09/01/2021 15:52 | 0
(HNMCT) - Tại thôn Triều Đông (xã Tân Minh, huyện Thường Tín) có một ngôi chùa được làm bằng chất liệu sứ đặc biệt, hiếm thấy ở Hà Nội.
Triều Đông trước đây chỉ là một ngôi chùa nhỏ nằm ở góc làng. Năm 1942, nghệ nhân gốm nổi tiếng Đào Văn Can - người từng được tặng huy chương của Pháp và kim khánh của nhà Nguyễn, đã vận động người dân đóng góp xây dựng lại chùa Triều Đông bằng sứ. Hai bên tường của Tam bảo được đắp nổi cung Cửu Long bằng xi măng và sứ. Hai bên lối đi có khoảng 500 pho tượng mô tả thuyết nhân quả cùng các cõi của Phật giáo. Các pho tượng có kích thước đa dạng, từ 20 - 30cm cho đến 1 - 2m. Mỗi pho tượng mang một nét biểu cảm khác nhau nhưng rất chân thực, sinh động.
Mặt ngoài của chùa sử dụng chất liệu sứ miêu tả các tích dân gian, thể hiện sự gắn bó giữa văn hóa dân gian với Phật giáo. Đó là các tích Quan Âm Thị Kính, hình ảnh nhà vua tuần du... Dù công nghệ làm gốm sứ thời đó chưa phát triển nhưng nghệ nhân Đào Văn Can đã biết cách làm gốm rỗng ruột, vừa gọn nhẹ vừa tốn ít đất sét và dễ tạo hình.
Mái chùa được làm theo kiểu xếp chồng, trên nóc là cặp lưỡng long tranh châu. Hai bên đầu hồi bít đốc, mái thẳng không có đầu đao. Trên các cặp cột đều có đôi câu đối bằng chữ Hán, nổi bật nhất là bức đại tự ở chính giữa đề “Tịnh ngã lạc thường”. Trước mặt là một tiền sảnh nhỏ theo lối cách tân. Tất cả chữ Hán ngoài trời đều được đắp mảnh sành, sứ để tôn lên nét nổi bật cũng như giữ được nét chữ bền lâu với nắng mưa, thời gian. Ở sân chùa hiện còn có ban thờ nghệ nhân Đào Văn Can.
Mặc dù mang nhiều giá trị về văn hóa - kiến trúc nhưng đến nay chùa Triều Đông vẫn chưa được xếp hạng. Đây không chỉ là một công trình kiến trúc tôn giáo đặc sắc mà còn thể hiện tài nghệ của nghệ nhân gốm Đào Văn Can nói riêng và người Việt Nam nói chung.
NGUYỄN CÔNG
Nguồn hanoimoi.com.vn
http://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xua-va-nay/824100/doc-dao-chua-su-trieu-dong
|