Làm nghề gần 70 năm, chứng kiến sự thay đổi kiểu cách mẫu mã của áo dài Việt Nam, bà Lê Thị Quyến luôn học hỏi không ngừng nghỉ. Bởi thế những chiếc áo liền vai, cao cổ, dài vạt thời xưa đến những chiếc áo dài cách tân thời nay bà đều làm được
|
Bí quyết của tiệm may đi qua hai thế kỷ
Tiệm may Vinh Trạch (Lương Văn Can, Hoàn Kiếm, Hà Nội) của vợ chồng bà Lê Thị Quyến là một trong những tiệm may áo dài đầu tiên được mở ra đầu những năm 1990 của thế kỷ trước.
Hơn 30 năm nay, mặc cho rất nhiều cửa hàng may áo dài hiện đại đã mọc lên trên khắp các con phố trung tâm của Hà Nội, tiệm may nhỏ, giản dị của bà Quyến vẫn đều đặn mở cửa từ 8h sáng đến tối muộn để đón khách.
Khách hàng của bà Quyến rất phong phú, từ những khách hàng là người Việt Nam cho đến các khách hành người nước ngoài đến du lịch, hay sinh sống và làm việc tại Việt Nam, hay thậm chí là những khách hàng được cho là “khó tính nhất” Hà Nội. Đặc biệt, bà Quyến còn nhận không ít đơn đặt hàng may áo dài gửi đi các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Pháp.... Đây là điều mà không nhiều tiệm may áo dài có được.
Bí quyết mà nhiều khách hàng quay trở lại tiệm may của bà Quyến chia sẻ đó là: “Từng đường kim mũi chỉ của chiếc áo dài đều được bà Quyến chăm chút và khâu hoàn toàn bằng tay”.
Theo bà Lê Thị Quyến, việc khâu áo dài bằng tay khiến cho chiếc áo dài “có hồn”. Đó cũng là kỹ thuật và bí quyết nghề đặc biệt của làng nghề Trạch Xá, quê hương gốc của bà. Theo đó, từng chiếc áo dài của tiệm may Vinh Trạch đều được nắn nót từng đường kim mũi chỉ để vừa vặn với số đo của người mặc.
Tuy là một cửa hàng nhỏ, nhưng khách hàng vẫn “mãn nhãn” với các mẫu áo dài may đúng chuẩn truyền thống cho đến các mẫu hiện đại. Để tiệm may có thể tồn tại và đi qua hai thế kỷ, bà Quyến không ngừng học hỏi mỗi ngày để nắm bắt được xu hướng của xã hội và tâm lý khách hàng.
Bà Quyến cho rằng một chiếc áo dài đẹp nhất phải được chăm chút từng đường kim mũi chỉ. Đã ngoài 80 tuổi thế nhưng việc xâu kim hay đo áo đối với bà dễ dàng như nhặt mớ rau
|
Là người làm nghề hơn 70 năm, chứng kiến sự thay đổi kiểu cách mẫu mã của áo dài Việt Nam, bà Quyến vì thế cũng có thể may được từ những chiếc áo liền vai, cao cổ, dài vạt thời xưa đến những chiếc áo dài cách tân thời nay. Kiểu cách là vậy, nhưng khách hàng vẫn quay lại tiệm của bà phần lớn có nhu cầu về chiếc áo dài đúng chuẩn truyền thống.
Mặc dù hiện nay, nghề may nói chung và nghề may áo dài nói riêng đã có rất nhiều máy móc để thay thế các công đoạn, nhưng bà Quyến vẫn cố gắng giữ tối đa các công đoạn tạo ra chiếc áo dài bằng làm thủ công.
Người "giữ lửa nghề" của gia đình
Hiện nay, mặc dù gần 80 tuổi, nhưng khách hàng vẫn luôn ngạc nhiên về sự tinh tưởng, khéo léo của bà Quyến khi bà vẫn tự tay đo, cắt, xâu kim rồi khâu từng chiếc áo. “Làm nghề từng đó năm, nghề đã ngấm vào máu. Chừng nào mắt còn tinh, tay còn khỏe, thì tôi vẫn làm”, bà Quyến chia sẻ khi được hỏi về việc vẫn trực tiếp may áo dài ở tuổi cao như bà.
Ngày nay, nhờ việc vải vóc và chỉ may đã được cải thiện chất lượng nên việc may chiếc áo dài đã dễ dàng hơn rất nhiều. Nhưng bà Quyến vẫn nhớ như in kỷ niệm may chiếc áo dài ngày xưa, do kỹ thuật làm kim, chỉ và vải không được như bây giờ, để làm được một chiếc áo, trên tay đầy vết đâm lỗ dỗ dớm máu. “Tuy nhiên, khi khách khoác lên tấm áo vừa vặn do chính tay tôi làm ra thì cảm giác vui lắm. Có một cặp vợ chồng già là là khách quen gần chục năm của cửa hàng tôi. Cứ mỗi dịp sinh nhật hay kỷ niệm, họ đều chở nhau bằng xe đạp đến đây may áo dài”, bà Quyến chia sẻ về niềm vui của nghề.
Bà Lê Thị Quyến tâm sự: “Gia đình tôi có 4 đời may áo dài. Từ năm 12 tuổi, tôi đã được theo bố đi may đo áo dài khắp các phố phường ở Hà Nội”
|
Bà Lê Thị Quyến là hậu duệ đời thứ bốn trong một gia đình có 4 đời làm nghề may áo dài tại làng tổ nghề may áo dài Trạch Xá (Ứng Hòa, Hà Nội). Sau do chiến tranh, cả gia đình bà chuyển vào Hà Nội và tiếp tục làm nghề may áo dài tại đây.
Từ năm 12 tuổi, khoác trên vai một chiếc bồ đà,bà Quyến theo cha đi khắp những phố phường Hà Thành để may đo cho các khách hàng. Vốn là con nhà nòi, khéo tay, nhanh nhẹn, chẳng mấy chốc, bà Quyến đã tự tay may được một bộ áo dài hoàn chỉnh cho khách.
Vậy là bà chính thức kế nghiệp cha mình. Hơn 70 năm trong nghề, trải qua biết bao thăng trầm cuộc sống, bà Quyến cũng chứng kiến biết bao thay đổi của chiếc áo dài Việt Nam, từ chiếc áo dài liền vai, vạt dài, cổ cao thời bao cấp đến chiếc ào dài vạt ngắn, cổ kiềng, cổ thấp bằng gấm, vải thêu như bây giờ.
Đối với bà, chiếc áo dài không đơn thuần là bộ quần áo, mà đó là giá trị thiêng liêng, truyền thống của gia đình. Giữa lòng phố cổ, tiệm may Vinh Trạch của gia đình bà như một minh chứng sâu đậm nhất cho việc kế thừa và phát huy nghề truyền thống của dân tộc./.
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Công Đạt/ Báo Ảnh Việt Nam
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/dat-nuoc-con-nguoi/le-thi-quyen-nghe-nhan-70-nam-gan-bo-voi-nghe-may-ao-dai-20210416100107663.htm