Trang chủ Liên hệ       Thứ bẩy, Ngày 10/05/2025
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
  -  Con Người Việt Nam
  -  Đất Nước Việt Nam
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Việt Nam Đất Nước Con Người >
  Tạc tượng gỗ ở làng Kon Du Tạc tượng gỗ ở làng Kon Du , Người xứ Nghệ Kiev
 

Người Mơ Nâm (Xơ Đăng) ở làng Kon Du, xã Măng Cành (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) tạc tượng gỗ dân gian không chỉ gắn liền với các lễ hội mà còn là cách để những người đang sống tưởng nhớ lại những kỷ niệm, hình ảnh gắn liền người đã mất trong làng. Những pho tượng gỗ như sợi dây kết nối, gửi gắm tình cảm của thế hệ con cháu với tổ tiên, giúp họ gìn giữ lối sống sinh hoạt, lao động, sản xuất truyền thống của dân tộc. Hiện nay, ở làng Kon Du, không chỉ đàn ông mà một số phụ nữ cũng biết tạc tượng gỗ.

 Nghệ nhân ưu tú A Gông cùng các thanh niên trong làng Kon Du tạc tượng gỗ. Ảnh: Đ.T

Tháng 4 đang là cao điểm của mùa khô Tây Nguyên, nhưng bên trong ngôi nhà sàn của nghệ nhân ưu tú tạc tượng gỗ dân gian A Gông (ở làng Kon Du, xã Măng Cành) thỉnh thoảng vẫn có những cơn gió thổi mát rượi lùa vào. “Thời tiết mùa này ở đây là vậy, dù trời có nắng nóng nhưng vẫn không thể thiếu không khí mát mẻ đặc trưng của vùng Đông Trường Sơn”, nghệ nhân A Gông vừa rót nước mời chúng tôi vừa nói.

Từ khi còn nhỏ, nghệ nhân A Gông đã thích tạc tượng gỗ. Mỗi lần người thân trong gia đình hay người làng tạc tượng gỗ, ông đều chăm chú ngồi xem. Vì đam mê nên ông chịu khó học hỏi, luyện tập rồi trở thành người tạc tượng gỗ thuần thục khi mới 20 tuổi. Phát huy được năng khiếu của bản thân, ông tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, ngày hội tạc tượng gỗ dân gian trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, ông còn nhiệt tình truyền dạy lại việc tạc tượng gỗ cho các thanh, thiếu niên trong làng.

“Để trở thành người tạc tượng gỗ giỏi, ngoài năng khiếu nghệ thuật, óc thẩm mỹ, bàn tay khéo léo còn cần có đức tính cẩn thận, kiên trì và nhẫn nại, bởi mọi ý tưởng, nhát chặt bằng rìu, nhát chặt bằng rựa hay đục bằng dao đều có sự tính toán và cần độ chính xác cao. Tạc sai một lần có thể phá hỏng ý định, hình dáng tổng thể của cả pho tượng đã xây dựng trước đó”, nghệ nhân A Gông cho biết.

Tìm được người có năng khiếu tạc tượng gỗ đã khó, thuyết phục họ học rồi truyền dạy còn khó hơn. Tuy nhiên, với sự cố gắng của nghệ nhân A Gông cùng nhiều người lớn tuổi khác trong làng, hiện nay ở làng Kon Du có rất nhiều thanh niên biết tạc tượng gỗ, như A Rể, A Naia, A Niêm, A Ia. Đặc biệt, ở làng Kon Du còn có một số phụ nữ biết tạc tượng gỗ.

Theo chia sẻ của nghệ nhân A Gông, không giống các dân tộc khác, tạc tượng gỗ gắn liền với tục làm nhà mồ, người Mơ Nâm ở làng Kon Du tạc tượng gỗ để tái hiện lại hình ảnh và tưởng nhớ người thân, người cao tuổi trong làng đã mất. Hình ảnh tượng được tạc thường được chọn gắn liền với đời sống, sinh hoạt hàng ngày, có thể là hình ảnh cha mẹ đi làm rẫy, đàn ông cầm rìu đi rừng, ông già đánh cồng chiêng, ông già cầm giáo, bà già giã gạo, bà già xách nước…

Thông thường, những pho tượng có kích thước nhỏ, đường kính khoảng 15cm, chiều dài khoảng 30-40cm. Hàng năm, khi đến các lễ hội của làng như lễ hội mừng chuồng trâu, người làng Kon Du sẽ cầm pho tượng trên tay rồi nhảy theo hình tròn trong nhà sàn hoặc ngoài sân cả đêm trong âm thanh cồng chiêng. Đến sáng sớm hôm sau, trước khi ra đồng gieo sạ, người làng sẽ ra phía sau nhà, cắm pho tượng trước chuồng trâu, gieo khoảng 20-30 hạt lúa xung quanh pho tượng để tổ tiên phù hộ cho gia đình có được một mùa vụ bội thu.

