Giải mã kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý: Dấu ấn một chặng đường Giải mã kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý: Dấu ấn một chặng đường , Người xứ Nghệ Kiev
(HNMCT) - Viện Nghiên cứu Kinh thành vừa công bố những nghiên cứu bước đầu về hình thái kiến trúc cung điện thời Lý và khẳng định, cung điện Việt Nam xưa tráng lệ, quy mô không kém cố cung của các nước châu Á khác. Đây là dấu ấn quan trọng, mở ra cơ hội nghiên cứu chuyên sâu về các triều đại khác, đồng thời lan tỏa niềm tự hào đến đông đảo người dân...
Phục dựng kiến trúc thất truyền
Quá trình khai quật tại 18 Hoàng Diệu (năm 2002 - 2004) và khu vực xây dựng Nhà Quốc hội (năm 2008 - 2009) đã hé lộ một quần thể gồm 53 dấu tích nền móng công trình kiến trúc, 7 móng tường bao, 6 giếng nước... Theo các nhà khảo cổ học, đó là minh chứng xác thực về lịch sử xây dựng kinh đô Thăng Long dưới thời vương triều Lý. Nhờ phát hiện quan trọng này, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long sau đó đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới (tháng 10-2010).
Từ các di vật, dấu tích nền móng được tìm thấy dưới lòng Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, các nhà khảo cổ cho rằng, kiến trúc của cung điện thời Lý xưa kia phần lớn được làm bằng gỗ và có bộ mái lợp ngói ống trang trí hình lá đề độc đáo mà các nước trong khu vực không có. Tuy nhiên, hình thái kiến trúc cung điện thời Lý vẫn là một “ẩn số” và đã bị thất truyền bởi các dữ liệu lịch sử không được ghi chép đầy đủ. Vì vậy, sau hơn 10 năm kể từ khi được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, hình ảnh Hoàng thành Thăng Long và vẻ đẹp của kiến trúc cung điện xưa vẫn chưa thể “hiện diện” trước công chúng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành chia sẻ: “Để giải mã được hình thái kiến trúc cung điện thời Lý, nếu chỉ dựa vào kết quả của các cuộc khai quật thì chưa đủ. Đây là thách thức lớn với các nhà khoa học bởi lẽ các kiến trúc cổ đã bị thất truyền, còn các kiến trúc gỗ ở miền Bắc chủ yếu là kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng mà không phải là kiến trúc cung đình”.
Từ năm 2009 - 2016, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kinh thành đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu dựa trên 4 nguồn tư liệu: Khảo cổ học, mô hình kiến trúc, tư liệu minh văn và tư liệu điều tra, so sánh với các cung điện cổ của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Dấu ấn thành công của quá trình này là việc giải mã thành công kiến trúc đấu củng - một loại kết cấu đỡ mái, gồm hai bộ phận “đấu” và “củng”, được dùng để đỡ một cấu kiện khác bên trên. Từ cấu kiện này cùng với các phương pháp nghiên cứu khác, các nhà khoa học có thể biết được hình thái của bộ mái và phỏng dựng lại kiến trúc cung điện thời Lý. Kết quả này cũng cho thấy, tại Hoàng thành Thăng Long đã từng tồn tại cung điện nguy nga, tráng lệ với những sắc thái độc đáo. “Điều này góp phần làm rõ giá trị của Khu di sản Hoàng thành Thăng Long và khơi dậy niềm tự hào về kinh đô nghìn năm văn hiến”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Minh Trí nói.
Lan tỏa niềm tự hào
10 năm đã qua kể từ ngày Viện Nghiên cứu Kinh thành, tiền thân là Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) được thành lập (28/4/2011 - 28/4/2021). Với chức năng nghiên cứu chuyên sâu về kinh thành cổ Việt Nam, nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ trong thiết kế trưng bày bảo tàng và bảo tồn di sản văn hóa..., Viện Nghiên cứu Kinh thành thực hiện nhiều dự án lớn như “Chỉnh lý, nghiên cứu, đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học khu di tích Hoàng thành Thăng Long”, “Trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội”...
Không dừng ở đó, Viện còn đạt những thành tựu nổi bật trong việc thiết kế, trưng bày bảo tàng, quảng bá di sản văn hóa, được thể hiện qua các dự án: “Trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội” (tại Hà Nội), “Trưng bày quảng bá di sản văn hóa thời Đinh - Tiền Lê” (tại di tích Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình). Các dự án này đều thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng và các nhà khoa học khi ứng dụng công nghệ hiện đại vào việc trưng bày, tái hiện và tạo mối tương tác giữa hiện vật, tư liệu với người xem và không gian di sản. Lần đầu tiên tại Việt Nam, người ta chứng kiến cảnh công chúng nườm nượp kéo tới một điểm trưng bày để tìm hiểu về lịch sử vàng son của kinh đô Thăng Long với những ấn tượng, cảm xúc đặc biệt.
Đánh giá cao công sức, tâm huyết của các cán bộ Viện Nghiên cứu Kinh thành, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho rằng: “Dự án Trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội thể hiện sự đầu tư nghiêm túc, khoa học cùng những ý tưởng sáng tạo, độc đáo, tạo nên một khu trưng bày mang đẳng cấp quốc tế. Đây là cơ hội để ngành Khảo cổ học ngày càng tiến gần đến công chúng, góp phần lan tỏa niềm tự hào về lịch sử của cha ông”.