Thác Trái Tim ở bản Sin Suối Hồ là điểm đến tuyệt vời cho du khách.
Ảnh: Nguyễn Luân/VNP
|
Nằm ở độ cao 1.500m so với mực nước biển bản Sin Suối Hồ trong tiếng Mông có nghĩa là “suối có vàng”. Cái tên ấy đủ gợi lên cho du khách về một bản nhỏ bình yên, đầy cây trái với những thác nước, khe suối rì rào suốt đêm ngày. Gọi là suối vàng, bởi Sin Suối Hồ có gốc tiếng Quan Hỏa mà chữ sin tức kim nghĩa là vàng. Cái suối này nghe nói, có rất nhiều vàng, nhưng xưa nay dân bản không ai đào, đãi gì ở đây, nó được bảo vệ nguyên vẹn, sơ khai.
Ở Sin Suối Hồ có 10 hộ gia đình làm homestay; mỗi homestay đều có cổng chào, biển báo bằng gỗ với dòng chữ tết bằng dây thừng hoặc dây mây ghi số điện thoại, các dịch vụ, tên chủ nhà... Mọi thứ đều thân thiện với thiên nhiên. |
Bản Sin Suối Hồ được bao quanh bởi một khu rừng nguyên sinh đẹp đến ngỡ ngàng. Đường lên thác Trái Tim phải đi xuyên qua một khu rừng nguyên sinh, dọc theo con suối Vàng. Từ trung tâm bản lên thác dài độ 1.500 m, nhưng phải luồn rừng, leo dốc. Từ năm 2015, cả bản đã huy động tất cả các hộ tập trung xuống suối bê từng hòn đá cuội lên xếp thành con đường độc đáo, nên đi lại dễ dàng hơn, vừa đi vừa thưởng thức, nhấm nháp cái hoang sơ nơi rừng già của thiên nhiên.
Đến Sin Suối Hồ du khách không khỏi ngỡ ngàng khi được tận mắt thấy những ngôi nhà gỗ, nhà trình tường với lối kiến trúc mang nét đặc trưng của người Mông. Điểm nhấn độc đáo của những ngôi nhà này là hàng rào đá được xếp bằng tay bao quanh nhà, ở một số ngôi nhà đường vào còn được tô điểm bằng những chậu địa lan rất đẹp. Cấu trúc này vừa tạo sự chắc chắn cho ngôi nhà, vừa có công dụng làm mát vào mùa Hè và giữ ấm vào mùa Đông. Đến nay, tại bản Sin Suối Hồ còn giữ được hàng chục ngôi nhà trình tường truyền thống, tạo nên phong cảnh hữu tình đồng thời làm tăng thêm sức hấp dẫn đối với du khách.
Khu rừng nguyên sinh quanh bản Sin Suối Hồ. Ảnh: Tất Sơn/VNP
|
Chợ phiên Sin Suối Hồ cũng là một điểm du lịch hấp dẫn với khách tham quan. Tại đây, khách du lịch có thể tham gia trải nghiệm vào các hoạt động như xay gạo, mài vải mật ong…Chợ họp mỗi tuần 2 phiên vào tối thứ 4 và ngày thứ 7. Chợ không chỉ là nơi giao thương buôn bán mà còn là điểm đến để bà con giao lưu, gặp gỡ, sinh hoạt văn hóa cộng đồng của dân tộc thiểu số. |
Không chỉ có vậy, Sin Suối Hồ còn hấp dẫn du khách bởi đời sống văn hóa tinh thần phong phú với những bản tình ca, những khúc nhạc, điệu khèn Mông làm say đắm lòng người. Phụ nữ Mông ở bản hiện vẫn mặc, dệt các trang phục truyền thống từ vải lanh và gìn giữ kỹ thuật vẽ sáp ong trên vải độc đáo được trao truyền qua nhiều thế hệ.
Sin Suối Hồ có 136 hộ dân, 700 nhân khẩu, 100% là người Mông, trong đó có 10 hộ gia đình tham gia phát triển du lịch cộng đồng. Hiện nay, bản Sin Suối Hồ có thể đón tiếp cùng lúc hơn 100 du khách/ngày đêm với mức giá dao động từ 70.000 - 100.000 đồng/người/đêm. Trung bình mỗi năm, Sin Suối Hồ đón khoảng 100 nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm các dịch vụ.
Theo anh Anh Vàng A Chỉnh - Trưởng bản Sin Suối Hồ, với “mỏ vàng” là tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa phong phú, đa dạng, Sin Suối Hồ đã và đang trở thành bản du lịch cộng đồng thu hút du khách trong và ngoài nước và nơi đây đã trở thành “điểm sáng” về du lịch cộng đồng của tỉnh Lai Châu bởi cách làm bài bản, ý thức và tác phong chuyên nghiệp của người dân./.
Tất Sơn - Nguyễn Luân - Quý Trung/ Báo Ảnh Việt Nam
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/dat-nuoc-con-nguoi/sin-suoi-ho-diem-du-lich-an-tuong-o-lai-chau-20210518102315680.htm