Ngày nay, khi xã hội phát triển, ngoài sử dụng công cụ rìu để phá thân gỗ, rựa để tạo hình thô và dao để tạo hình chi tiết, người làng Kon Du còn sử dụng bộ công cụ điêu khắc gỗ của thợ mỹ nghệ để thuận lợi và dễ dàng trong việc tạo hình các chi tiết nhỏ cần sự tỉ mỉ, như khuôn mặt, đôi mắt, ngón tay, ngón chân, hoa văn trên trang phục…

Ngoài tạc những pho tượng nhỏ để cầm trên tay, người làng Kon Du còn tạc những pho tượng lớn có đường kính 40cm, chiều cao 1,5m, để giao lưu với các dân tộc bạn. Vật liệu để tạc thường là gỗ cà chít, dổi, sơn đỏ, bởi đây là những cây có khả năng chống mối mọt và chống nứt cao.

 Tạc tượng gỗ là cách để tưởng nhớ về người đã mất. Ảnh: Đ.T

“Mỗi lần tham gia giao lưu tạc tượng gỗ dân gian với các dân tộc khác, chúng tôi có cơ hội giới thiệu nét đẹp văn hóa điêu khắc dân gian của người Mơ Nâm, thể hiện trình độ, sự khéo léo của bản thân và được học hỏi, tích lũy thêm kinh nghiệm thông qua kỹ thuật tạc tượng gỗ của các dân tộc khác. Như lần giao lưu tạc tượng gỗ dân gian với dân tộc Gia Rai ở tỉnh Gia Lai, chúng tôi học cách tận dụng tối đa những cây gỗ bị mục, bị cong để sáng tạo và tạc ra những pho tượng phù hợp với hình dáng của cây gỗ đó”, nghệ nhân A Gông cho hay.

Với những người tạc tượng gỗ dân gian ở làng Kon Du, cái hồn nằm trong mỗi pho tượng được thể hiện qua hình dáng cơ thể và khuôn mặt. Khuôn mặt, đôi mắt, chân mày, gò má, đôi tai, cái mũi, tất cả phải giống với người lúc còn sống. Tướng mạo họ thế nào, họ sống, sinh hoạt, lao động, sản xuất ra sao, người tạc tượng phải dùng trí nhớ của mình để tạc lại thật chính xác lên pho tượng.

Nghệ nhân A Gông cũng vậy, những hình ảnh, kỷ niệm với người thân, người lớn tuổi trong làng đã mất ông luôn nhớ rõ và khắc ghi trong lòng. Để rồi mỗi lúc rảnh rỗi, ông lại ngồi trước nhà sàn của gia đình, tạc những pho tượng gỗ để tưởng nhớ, gửi gắm tình cảm với những người đã mất.

Ánh chiều dần buông rọi lên những pho tượng nhỏ trước chuồng trâu. Nghệ nhân A Gông chia sẻ rằng, vào lễ chuồng trâu năm sau, dân làng sẽ nhổ pho tượng lên đem đi cất và tạc một pho tượng khác để thay thế vào. Có như vậy, cánh đồng trồng lúa của dân làng mới mãi xanh tốt, trĩu bông.

Theo baokontum.com.vn

Nguồn quehuongonline.vn

http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/tac-tuong-go-o-lang-kon-du-20210416090906300.htm



  Các Tin khác
  + Chiến thắng lịch sử 30/4 tạo nguồn cảm hứng, sức bật mới cho Việt Nam (02/05/2025)
  + 50 năm non sông liền một dải: Trái tim rực lửa tự hào! (01/05/2025)
  + 50 năm non sông liền một dải: Đại lễ của lịch sử (01/05/2025)
  + Vũ khí và khí tài tối tân tại lễ diễu binh 30.4 ở TP.HCM (30/04/2025)
  + LỄ DIỄU HÀNH MỪNG 50 NĂM NGÀY HỘI NON SÔNG 30.4. 1975- 30.4.2025 (30/04/2025)
  + Pháo thủ trên xe tăng 390 kể khoảnh khắc húc đổ cổng Dinh Độc Lập (28/04/2025)
  + Gieo mầm sáng tạo trên nền giấy xưa (27/04/2025)
  + Vẻ đẹp xuyên thời gian của TPHCM qua ''50 khoảnh khắc'' (23/04/2025)
  + Hồi ức ngày 30/4 của nữ biệt động duy nhất đánh vào Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân (22/04/2025)
  + Chương trình nghệ thuật "Đất Nước trọn niềm vui" kỷ niệm ngày thống nhất đất nước 30.4.1975 (22/04/2025)
  + Ký ức “những năm bom Mỹ trút trên mái nhà” (20/04/2025)
  + Không cần đi xa, Hà Nội cũng có mùa hoa vàng như mơ (15/04/2025)
  + Thân thương bánh giò Hà Nội (12/04/2025)
  + Nhộn nhịp du khách về thăm khu di tích địa đạo Củ Chi (08/04/2025)
  + Bầu trời Việt Trì rực sáng 15 phút, dân đổ về chiêm ngưỡng dịp Giỗ Tổ Hùng Vương (07/04/2025)
  + Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam Sư đoàn 470 kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập (06/04/2025)
  + Nữ đại tá tình báo giỏi nhất Việt Nam, được đặt tên cho 2 con đường là ai? (02/03/2025)
  + 50 năm Chiến thắng Tây Nguyên, nghệ thuật quân sự trong tác chiến chiến dịch (28/02/2025)
  + Ngôi nhà cổ hơn 240 tuổi có 80 cột gỗ lim ở Hội An (30/01/2025)
  + Chân dung 2 giáo sư Việt được bầu là viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới (06/12/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 31
Total: 69966852

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July