến trúc thời Lý với TS Trần Trọng Dương đã gặp được những cộng sự cùng chí hướng như nhà thiết kế Trần Thanh Tùng (Hội quán Di sản), KTS Đinh Anh Tuấn, cùng tham gia một cuộc chơi liên ngành gồm văn hóa, lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật…Trong thời gian tới TS Trần Trong Dương mong muốn công trình kiến trúc Lý sẽ hiện thực hóa một số giả thuyết khác để các nhà khoa học đánh giá, góp ý để có thể chỉnh sửa thành phiên bản mới, hoàn thiện hơn. Đồng thời, anh cùng Sen Heritage đang ấp ủ nhiều sản phẩm ứng dụng (như game lịch sử) để có thể tiếp tục lan tỏa di sản Việt đến cộng đồng./.
Bài: Bích Vân - Ảnh: Việt Cường/ Báo Ảnh Việt Nam
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/dat-nuoc-con-nguoi/ts-tran-trong-duong-tren-hanh-trinh-so-hoa-di-san-kien-truc-phat-giao-thoi-ly-20210614091644201.htm