Nếu Mã La là linh hồn của người Raglai thì loại nhạc cụ đơn sơ phỏng theo thanh âm của tiếng Mã La chính là đàn Chapi. Nhưng những nghệ nhân chế tác được đàn Chapi thì chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, Và nghệ nhân Ka Tơr Đôi (xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận) là một trong số những người còn lưu giữ những tiếng đàn Chapi.
Nghệ nhân Ka Tơr Đôi, dân tộc Raglai đang chế tác đàn Chapi
Nói đến văn hóa của dân tộc Raglai (Ninh Thuận) không thể không nhắc tới chiếc đàn Chapi nổi tiếng. Tiếng đàn Chapi từng là sợi dây kết nối tình cảm của con trai, con gái dân tộc Raglai, là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của dân tộc này. Trong chương trình giới thiệu văn hóa của dân tộc Raglai tại Hà Nội sẽ có hoạt động tái hiện không gian chế tác đàn Chapi, đan gùi và trình diễn nhạc cụ. Các nghệ nhân sẽ giới thiệu, hướng dẫn du khách tham gia chế tác nhạc cụ đàn Chapi.
Nghệ nhân Ka Tơr Đôi (người Raglai) cho biết: “ Tre để chế tác được đàn Chapi phải là ống tre gai tròn, vỏ bóng và mỏng, mọc trên những đỉnh đồi cao, vì mọc dưới thấp, rễ hút nhiều nước, tiếng kêu sẽ không thanh. Sau đó phải gác trên chái bếp 3-4 tháng cho ống tre gai thật khô, thật dai mới đem làm đàn”.
Tiếp đến là công đoạn chế tác đàn, ống tre gai sau khi đã phơi trên gác bếp, dùng dao rạch vỏ, tách lên bốn cặp dây khoảng cách đều nhau nhưng có độ dày mỏng khác nhau và dùng những thanh tre chêm vào tạo khoảng hở, rồi buộc chặt bằng những sợi dây hái trên rừng.
Nghệ nhân dùng cây mác nhọn (cây mác này được chế tạo từ vỏ máy bay nên rất sắc bén) khoét vào cật tre bật lên thành 8 dây, mỗi dây cách nhau khoảng 2 cm. Đặt chốt tre nhỏ ở hai đầu dây nâng cao hơn thân đàn. Vót mảnh tre cật rộng bằng đầu ngón tay cái khoét rảnh nối từng cặp dây lại với nhau. Ở hai đầu thân đàn dùng dây mấu bện chặt có nhiệm vụ giữ căng dây đàn. Dùng dùi lửa khoét thủng hai mắc tre tạo âm vang cho thân đàn. Sau khi cây đàn nên hình nên dáng thì nghệ nhân phải biết cân chỉnh cho tiếng đàn Chapi có hồn.
Già làng Chamaléa Thơm cho biết: Làm được Chapi đã lâu, khảy được Chapi còn lâu hơn nữa. Điệu đàn Chapi khó thuộc bởi chỉ có những sợi dây đàn phát ra âm thanh trầm bổng. Tiếng đàn như tiếng lòng, cho nên phải có tâm sự, phải gảy mỗi ngày, mỗi đêm thì mới nhớ nổi, để lâu là quên.
Từ việc chế tác từ cây tre vô cùng gần gũi, đến gửi tiếng lòng vào đàn Chapi và những giai điệu từ đàn Chapi về đàn Chapi đã được các nghệ nhân thể hiện, tương tác rất giản dị, thân thương bằng tấm lòng của đồng bào Raglai trước chân dung của cố nghệ sĩ ưu tú Y Moan.
Tuệ Bình/ langvietonline..vn
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/nguoi-hoi-sinh-nhung-tieng-dan-chapi-20201027160443927.htm
|