Một số sản phẩm quạt của làng nghề Bình Phú – Thạch Xá
|
Năm 2020 dưới sự tác động của dịch bệnh COVID- 19, nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề. Thế nhưng, với nghề làm quạt lá đề Bình Xá, đặc biệt thay lại là một năm làng nghề nhận được rất nhiều đơn hàng xuất khẩu quạt lá đề từ thị trường châu Âu và một số thị trường khác.
Đưa chúng tôi đi thăm các sơ sở sản xuất và đóng gói các sản phẩm quạt lá đề, anh Nguyễn Khắc Đồng, giám đốc Công ty Đại Việt, chuyên xuất khẩu các sản phẩm quạt lá đề và mây tre đan của xã Bình Phú cho biết, sản lượng xuất khẩu của công ty năm nay tăng gấp 3 lần so với các năm.
Trên bao bì đóng gói các sản phẩm quạt lá đề của công ty, chúng tôi thấy có 3 thứ tiếng được dịch trên đó, gồm tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha. Đây cũng chính là các thị trường nhập khẩu quạt lá đề của công ty, anh Đồng giới thiệu. Hiện nay, công ty đang gấp rút đóng gói các sản phẩm quạt lá đề cho các công hàng xuất khẩu.
Công ty Đại Việt (thành lập năm 2005) là một trong số các công ty lớn nhất tại xã Bình Phú chuyên xuất khẩu các mặt hàng mây tre đan của làng nghề, trong đó sản phẩm quạt lá đề là một trong những sản phẩm mũi nhọn. Công ty hiện có 3 nhà máy sản xuất, đóng gói sản phẩm.
Các quy trình tạo nên cây quạt lá đề Bình Xá được làm thành quy trình khép kín trong hộ gia đình bà Nguyễn Thị Dung (áo đen ngồi giữa).
|
Đồng hành cùng làng nghề từ khi còn là một cậu bé theo chân bố đi thu mua các sản phẩm mây tre đan trong làng, anh Đồng đồng thời là người chứng kiến sự thăng trầm của làng nghề. Theo anh Đồng, thời “hoàng kim” của làng nghề, đó là những năm đầu thập niên 1980, nghề mây tre đan ở làng rất phát triển. Khi đó, nhà nhà đều làm nghề, hàng làm ra không đáp ứng đủ nhu cầu của khách. Hàng chủ yếu được xuất khẩu sang các nước Đông Âu, Đông Á, … Bố anh Đồng, ông Nguyễn Khắc Đại khi đó đang là chủ nhiệm hợp tác xã mây tre đan của làng, là người nhận các đơn đặt hàng, sau đó giúp tiêu thụ các mặt hàng mây tre đan của làng đến các thị trường trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, khoảng đầu những năm 1990 đến năm 2000, trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm công nghiệp cùng loại tiện dụng, giá thành lại rẻ, khiến cho những sản phẩm quạt lá đề làm bằng thủ công của làng nghề mất dần vị trí.
Không chịu để nghề thủ công của làng nghề bị mai một, đồng thời tiếp nối công việc và tâm nguyện của bố với làng nghề, anh Đồng đã là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của làng dám mạnh dạn sáng tạo, cải tiến mẫu mã sản phẩm, từ đó tìm được đầu ra cho các sản phẩm quạt lá đề của làng nghề.
Theo đó, những chiếc quạt lá đề ngày nay có rất nhiều mẫu mã và hình thức phong phú bắt mắt, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các thị trường khác nhau. Hộ gia đình bà Nguyễn Thị Dung (thôn Bình Xá) là một trong những hộ sản xuất liên kết với Công ty Đại Việt cho biết, các thành viên trong gia đình bà, gồm 4 lao động đều tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất quạt lá đề. Bà Dung có thể đan được tất cả các mẫu quạt với màu sắc khác nhau theo các đơn đặt hàng.
Theo bà Dung, đan quạt lá đề cần sự cẩn thận và tỉ mỉ. Đầu tiên là chọn ống giang, để chọn được ống giang đẹp, người làm nghề phải đến chợ Lủa từ sớm tinh mơ. Ống giang tươi được thương lái đưa về từ Tuyên Quang, Yên Bái, Điện Biên. Đây là các vùng có sản phẩm ống giang đạt chất lượng, thẳng, to, màu xanh tươi, không bị lỗi nên được người làm nghề tin tưởng lựa chọn. Sau khi mua về, ống giang được phơi qua một nắng, cạo hết lớp vỏ xanh bên ngoài rồi mới chẻ lạt để đan quạt.
Hiện nay sản phẩm quạt lá đề của Bình Xá đã chinh phục được các thị trường khó tính nhất như: châu Âu, Nhật, Hàn…/.
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Trần Thanh Giang/ Báo Ảnh Việt Nam
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/khoi-sac-lang-nghe-quat-la-de-binh-xa-20210326094638081.htm